Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Hoa Kỳ và đồng minh đã rải hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam chứa 366kg dioxin xuống một phần tư diện tích toàn miền Nam Việt Nam. Hậu quả vô cùng khủng khiếp là 4,8 triệu người dân Việt Nam đã bị phơi nhiễm gây ra những di chứng nặng nề cho các thế hệ sau như bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ, đời sống thực vật. Bằng rất nhiều lý do, Chính phủ Hoa Kỳ và các công ty hóa chất gây ra hậu quả trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn không chịu chính thức thừa nhận đã gây ra thảm họa đối với con người và môi trường sinh thái ở Việt Nam. Tuy nhiên, tại chính Hoa Kỳ và các nước đồng minh từng tham gia phun rải chất độc hóa học tại Việt Nam, chính phủ của họ đã từng bước phải thừa nhận và trợ cấp cho những người bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Đây là một bất công cần phải được nhìn nhận nghiêm túc.
Các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Ảnh: Điện ảnh QĐND
Những ngày vừa qua, dư luận Việt Nam và quốc tế đặc biệt chú ý đến vụ kiện của bà Trần Tố Nga, nạn nhân chất độc da cam/dioxin kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Vụ kiện bắt đầu từ ngày 16-4-2015 khi tòa án thành phố Evry thuộc Paris của Pháp tiến hành tố tụng. Bà Trần Tố Nga, một công dân Pháp gốc Việt, là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam. Bà sinh năm 1942 ở Nam Bộ. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội bà xung phong về hoạt động ở miền Nam; là phóng viên Thông tấn xã giải phóng, phục vụ ở các mặt trận nóng bỏng như Tây Ninh, Bình Dương, Sài Gòn-Gia Định. Năm 1972 được cử vào hoạt động ở nội thành Sài Gòn. Tháng 8-1974 bị địch bắt tù cho đến ngày 30-4-1975. Năm 1993 bà sang sinh sống ở Pháp sau đó trở thành công dân Pháp. Trong thời gian hoạt động ở chiến trường Việt Nam bà Nga đã bị trực tiếp phơi nhiễm chất độc hóa học và mắc nhiều thứ bệnh. Vụ kiện của bà Trần Tố Nga đến nay chưa đi đến hồi kết bởi các công ty hóa chất Mỹ với sự hùng mạnh tài chính, đang dùng rất nhiều thủ đoạn để trì hoãn vụ kiện này. Tuy nhiên, nếu vụ kiện của bà Trần Tố Nga thành công, sẽ mở ra con đường cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam đòi lại công lý.
Trước đó, ngày 30-1-2004 Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và một số nguyên đơn đại diện cho hơn 3 triệu nạn nhân da cam Việt Nam kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hóa chất cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Trải qua hơn 5 năm (từ 30-1-2004 đến 2-3-2009), qua 3 cấp sơ thẩm, phúc thẩm và tòa án tối cao liên bang, vụ kiện mới chỉ qua giai đoạn xét xử. Mặc dù tòa án Mỹ từ chối thụ lý vụ kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam đó là sự bất công, là ngụy biện, là đảo ngược thực tế khách quan nhưng qua vụ kiện, các nạn nhân da cam Việt Nam đã giành được thắng lợi quan trọng về xã hội và nhân văn, đánh thức vào lương tri, công lý của con người.
Không chỉ riêng đối với các nạn nhân ở Việt Nam, chính các nạn nhân da cam/dioxin của Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Canada… cũng đã bị từ chối nhiều vụ kiện đấu tranh cho quyền lợi. Nhưng rồi, trước một thực tế không thể phủ nhận là rất nhiều quân nhân các nước này đã bị phơi nhiễm chất da cam trong chiến tranh ở Việt Nam, các chính phủ đó đã phải từng bước xuống thang, đi đến trợ cấp, có chính sách với họ.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu của Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, những năm đầu thập niên 1970, nhiều binh sĩ Mỹ trở về sau chiến tranh thấy sức khỏe của họ ốm yếu khác thường với các bệnh về gan, da, ung thư, trầm cảm, mệt mỏi, các bệnh cơ quan mô mềm…; các tai biến sinh sản, sinh con dị dạng, dị tật tăng cao; một số binh sĩ kiểm tra trong máu có lượng dioxin cao. Tính đến năm 1979, trên toàn nước Mỹ đã có tới 600 vụ kiện riêng lẻ tại các tòa án địa phương đấu tranh đòi bồi thường của 15.000 cá nhân cựu chiến binh và những nhân viên dân sự làm việc tại Việt Nam trong những năm chiến tranh. Vụ kiện tập thể chất da cam kéo dài gần 6 năm và kết thúc vào tháng 5-1984 bằng một vụ dàn xếp với cái giá là các công ty hóa chất phải trả 180 triệu USD.
Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Phó chủ tịch-Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. ẢNH: MINH HƯNG
Tuy nhiên, do ngày càng có nhiều cựu chiến binh Mỹ bắt đầu phát bệnh, nên năm 1991, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành một đạo luật có tên “Đạo luật Chất Da cam 1991”. Đạo luật này về sau đã đóng vai trò quan trọng và cơ bản để chính quyền Mỹ giải quyết chính sách. Căn cứ vào khả năng phát tán rộng của dioxin nên chính phủ Mỹ sẵn sàng công nhận bất cứ cựu chiến binh nào từng có mặt ở Việt Nam vào thời kỳ phun rải đều có thể bị phơi nhiễm. Binh sĩ Hải quân Hoa Kỳ và các nhân viên trên máy bay C-123 sau chiến tranh ở Việt Nam cũng đưa ra nhiều bằng chứng về việc họ bị phơi nhiễm trong khi hoạt động trên biển ngoài khơi Việt Nam. Năm 1993, Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ đã đưa ra một danh sách 32 bệnh để được hưởng chế độ trợ cấp. Số bệnh này đã dần được tăng thêm. Năm 2009 Viện Hàn lâm Khoa học và Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ cũng chấp nhận trợ cấp cho các con cái cựu chiến binh Mỹ bị mắc 1 trong 20 bệnh/dị tật. Bộ này cũng ghi chú rằng, đây chỉ là danh sách cơ bản, những dị tật khác có thể vẫn được xem xét. Tiêu chí áp dụng: Cựu chiến binh Mỹ phải từng đặt chân trên đất liền Việt Nam vào bất cứ thời gian nào (từ 1 ngày trở lên), có mặt trên tàu hay thuyền hoạt động trên các sông ngòi trong lãnh thổ Việt Nam, hoặc công tác trên tàu biển có neo đậu và đi lên bờ. Mới đây nhất, năm 2014, hơn 2.000 cựu chiến binh và nhân viên Hoa Kỳ từng có thời gian làm việc trên máy bay vận tải C130-loại máy bay vận chuyển chất độc hóa học phun rải ở Việt Nam trong chiến tranh, đã bị nhiều loại bệnh tật đã được Chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận trợ cấp, hưởng các chế độ.
Như vậy, chính sách chất da cam đối với cựu chiến binh Hoa Kỳ đã phải trải qua một quá trình dài và phức tạp, nhưng cuối cùng Chính phủ Hoa Kỳ đã phải thừa nhận. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề da cam, nhưng dư luận Mỹ, nhất là các cựu chiến binh vẫn quan tâm đòi hỏi phải tiếp tục giải đáp rất nhiều vấn đề sau: Làm thế nào để xác định thêm các loại bệnh tật do chất da cam chứ không chỉ trong phạm vi danh sách do Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ đưa ra, đặc biệt bệnh tật của con cháu các cựu chiến binh? Tác hại của các chất độc khác ngoài dioxin, đặc biệt trong các chất Trắng và chất Xanh Lam? Tác hại tổng hợp đồng thời của các chất độc hại đối với con người, trên cơ sở đó bổ sung thêm một số bệnh được công nhận?
Tại Australia, trong chiến tranh ở Việt Nam, Australia cũng đã gửi 50.000 quân sang Việt Nam tham chiến (giai đoạn 1962-1972) bao gồm cả hải, lục, không quân trong đội hình quân Mỹ. Quân đội Australia cũng tham gia vào việc rải chất độc da cam ngay từ năm 1961 trong một chiến dịch do CIA điều phối. Ngoài vai trò phun rải, Australia còn tham gia sản xuất, thử nghiệm thuốc diệt cỏ.
Cựu chiến binh Australia trở về cũng mắc nhiều loại bệnh và đã đấu tranh, liên tục tổ chức các vụ kiện đòi chính phủ phải có biện pháp bồi thường. Cuộc đấu tranh đòi bồi thường của các cựu chiến binh Australia đã tiến hành từng bước từ mức thấp là khiếu nại về sự vô tâm của chính phủ, đến phê phán gay gắt những hành vi bao che cho việc Hoa Kỳ sử dụng chất da cam ở Việt Nam, đến tuần hành biểu dương lực lượng và khiếu kiện.
Chính phủ Australia lúc đầu cũng chối bỏ, nhưng trước tác động của các diễn biến như năm 1991, Quốc hội Mỹ thông qua “Đạo luật Chất Da cam 1991”… cuối cùng đã phải thay đổi thái độ, từng bước và chấp nhận trợ cấp cho một số bệnh trong danh sách mà Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ công bố và một số bệnh do các nhà khoa học Australia đề nghị. Mặc dù có những khiếu nại về ảnh hưởng của chất da cam đối với dân thường, kể cả những nhân viên dân sự sang phục vụ chiến tranh ở Việt Nam, tuy nhiên tương tự như chính phủ Mỹ, cho đến nay chính phủ Australia hoặc các công ty hóa học vẫn không có chế độ, chính sách áp dụng đối với dân thường.
Trực thăng Mỹ rải chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh tư liệu
Tại New Zealand, với tư cách là đồng minh của Mỹ, tham gia hiệp ước phòng thủ Anzus, giống như Australia, New Zealand cũng đem nhiều quân tham chiến tại Việt Nam. Khác với binh sĩ Mỹ, Australia, lính New Zealand không tham gia rải chất da cam bằng đường không, nhưng họ hoạt động trong khu vực bị rải, uống nước bị ô nhiễm. New Zealand cũng có nhà máy sản xuất thuốc diệt cỏ và cũng bị tố cáo là gây ra một số vấn đề sức khỏe cho cư dân. Những cựu chiến binh nước này cũng thành lập tổ chức và năm 1998 đã tổ chức một cuộc tuần hành khá nổi bật, có tên “Việt Nam cần được nhớ đến”. Tháng 5-2007, họ cũng dự kiến tiến hành một vụ kiện tập thể nhưng không thành. Từ đó cũng đã có nhiều người biết đến sự tổn thương của họ và được dư luận ngày càng quan tâm. Thái độ của chính quyền New Zealand cũng giống như của Hoa Kỳ và Australia là kiên quyết bác bỏ mọi khiếu nại. Tuy nhiên, các diễn biến như Quốc hội Mỹ thông qua “Đạo luật Chất Da cam 1991”, Chính phủ Australia công nhận một số bệnh ung thư là do thuốc diệt cỏ… Chính phủ New Zealand đã phải từng bước trợ cấp cho những binh sĩ này bằng nhiề hình thức khác nhau.
Tại Hàn Quốc, trong chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Hàn Quốc là lực lượng đồng minh đông đảo nhất của Mỹ. Bên cạnh số lính Hàn Quốc phơi nhiễm chất da cam ở Việt Nam, một số khác bị phơi nhiễm ngay tại Hàn Quốc trong các năm 1968-1969, khi Mỹ sử dụng thuốc diệt cỏ độc để khai quang khu phi quân sự vĩ tuyến 38. Năm 2006, chính phủ Hàn Quốc công bố có 92.320 cựu quân nhân là nạn nhân chất da cam. Từ đầu thập niên 80, cựu chiến binh Hàn Quốc liên tục biểu tình tuần hành đòi chính phủ Hàn Quốc phải bồi thương. Năm 1993, họ tiến hành một vụ kiện tập thể đòi Chính phủ Hoa Kỳ bồi thường tại Hoa Kỳ. Sau khi bị bãi nại, các cựu chiến binh Hàn Quốc chuyển vụ kiện về tại tòa sơ thẩm Sơ-un chống lại các công ty hóa học Mỹ nhưng cũng bị bãi nại. Trước thực tế không thể phủ nhận, năm 1993 Quốc hội Hàn Quốc đã ban hành Pháp lệnh về chăm sóc y tế đối với nạn nhân chất da cam và “Sắc lệnh Thực thi Đạo luật”. Tính đến ngày 31-12-2005 đã có gần 100.000 cựu chiến binh Hàn Quốc được công nhận là nạn nhân chất da cam và được chính phủ trợ cấp ở các mức độ khác nhau.
Một gia đình ở Quảng Trị có nhiều người con là nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Điện ảnh QĐND
Bất công đang mặc nhiên tồn tại, đó là Chính phủ Hoa Kỳ và các công ty hóa chất cũng như các Chính phủ Hàn Quốc, Australia, New Zealand… ở từng góc độ đã phải thừa nhận và trợ cấp cho các nạn nhân là quân nhân bị ảnh hưởng của chất da cam/đi-ô-xin trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, vậy mà những người dân Việt Nam, hàng vạn cựu chiến binh của Việt Nam-những người là nạn nhân trực tiếp do chính loại chất độc hóa học khủng khiếp mà Hoa Kỳ gây ra, đến nay vẫn chưa được Chính phủ Hoa Kỳ và các công ty hóa chất bồi thường. Đây là điều dư luận không thể chấp nhận. Con đường đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam còn nhiều gian nan. Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng rằng, công lý cuối cùng sẽ phải được thực thi. Thế giới văn minh không chấp nhận sự một sự thật bị che giấu.
MINH HƯNG