Đồ ăn, thức uống không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, cộng đồng mà còn tác động đến giống nòi dân tộc. Không ít những vụ việc vi phạm VS, ATTP bị phát hiện khiến dư luận bức xúc, người tiêu dùng hoang mang. Nếu không có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn từ gốc thực phẩm bẩn thì sẽ gây nguy hiểm cho cả xã hội.

Vừa qua, sự kiện hơn 1 triệu người cùng ký tên hưởng ứng chương trình của Bộ Công Thương "Hành động vì an toàn thực phẩm" được công bố tại Hà Nội đã thu hút sự chú ý của dư luận. Đó là bởi, nói đến bảo đảm VS, ATTP, chúng ta vẫn thường nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chứa hóa chất độc hại, không bảo đảm chất lượng vẫn còn tràn lan trên thị trường và những nỗ lực của cơ quan chức năng vẫn chỉ như "muối bỏ biển". Tại sao vậy? Đó là vì cái gốc của việc ngăn chặn thực phẩm bẩn vẫn phải là sự tham gia tích cực của cả cộng đồng, thay đổi nhận thức, từ đó hành động đúng đắn. 

Người ta vẫn thường dùng hình ảnh điển hình "rau 2 luống, lợn 2 chuồng" để nói về sự ích kỷ, vô trách nhiệm với cộng đồng của một bộ phận người sản xuất nông nghiệp, rồi cả người cung cấp dịch vụ ăn uống. Họ chỉ giữ an toàn cho bản thân, còn chẳng đếm xỉa gì tới sức khỏe của người tiêu dùng. Đáng tiếc, bộ phận này không phải là nhỏ. Họ sản xuất, bán hàng vô trách nhiệm với xã hội mà dường như quên mất rằng chính họ cũng là người tiêu dùng thực phẩm. Và cái vòng tuần hoàn thực phẩm bẩn đó sẽ hại tất cả xã hội, không chừa một ai. Cho nên trước hết cần phải thay đổi nhận thức của cộng đồng, để mỗi người sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có ý thức bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đó cũng chính là cách để bảo vệ sức khỏe của mình.

Cùng với các quy định của pháp luật liên quan đến bảo đảm ATTP cần được thắt chặt hơn nữa thì mỗi người dân cần được trang bị kiến thức về thực phẩm an toàn. Người trực tiếp sản xuất, chế biến cũng cần thường xuyên được bổ túc những kiến thức để sản xuất ra sản phẩm an toàn hơn, bảo đảm chất lượng tốt hơn từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến thu hoạch, bảo quản. Những đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính cần nhận được sự hỗ trợ tích cực, được hưởng cơ chế chính sách khuyến khích về nguồn vốn, xây dựng cơ sở sản xuất, phát triển mạng lưới tiêu thụ để cung cấp nhiều hơn nữa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng. Cả xã hội cần kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn. Từ đó sẽ triệt tiêu "môi trường sống" của những kẻ làm ăn gian dối, vì lợi nhuận mà bất chấp sự an nguy của cộng đồng.

ĐỖ MẠNH HƯNG