Liên tục xảy ra các vụ cháy
Theo ghi nhận, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn cả nước cũng đã xảy ra gần 200 vụ cháy lớn, nhỏ, làm thiệt hại nhiều tỷ đồng. Qua phân tích, tình hình cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tập trung chủ yếu cháy nhà dân, nhà liền kề và một số loại hình cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: Khu công nghiệp, chung cư, cơ sở cho thuê mặt bằng để kinh doanh... Ngoài ra, năm 2016 nổi lên tình hình cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí như vũ trường, quán bar, karaoke. Về tình hình, thực trạng công tác PCCC tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ hiện nay, theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện cả nước có 222.017 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 102.532 cơ sở có độ nguy hiểm cao về cháy, nổ.
Hiện trường vụ cháy tại số nhà 40A, phố Bát Đàn, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) ngày 15-2-2017.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hầu hết nguyên nhân các vụ cháy đều do sự bất cẩn hay ý thức chủ quan và đơn giản của người dân trong sinh hoạt hằng ngày, một số nguyên nhân khách quan khác do chập điện...
Hành động kịp thời, xử lý quyết liệt
Làm việc với các cơ quan chức năng chúng tôi được biết, trong những năm qua, mặc dù công tác PCCC tại các cơ sở đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế cả khách quan và chủ quan. Trong đó, tại nhiều thành phố, khu đô thị, quy hoạch hạ tầng về giao thông, nguồn nước, khoảng cách an toàn PCCC giữa các công trình còn nhiều bất cập, không đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC. Nhiều công trình được xây dựng lâu năm đã xuống cấp, tình trạng tự ý cơi nới, lấn chiếm, sửa chữa cải tạo nhất là tại các khu dân cư, nhà ở tập thể… đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC.
Đặc biệt, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, người dân trong công tác PCCC còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác PCCC. Tình trạng vi phạm quy định về PCCC còn xảy ra phổ biến, cá biệt có những trường hợp cố tình vi phạm mặc dù đã bị xử phạt, hoặc bị tạm đình chỉ như trường hợp quán karaoke 68 tại Hà Nội...
Hiện trường vụ cháy tại Công ty TNHH Bags Connection Vina (20A Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP Hồ Chí Minh) ngày 29-3-2016.
Vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về PCCC chưa tốt, còn có hiện tượng buông lỏng quản lý, hoặc “khoán trắng” cho lực lượng Công an, Cảnh sát PCCC. Công tác đầu tư, trang bị phương tiện PCCC theo trách nhiệm của chính quyền địa phương còn hạn chế do khó khăn về ngân sách…
Tại một số chung cư cao tầng: Việc quản lý các khu chung cư, nhà nhiều tầng còn thiếu chặt chẽ. Cơ chế hoạt động của các ban quản lý khu chung cư, nhà nhiều tầng không thống nhất, trách nhiệm quản lý công tác PCCC rất hạn chế. Việc quản lý, điều hành công tác PCCC còn lúng túng, nhất là trong việc quản lý, bảo dưỡng hệ thống thiết bị PCCC. Ban Quản lý nhà nhiều tầng, nhất là các chung cư cao tầng chưa thấy hết trách nhiệm đối với công tác PCCC; chưa thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các vi phạm, tồn tại thiếu sót về PCCC; không thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC, thoát nạn trên nhà cao tầng; không chú trọng xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ nên khi xảy ra cháy thường ứng phó xử lý chậm, gây thiệt hại lớn.
Lực lượng PCCC, dân phòng tại nhiều khu dân cư chưa hoạt động hiệu quả, nên chưa phát huy được tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong PCCC...
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng cháy nổ, Cục Cảnh sát PCCC (C66), Bộ Công an đã đề xuất một số giải pháp, như: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác PCCC, CNCH, rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, nhất là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC nhằm tăng cường chức năng quản lý nhà nước đồng thời phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đối với lĩnh vực này.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC để thay đổi, nâng cao nhận thức cho người dân, chú trọng việc hướng dẫn, phổ biến các kỹ năng thoát nạn, chữa cháy ban đầu. Tăng cường hướng dẫn cơ sở, khu dân cư tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả công tác “bốn tại chỗ” ngay từ khi cháy, nổ mới phát sinh.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ các cơ sở vi phạm nghiêm trọng các điều kiện về PCCC. Đồng thời, phải có chế tài để gắn trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị vào công tác PCCC...
Những giải pháp trên là khá toàn diện, tuy nhiên, để các giải pháp đó đi vào cuộc sống và tạo ra hiệu quả trong công tác PCCC thì chắc chắn phải có thời gian. Vì vậy hơn ai hết, mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức đề phòng cháy nổ trong chính ngôi nhà của mình. Khi các ngôi nhà, xưởng máy... bình yên thì công tác PCCC mới được gọi là hiệu quả.
Bài và ảnh: HÀ KHÁNH - PHAN ANH