Theo nhiều chuyên gia, tội phạm do sử dụng ma túy đá ngày càng trẻ hóa và gia tăng. Những vụ thảm án gây tâm lý bất an trong xã hội bởi các đối tượng gây án khi thực hiện đều theo ảo giác bộc phát, hồi tỉnh lại thì mọi chuyện đã quá muộn. Theo báo cáo của Bộ Công an, nước ta có khoảng 200.000 người nghiện ma túy nhưng chỉ 1/10 trong số này đang cai nghiện tập trung, số còn lại đang sống giữa cộng đồng. Thế nhưng công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng hiện nay được đánh giá là không hiệu quả, vì người nghiện và gia đình họ không tự khai báo, đăng ký cai nghiện. Đây cũng là nỗi lo về những tai họa khi đối tượng "ngáo đá" có thể vô tình tấn công mình vào bất cứ lúc nào.

Ma túy đá do Đội 4, Công an TP Hà Nội thu giữ.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đỗ Viết Hải, Chủ tịch Công ty Luật Hợp danh Sự thật cho biết: “Nhìn từ góc độ pháp luật, để xảy ra tình trạng trên là do chúng ta còn có bất cập về quy định trong quản lý, tổ chức, điều trị cai nghiện. Chẳng hạn, Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở ma túy bắt buộc phải có giấy xác nhận tình trạng nghiện của cơ quan y tế có thẩm quyền. Tuy nhiên, người nghiện thường không tự giác, bất hợp tác nên cơ quan chức năng khó có thể ra được văn bản đó. Luật Phòng, chống ma túy hiện nay đang đòi hỏi người nghiện và gia đình họ phải tự giác khai báo, đăng ký cai nghiện tại gia đình và cộng đồng nhưng điều này là không khả thi. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018) không coi hành vi đó là tội phạm. Theo luật mới, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính. Đây là chủ trương nhân văn nhưng thiếu tính răn đe và gây ra hệ lụy đối với xã hội”.

Trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng để giảm tải cho các trung tâm cai nghiện là cần thiết nhưng cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn là chúng ta đã thất bại, rất hiếm gia đình có người thân cai được thành công. Chính sách này tưởng nhân văn nhưng thực tế hằng ngày bắt bố mẹ, ông bà, con cháu phải chứng kiến con nghiện vật vã, có người không chịu nổi lại tuồn thuốc vào cho con; còn công an khu vực không thể hằng ngày đến giám sát từng trường hợp được. Theo tôi, giải pháp hiệu quả nhất vẫn cần cai nghiện ma túy tập trung, có bàn tay can thiệp cứng rắn của cơ quan chức năng. Nếu tiếp tục thực hiện chính sách cai nghiện tại cộng đồng, gia đình thì chúng ta cần luật hóa để thực hiện nghiêm túc và tăng cường chế tài, trách nhiệm của chính quyền cơ sở”.

Cũng theo ông Lê Như Tiến, để ngăn chặn tận gốc, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, cần tích cực giáo dục, tuyên truyền để người dân hiểu được những tác hại và các biện pháp ngăn chặn. Thứ hai, cơ quan chức năng cần tăng cường đấu tranh phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ. Thứ ba, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội, các tổ chức đoàn thể để sớm phát hiện và quản lý người nghiện tại cộng đồng. Thứ tư, cần rà soát những văn bản pháp luật xem còn những kẽ hở nào thì tổng kết, sửa đổi để công tác phòng, chống và quản lý, điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Ngăn chặn tội ác do đối tượng “ngáo đá” gây ra là điều không đơn giản. Đó là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn của từng gia đình, cá nhân và toàn xã hội. Theo các chuyên gia tâm lý, đối với mỗi công dân, khi phát hiện các trường hợp bị “ngáo đá” cần phải báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất, tuyệt đối không nên một mình lao vào khống chế khi đối tượng tỏ ra hung hãn và có hung khí. Trong trường hợp bị đối tượng “ngáo đá” khống chế, không thể thoát được thì chúng ta nên làm theo yêu cầu của đối tượng, không được la hét, gào khóc bởi sẽ càng làm cho đối tượng bị kích động, nên dùng những lời lẽ ngọt ngào để thuyết phục. Khi đối tượng đã bình tĩnh hơn, cần khéo léo hỏi xem đối tượng có nhu cầu gì rồi chờ cơ hội chạy thoát hoặc chờ lực lượng chức năng ứng cứu. 

Bài và ảnh: KIM DUNG