Trao “cần câu” cho người dân “câu cá”
Chúng tôi đến huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, nơi trước đây tỷ lệ hộ nghèo chiếm rất cao và người dân lúng túng trong làm kinh tế nông nghiệp. Nhưng năm nay, các hộ gia đình đã và đang làm giàu nhờ đổi mới canh tác trong trồng trọt, chăn nuôi bằng cách sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ từ các chính sách dân tộc của Chính phủ.
Là một trong những hộ đi đầu trong đổi mới tư duy, biết cách làm giàu từ nông nghiệp, ông Danh Sóc Kha, ấp Phônô Camphôth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), chia sẻ: “Nhờ Nhà nước cho vay vốn, xây chuồng, hỗ trợ bò giống nên gia đình tôi đầu tư cho chăn nuôi, dần ổn định cuộc sống".
Từ chỗ chỉ biết canh tác manh mún, đời sống khó khăn, giờ đây gia đình ông Kha đã tận dụng chính sách hỗ trợ vốn, tiếp cận kỹ thuật nuôi bò đem lại thu nhập đáng kể-gần 100 triệu đồng/năm. Hiện gia đình đã có điều kiện lo cho 5 người con học hành đầy đủ, trong đó người con lớn đang học cao học, hai con học đại học và hai con đang học trung học phổ thông.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết: “Phát huy lợi thế về đất đai và khí hậu, Sóc Trăng đã triển khai và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả. Điển hình là các mô hình chăn nuôi bò sữa, nuôi tôm, trồng màu tại các xã thuộc huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu…, đã tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ, trong đó, không ít hộ vươn lên làm giàu. Nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, mỗi năm, Sóc Trăng có gần 3.000 hộ thoát nghèo bền vững. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn dưới 16%”.
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay chính sách cộng với sự hướng dẫn về mô hình chăn nuôi hiệu quả nên nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số thuộc tỉnh Hậu Giang đã khấm khá hơn, có hộ thoát nghèo bền vững.
Ông Danh Sal, ấp Vũng Đùng, xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) phát triển mô hình nuôi bò sữa nhờ nguồn vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bên căn nhà mới khang trang vừa xây xong, anh Danh Điều, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) nói: “Bà con chúng tôi ở đây cũng được địa phương quan tâm lắm. Được Nhà nước cho vay vốn, hỗ trợ trâu để phát triển chăn nuôi, bà con còn được cán bộ ở địa phương hướng dẫn mô hình làm ăn có hiệu quả. Nhờ đó, cuộc sống cũng từng bước ổn định hơn. Không có ruộng đất, phải làm thuê, làm mướn. Nhờ được hỗ trợ vốn, gia đình hiện nuôi 2 con trâu, 4 con heo, vài chục con vịt… Giờ cuộc sống cũng tạm ổn. Năm 2015, gia đình tôi đã được công nhận thoát nghèo bền vững. Mong sao cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn, để lo cho con cái được ăn học tới nơi tới chốn”.
Nguy cơ tái nghèo và bài toán chính sách
Dù tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua nhiều năm, song một số chuyên gia và lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nam Bộ cho rằng, việc chăm lo đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Khơ-me chưa thật sự bền vững. Phần lớn đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Sản xuất kinh tế còn nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quán. Mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với các dân tộc anh em khác ở các vùng, miền trong nước.
Theo ông Trần Quốc Thẻo, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, kết quả đạt được từ việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn chưa bền vững khi nhiều hộ thoát nghèo nhưng còn ở ngưỡng cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Tốc độ giảm nghèo các địa phương không đồng đều, có nơi tỷ lệ giảm nghèo rất thấp, một số xã chỉ giảm 0,1-0,2%...
Tại tỉnh Trà Vinh, nhận định của ngành chức năng, công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Khơ-me dù mang lại một số kết quả nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 36,23%, số hộ tái nghèo còn cao. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo đã thoát nghèo nhưng nằm sát chuẩn nghèo khoảng 70-80%.
Ông Thạch Mu Ni, Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc-Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá: “Thời gian qua, nhìn chung công tác phối hợp tổ chức thực hiện ở các cấp đôi lúc chưa được thường xuyên, nhất là công tác kiểm tra, giúp đỡ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn, giám sát và quản lý sử dụng nguồn vốn của các đối tượng chưa được chặt chẽ. Nhiều đối tượng thụ hưởng sử dụng nguồn vốn chưa đúng mục đích và đầu tư mang tính rủi ro cao. Nhiều hộ nghèo dân tộc thiểu số còn lúng túng trong giải pháp thoát nghèo, vươn lên khá giả nên chưa bảo đảm tính bền vững, tình trạng tái nghèo vẫn là nguy cơ tiềm ẩn với các hộ vừa thoát nghèo”.
TS Võ Công Nguyện, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nhìn nhận: “Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Khơ-me trong những năm qua chưa thật sự bền vững là do trong thời gian dài các chính sách ban hành quá nhiều và chồng chéo, nhất là giữa chính sách đối với vùng, miền và chính sách tác động trực tiếp đến đồng bào dân tộc Khơ-me”.
Để giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc Khơ-me, theo TS Nguyện cần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc Khơ-me. “Để thực hiện tốt giải pháp này thì vấn đề cơ bản vẫn là triển khai thực hiện những kế hoạch, dự án nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơ-me hiện có và tạo nguồn cho tương lai. Quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người Khơ-me về vai trò của tri thức, của khoa học công nghệ trong cuộc chiến chống đói nghèo và tiến tới một đời sống tốt đẹp”, ông Nguyện nhấn mạnh.
Đối với chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, PGS, TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho rằng, các chính sách hiện nay chưa tạo ra tính đồng bộ. Thời gian triển khai ngắn, không phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm vùng nên hiệu quả thiếu tính bền vững.
“Cần sớm có chính sách xây dựng các mô hình kinh tế. Những chính sách này thông qua các dự án phát triển kinh tế-xã hội toàn diện và gắn với quy hoạch phát triển của vùng, địa phương, đồng thời phải được triển khai qua các kế hoạch mang tính hệ thống với nhiều dự án thành phần và tính bằng hàng chục năm. Đây là mô hình cần thu hút nhiều nhà khoa học trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, văn hóa, du lịch, các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư… Mỗi vùng căn cứ vào thành phần tộc người, đặc điểm kinh tế-xã hội, văn hóa mà định ra hệ thống, thứ tự các dự án thành phần và lộ trình thực hiện thì mới đạt mục tiêu đề ra”, PGS, TS Lê Thanh Sang đề xuất.
Bài và ảnh: NGỌC THẢO - CHÚC LY