Phóng viên (PV): Bà có thể cho biết rõ hơn về Dự án “Chợ phiên du ký” thuộc Chương trình “Bữa ăn an toàn”?

Bà Hồ Thị Mai Chinh: “Chợ phiên du ký” thuộc Chương trình “Bữa ăn an toàn” do UBND TP Hà Nội chỉ đạo và giao Sở Y tế, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thành phố phối hợp với đơn vị đào tạo Junior Startup Vietnam-BK-Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội) tổ chức. Dự án được triển khai tại các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội kể từ tháng 3-2018. Mục tiêu của dự án nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng của công dân thế kỷ 21, rèn luyện cho các em học sinh nếp sống văn minh, năng động và hội nhập. Trường Phổ thông liên cấp Olympia là trường đầu tiên thí điểm dự án này. Theo đó, học sinh tham gia chương trình được đến với không gian của phiên chợ quê xứ Đoài đậm chất Bắc Bộ, với những vật dụng đời thường dân dã, như: Thúng, mủng, mẹt; với chiếc làn, túi cói của các bà, các mẹ xách ở thời chưa có túi nilon...

leftcenterrightdel
Bà Hồ Thị Mai Chinh.

 

PV: Thưa bà, tại “Chợ phiên du ký”, học sinh sẽ được cung cấp những kiến thức như thế nào để biết lựa chọn thực phẩm sạch, bảo đảm dinh dưỡng?

Bà Hồ Thị Mai Chinh: Dự án “Chợ phiên du ký” chia làm hai giai đoạn: Học sinh được đào tạo các kiến thức về sống sạch, dinh dưỡng, công nghệ mới, những kỹ năng của công dân thế kỷ 21. Sau đó, các em sẽ thực nghiệm những kiến thức đã học thông qua việc tổ chức chợ phiên. Với mục tiêu đặt học sinh là trung tâm, trang bị đầy đủ cho các em những kiến thức và kỹ năng lựa chọn thực phẩm sạch, tất cả học sinh tham gia chợ phiên đều được chọn vị trí và trực tiếp trải nghiệm hoạt động tại các gian hàng, khu trò chơi. Ở vị trí kinh doanh, các em được tham gia trong vai trò người bán hàng: Giới thiệu sản phẩm tới người mua, giải đáp thắc mắc của khách hàng... Cùng với đó, các hoạt động tại chợ phiên còn giúp các em có thêm kiến thức để lựa chọn sản phẩm thông minh khi đóng vai người tiêu dùng. Tái hiện một không gian chợ phiên truyền thống Bắc Bộ cũng là cách giúp các em hiểu hơn về cội nguồn, về những giá trị văn hóa dân tộc.

PV: Những sản phẩm muốn được đăng ký tham gia vào “Chợ phiên du ký” phải đáp ứng những điều kiện như thế nào, thưa bà?

Bà Hồ Thị Mai Chinh: Vấn đề về vệ sinh ATTP là mối quan tâm của rất nhiều gia đình trong thời điểm hiện nay. Để nâng cao nhận thức về bảo đảm ATTP thì trang bị kiến thức về nhận diện thực phẩm an toàn cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là điều hết sức cần thiết. Đây là điều kiện để các em có thể tự lựa chọn được thức ăn tốt cho sức khỏe của mình cả trước mắt và lâu dài. Bởi vậy, toàn bộ sản phẩm được bày bán ở chợ phiên phải đáp ứng các tiêu chí về bảo đảm vệ sinh ATTP, được Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương TP Hà Nội giới thiệu. Đây cũng là cơ hội để các trường tìm hiểu thông tin về nguồn thực phẩm an toàn, lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm an toàn vào trường học.

leftcenterrightdel
“Chợ phiên du ký” tại Trường Phổ thông liên cấp Olympia. Ảnh: XUÂN HẢI

PV: Kế hoạch tiếp theo của chương trình là gì, thưa bà?

Bà Hồ Thị Mai Chinh: Sau những trải nghiệm thực tế nhằm trang bị kiến thức về vệ sinh ATTP cho học sinh, thời gian tới, Chương trình “Bữa ăn an toàn” sẽ triển khai việc cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát vào trường học tại Hà Nội theo hai hình thức: Nếu nhà trường có bếp ăn thì chương trình sẽ cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống từ các doanh nghiệp, hợp tác xã do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương TP Hà Nội đề cử, giới thiệu. Còn với nhà trường không có bếp ăn, chương trình sẽ cung cấp suất ăn chín từ các doanh nghiệp do Sở Y tế thành phố đề cử, nhằm giúp học sinh có bữa ăn thật sự an toàn và chất lượng.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

DIỆP CHÂU (thực hiện)