leftcenterrightdel
Ông Shimizu Akira. 

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về đợt dịch thứ tư tại Việt Nam?

 Ông Shimizu Akira: Trước tiên, tôi rất vui mừng được gặp lại các quý vị nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí sau hơn một năm xa cách, mặc dù buổi họp báo hôm nay chỉ có thể diễn ra theo hình thức trực tuyến. Cũng vào khoảng thời gian này năm ngoái, JICA đã tổ chức một buổi họp báo, khi đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới được coi là khống chế thành công sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên sau đó, dịch đã bùng phát mạnh trở lại, đặc biệt từ mùa xuân năm nay khi làn sóng dịch lần thứ tư lan rộng. Rất nhiều người đã thiệt mạng do Covid-19.

Tôi xin chia buồn với các gia đình người quá cố về sự mất mát lớn lao này. Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, có thể thấy rằng người dân Việt Nam đã nghiêm chỉnh thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như thực hiện giãn cách xã hội, thu dung và điều trị các bệnh nhân Covid-19, đẩy mạnh tiêm chủng vaccine; nhờ vậy, nhiều địa phương đã qua đỉnh điểm của dịch bệnh.

Tôi xin bày tỏ sự tôn trọng sâu sắc trước những nỗ lực của Việt Nam cho đến nay. Nhật Bản cũng nỗ lực giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này, trong đó, Nhật Bản đã tặng hơn 4 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam, hơn 260 công ty Nhật Bản ủng hộ hơn 158,6 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19...

PV: Vậy những hoạt động cụ thể mà JICA đã đồng hành với Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 là như thế nào?

 Ông Shimizu Akira: Đầu tiên, tôi muốn đề cập đến các hợp tác của JICA trong đối phó với dịch Covid-19. Mặc dù thế giới đang nỗ lực nghiên cứu và sản xuất nhiều loại vaccine và thuốc điều trị nhưng dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng. Vì vậy, hệ thống y tế cần được tăng cường hơn nữa.

Cho đến nay, trong lĩnh vực y tế, JICA tập trung vào hai ưu tiên trọng điểm: Đầu tiên là "Tăng cường hệ thống y tế nòng cốt cho các bệnh viện tuyến trên”. Bệnh viện Chợ Rẫy được Nhật Bản xây dựng từ năm 1975. Sau này, JICA tiếp tục triển khai các dự án tăng cường năng lực cho các bệnh viện ở những đô thị lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế; tăng cường hệ thống y tế toàn diện, bao gồm cả tăng cường năng lực và trang bị cho các bệnh viện tuyến dưới.

Ưu tiên trọng điểm thứ hai là “Tăng cường các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm”. Năm 2006, Nhật Bản đã hoàn thành lắp đặt phòng an toàn sinh học cấp 3 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE). Sau đó, JICA hỗ trợ xây dựng phòng xét nghiệm và đào tạo nguồn nhân lực cho Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhằm tăng cường năng lực xét nghiệm và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) các tỉnh nơi phải thực hiện các xét nghiệm nhanh và trên diện rộng dịch Covid-19 đã nhận được những hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo của NIHE và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Đây chính là một trong những thành quả hợp tác của JICA.

Bên cạnh đó, JICA đã viện trợ cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hệ thống xét nghiệm PCR; Bệnh viện Bạch Mai hệ thống điều hòa không khí nhằm phòng ngừa lây nhiễm; Bệnh viện Trung ương Huế hệ thống ECMO; trang thiết bị cần thiết trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy với tổng trị giá các lần viện trợ hơn 450 triệu yên (khoảng 91 tỷ đồng) nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn cấp trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Ngoài ra, JICA đã tiến hành mua sắm thông qua UNICEF hộp lạnh bảo quản vaccine kèm thiết bị theo dõi nhiệt độ phục vụ cho việc vận chuyển vaccine, JICA thực hiện hỗ trợ tại một số tỉnh biên giới thông qua Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ, công chức nhà nước trong điều tra và giám sát các bệnh truyền nhiễm, cung cấp thiết bị phòng ngừa dịch bệnh, JICA sẽ cung cấp các trang thiết bị y tế dùng cho điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tổng số tiền viện trợ của các dự án này là 800 triệu yên (khoảng 163 tỷ đồng).

leftcenterrightdel
JICA hỗ trợ đào tạo nhân viên y tế của Việt Nam. Ảnh do JICA cung cấp 

PV: Thời gian tới, kế hoạch của JICA sẽ hỗ trợ Việt Nam để phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 như thế nào, thưa ông?

 Ông Shimizu Akira: Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, phòng, chống dịch, trong đó cân bằng giữa phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, đây là yếu tố quan trọng trong phục hồi kinh tế. Dịch Covid-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt thường nhật của mỗi người. Cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn, nhiều lao động bị mất việc làm. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng.

Nhằm giúp Chính phủ thực hiện những hỗ trợ đó, JICA cũng đang nghiên cứu các chương trình hợp tác hỗ trợ tài chính trong thời gian tới. Mối quan hệ tin cậy giữa Việt Nam-Nhật Bản dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau là cơ sở gắn bó và phát triển thêm mối quan hệ này, và mối quan hệ ấy cũng được vun đắp bởi sự gắn bó giữa con người với con người.

JICA sẽ nỗ lực hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính; đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giữa con người với nhau, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Tôi mong rằng các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục hợp tác và ủng hộ các hoạt động của JICA Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 DIỆP CHÂU (thực hiện)