Doanh nghiệp nước ngoài chiếm phần lớn thị phần
So sánh với các MXH trong nước thì MXH Mocha của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) có số lượng người dùng khá lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, MXH này có mức tăng trưởng lên tới 58%. Trước đây, gọi và nhắn tin miễn phí là chức năng chủ chốt của Mocha nhưng giờ chỉ là một phần trong những tiện ích mà MXH này đem lại, bởi Mocha được định hướng trở thành trung tâm của hệ sinh thái dành cho giới trẻ, là điểm đến cho các nhu cầu, như: Nghe nhạc, xem phim, đọc tin tức… kết nối với nhiều ứng dụng của Viettel. Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường Việt Nam cũng chứng kiến sự ra mắt của hai MXH do doanh nghiệp (DN) Việt tự xây dựng và phát triển là Hahalolo và Gapo. Hahalolo có cấu trúc gồm MXH, thương mại điện tử và du lịch tích hợp lại với nhau trên nền tảng một website; Gapo mang tính chất MXH hơn theo mô hình gần với Facebook.
Tuy MXH Việt Nam khá nhiều nhưng người dùng Việt vẫn thường xuyên sử dụng các MXH nước ngoài ,như Facebook, Instagram, YouTube, Twitter. Trong đó, Facebook và YouTube được người dùng Việt Nam sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ lần lượt là 61% và 59%. Google và Facebook cũng đang chiếm gần 70% thị phần quảng cáo số tại thị trường Việt Nam.
MXH hiện là kênh truyền thông có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội. Nếu Việt Nam không có MXH được sở hữu bởi chính người Việt sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc, bị kiểm soát bởi MXH nước ngoài cũng như gặp khó khăn trong công tác quản lý. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Đã đến lúc chúng ta phải viết một MXH mới, công cụ tìm kiếm mới, nhân văn hơn, coi trọng khách hàng hơn và đưa người dùng làm chủ thể".
Cần xác định rõ thị trường cạnh tranh
Nhận định về cơ hội cạnh tranh với MXH nước ngoài, ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media (Viettel) cho rằng: “Nếu các MXH Việt Nam làm giống facebook, Youtube rồi muốn đánh bại họ là điều không thể. Tuy chúng ta có lợi thế về mặt nội dung bản địa nhưng lại thua họ về công nghệ và nền tảng. MXH Việt Nam muốn cạnh tranh với nước ngoài cần phải bắt đầu bằng cách khai thác những mảng thị trường ngách, chuyên biệt để có thể tạo ra những sự khác biệt”.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia công nghệ phân tích, MXH là nơi người dùng được sử dụng miễn phí. Do đó, nếu nội dung không hấp dẫn sẽ không thu hút người dùng. DN cần cho người dùng thấy được MXH Việt có tính sáng tạo, các tính năng ưu việt hơn so với các MXH nước ngoài. Đồng thời, các DN xây dựng MXH cũng cần lưu ý bảo đảm nguyên tắc bảo mật cho người dùng, kiểm soát nội dung và các hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật.
Trong buổi gặp mặt và giao lưu với các start-up trong lĩnh vực công nghệ mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý, khi xây dựng MXH mới, quan trọng nhất với người đứng đầu là vấn đề về tư tưởng. Các MXH mới sẽ không thể thành công khi bắt chước facebook. Nếu tồn tại một MXH tạo ra sự khác biệt hoặc đi ngược hướng facebook, với tư duy chia sẻ doanh thu, cùng thiết lập cuộc chơi (thuật toán mở), tôn trọng luật pháp nước sở tại, mang được yếu tố bản địa thì MXH này sẽ có thể thành công, làm cho xã hội văn minh hơn.
Đề cập đến vai trò của những DN công nghệ lớn trong phát triển thị trường MXH Việt Nam, ông Võ Thanh Hải cho rằng: "Trong cuộc đua giành lại thị phần MXH, những DN công nghệ lớn nên tham gia vào hai quá trình: Tự mình xây dựng MXH và đầu tư, hỗ trợ cho các MXH có những ý tưởng mới, khác biệt của các công ty, nhóm nhỏ. Họ cần vốn cũng như những lợi thế của các DN lớn. Còn nếu để MXH đi gọi vốn nước ngoài thì một ngày nào đó, MXH Việt lại rơi vào tay nước ngoài kiểm soát".
Yếu tố quan trọng khác để MXH lớn mạnh là vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách. Hiện nay, điều kiện pháp lý Việt Nam vẫn chưa thuận tiện để các MXH Việt phát triển, nhiều khi còn tạo ra khó khăn cho DN nội, như “bảo hộ ngược”, gây bất lợi khi cạnh tranh với các DN ngoại. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam đề xuất: Để các MXH trong nước tồn tại và phát triển rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước trong các chính sách ưu đãi về hạ tầng, thuế, đầu tư tài chính. Sự giúp đỡ trong những hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ pháp lý từ cơ quan quản lý Nhà nước cũng rất có ích cho DN Việt.
MXH Việt có thành công hay không còn phụ thuộc vào sự tin tưởng của người dùng. Nếu người dùng Việt Nam quan tâm, ủng hộ, góp ý, chia sẻ cho sự phát triển của MXH thì cơ hội thành công của MXH Việt Nam sẽ còn cao hơn. Sự ủng hộ của người dùng chính là điều kiện để MXH Việt Nam phát triển.
TRÀ MY