Điêu đứng vì thông tin sai sự thật

Thời gian gần đây, thông tin về việc sử dụng đậu nành hay những sản phẩm từ đậu nành có khả năng mắc bệnh ung thư, làm tăng kích thước khối u liên tiếp xuất hiện. Thông tin này gây hoang mang và có tác động tiêu cực đối với cả người tiêu dùng và người sản xuất. Bởi, đậu nành là sản phẩm nông nghiệp gắn với hàng triệu người dân Việt Nam từ bao đời nay thông qua nhiều sản phẩm như: Đậu phụ, xì dầu, tương, sữa, đồ ăn chay... Điều đáng nói là những thông tin xuyên tạc này đã từng xuất hiện cách đây 3 năm, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hàng triệu nông dân trồng đậu tương, nay tiếp tục tái diễn.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thạc sĩ Lê Hoàn, Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn và kiểm nghiệm (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết: “Tinh chất mầm đậu nành đã được Nhật Bản nghiên cứu, sử dụng từ rất lâu và khẳng định có tác dụng tích cực với sức khỏe. Chúng tôi cũng khẳng định, tinh chất đậu nành là sản phẩm có tác dụng tốt cho da, giúp bổ sung và cân bằng nội tiết tố nữ (estrogen). Đây là sản phẩm an toàn tuyệt đối với người sử dụng. Thông tin sản phẩm làm từ tinh chất mầm đậu nành gây ung thư là không có cơ sở khoa học, cần phải xử lý nghiêm”.

Còn nhớ, ngày 16-7-2006, BBC News và báo Daily Mail của nước Anh công bố bản tin "Phụ nữ ăn nhiều bưởi sẽ có nguy cơ ung thư vú". Thông tin này dựa trên kết quả khảo sát của hai trường đại học ở Hawaii và Nam California của Mỹ cho rằng, những phụ nữ ăn từ 1/4 trái bưởi trở lên mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú tới 30%. Mặc dù giống bưởi mà hai trường đại học trên nghiên cứu là loại bưởi chùm được trồng tại một số nước thuộc châu Mỹ không liên quan đến bưởi ở Việt Nam, nhưng do thông tin được dịch một cách vội vàng, đưa tin cẩu thả, không nói rõ nguồn gốc bưởi khiến nông dân trồng bưởi trên cả nước thiệt hại nặng nề. Hay vào tháng 5-2015, các hộ nông dân trồng mít tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai lâm vào cảnh khốn đốn chỉ vì tin đồn mít bị tiêm thuốc kích thích. Vào thời điểm đó, giá mít rớt xuống chỉ còn 500 đồng/kg nhưng vẫn không bán được. Hàng trăm tấn mít bị bỏ thối...

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến kinh tế và sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Đa phần những thông tin này đến khi được đính chính, làm rõ thì người nông dân đã bị thiệt hại nặng nề, nhiều trường hợp khó có khả năng vực lại sản xuất.

Xử lý kịp thời, nghiêm khắc

Theo Khoản 3, Điều 64, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ, hành vi thông tin sai sự thật, xuyên tạc... sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Tuy nhiên, chế tài xử phạt này vẫn chưa đủ mạnh khiến không ít đối tượng vì lợi ích riêng vẫn tiếp tục đưa ra những thông tin sai sự thật về các sản phẩm nông nghiệp. 

Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: Trước những tin đồn thất thiệt chưa được kiểm chứng, người tiêu dùng không nên vội vàng tin và lan truyền gây tác động xấu trong dư luận xã hội. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần thông tin chính xác, kịp thời để định hướng dư luận.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để hạn chế những tin đồn thất thiệt cần có sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan. Các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của nông dân làm ăn chân chính, các sản phẩm bảo đảm chất lượng, đồng thời nhanh chóng vào cuộc dập ngay những tin đồn thất thiệt thông qua các biện pháp quản lý, những tin bài tích cực, những giải thích rõ ràng từ các nhà khoa học, cơ quan chức năng và chuyên gia. 

Mặt khác, phải có các biện pháp xử lý vi phạm nghiêm khắc, kiên quyết hơn. Cụ thể, cần bổ sung chế tài xử lý, quy trách nhiệm tới cùng đối với những tập thể, cá nhân có hành vi tung tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho người nông dân. Những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng cần phải xử lý trách nhiệm hình sự...

VĂN THI