Được thiên nhiên ưu đãi, hồ Trị An được xem như là một ngư trường lớn, góp phần ổn định và thay đổi cuộc sống của hơn 1 ngàn hộ dân sinh sống quanh hồ thông qua việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản…
Đất lành chim đậu…
Với diện tích rộng lớn, kết hợp nhiều eo ngách, các chi lưu, suối… hồ Trị An đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài cá thích nghi và phát triển. “Đất lành chim đậu”, thời gian qua hơn ngàn hộ dân khắp mọi nơi lần lượt đến đây lập nghiệp, mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản. Khu Đồi Cá (ấp Vĩnh An, xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai) là nơi cộng đồng người Thừa Thiên Huế đã đến đây lập nghiệp và sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên hồ Trị An hơn 32 năm nay. Nơi đây hiện có khoảng 140 hộ với trên 500 nhân khẩu đang sinh sống ổn định.
Khác với cảnh sống khó khăn thuở đầu lập nghiệp, Đồi Cá giờ đây đã có nhiều “thay da đổi thịt”. Những căn nhà tranh vách đất xập xệ ngày nào giờ đã thay bằng những ngôi nhà tường gạch kiên cố với đầy đủ tiện nghi. Hầu hết các tuyến đường đã được tráng bê tông sạch sẽ, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và đi học của con em được thuận tiện hơn... Nhờ nỗ lực phấn đấu không ngừng của người dân nơi đây, khu Đồi Cá có được bộ mặt khang trang như ngày hôm nay.
 |
Ngư dân ở khu Đồi Cá đánh bắt cá trên hồ Trị An |
Chia sẻ về câu chuyện đi lập nghiệp, ông Lê Văn Phúc (tổ trưởng Tổ ngư dân Đồi Cá) cho biết, năm 1989, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên rời quê Thừa Thiên Huế đến Đồi Cá lập nghiệp cho đến nay đã 32 năm. Thời gian đầu ở nơi xứ lạ quê người, gia đình ông gặp nhiều khó khăn vì chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Thế rồi, ông được những người xung quanh giúp đỡ, giới thiệu nơi vay vốn để mua sắm ngư cụ, phương tiện, đồng thời hướng dẫn cách đánh bắt thủy sản sao cho hiệu quả. Nghề đánh bắt cá ở lòng hồ Trị An đã giúp gia đình ông xây được ngôi nhà khang trang và có tiền lo cho 4 người con ăn học đàng hoàng.
Ông Nguyễn Hữu Phước (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai- đơn vị trực tiếp quản lý hồ Trị An) cho biết, những năm qua, người dân ở Đồi Cá đã chấp hành rất tốt những quy định về khai thác thủy sản trên lòng hồ Trị An. Cụ thể, bà con làm ăn lương thiện bằng những dụng cụ đánh bắt thủy sản mà Nhà nước cho phép. Đồng thời, bà con còn tích cực cung cấp cho lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn những thông tin quan trọng về các ghe, xuồng lén lút đánh bắt thủy sản trái phép để lực lượng kịp thời ngăn chặn, xử lý. Vì vậy, Khu bảo tồn thường chọn Đồi Cá làm điển hình để đi tuyên truyền những nơi khác.
Nâng cao đời sống người dân
Ông Võ Quang Trung, cán bộ Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai chia sẻ thêm, hiện có khoảng 1.000 hộ, với 5.000 nhân khẩu đang sinh sống trên bè và khu vực xung quanh giáp hồ Trị An tham gia đánh bắt thủy sản, trong đó người Việt kiều Campuchia chiếm tỷ lệ rất đông. Các hộ dân Việt kiều Campuchia hồi hương về vùng hồ Trị An sinh sống và hình thành các cụm dân cư với tên gọi: Làng chài C.3, làng bè Suối Tượng, khu xóm chài đến nay cũng khoảng 30 năm. Nhiều gia đình nhờ nghề đánh bắt thủy sản mà có điều kiện nâng cao chất lượng đời sống. Anh Nguyễn Long Phương (ngư dân xóm chài ấp 1,xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cho hay, gia đình anh về hồ Trị An sinh sống đã gần 30 năm và gắn bó nghề kéo lưới đánh bắt cá cơm từ đó đến nay. Nghề này tuy vất vả nhưng đã giúp vợ chồng anh có công việc, nguồn thu nhập ổn định để nuôi cả gia đình và lo cho các con ăn học. “Hôm nào trúng mánh hai vợ chồng mỗi người kiếm được 500 ngàn đồng. Còn hôm nào bắt ít cá thì mỗi người cũng được từ 200 đến 250 ngàn đồng. Bù qua sớt lại thì thu nhập cũng đảm bảo để trang trải trong gia đình và lo cho các con ăn học đàng hoàng”, anh Phương tâm sự.
 |
Cán bộ Khu bảo tồn Thiên nhiên -Văn hóa Đồng Nai đến thăm hỏi động viên ngư dân. |
Do hồ Trị An điều tiết nước theo mùa nên ngư trường hoạt động và các nghề khai thác thủy sản cũng thay đổi, trong đó mùa khai thác tập trung là thời điểm nước cạn dần. Cụ thể: Vào mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6 của năm) là mùa vụ đánh bắt chính, cao điểm của hoạt động đánh bắt từ tháng 4 đến tháng 5. Ngư trường đánh bắt chủ yếu tập trung ở vùng giữa và hạ lưu của hồ. Còn mùa mưa là mùa đánh bắt phụ; các ngư cụ được sử dụng nhiều với sản lượng cao là lưới cá cơm, lợp tép, xúc cá kìm…
Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo khẳng định, thời gian qua, Khu bảo tồn đã quan tâm tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt thủy sản hợp pháp trên lòng hồ Trị An. Nhờ đó, nhiều người đã có công việc làm ăn ổn định, đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn có những gia đình khó khăn, nhiều người không biết chữ. Đối với những hộ nghèo, những năm qua, lãnh đạo Khu bảo tồn thường phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vận động các mạnh thường quân tổ chức nhiều chương trình thiết thực như: Tặng quà, sách vở, áo quần, xe đạp… để động viên bà con vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Đoàn cơ sở Khu bảo tồn đã có sáng kiến tập hợp các thanh niên tâm huyết cùng phối hợp với địa phương tổ chức chương trình “xóa mù chữ” để dạy chữ miễn phí cho người dân lớn tuổi ở lòng hồ.
Riêng trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, Khu bảo tồn đã vận động các nguồn lực và tổ chức nhiều đợt tặng cả ngàn phần quà cho người dân sinh sống trong lâm phận (trong đó có ngư dân ở lòng hồ Trị An) nhằm giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này. “Hy vọng, với sự chung tay góp sức của Khu bảo tồn cũng như toàn thể chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện để cuộc sống của người dân trên lòng hồ ngày càng tốt đẹp hơn”, ông Hảo nói.
Hồ Trị An nằm trong địa giới hành chính các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán; được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1987 cho đến nay với diện tích trên 32.000 ha. Không chỉ là hồ chứa nước cho thủy điện, hồ Trị An cũng được sử dụng cho phát triển nguồn thủy sản và cung cấp nước tưới tiêu nông nghiệp, sinh hoạt nội vùng của vùng hạ lưu sông Đồng Nai.
|
Bài và ảnh: AN AN