Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trao đổi với ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về những việc thanh tra ngành GTVT tập trung triển khai để góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải.

Ông Lâm Văn Hoàng - Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải. 

Phóng viên (PV): Thưa ông, hoạt động vận tải hành khách dịp Tết Nhâm Dần này có gì đáng chú ý?

Ông Lâm Văn Hoàng: Như chúng ta đã biết, sau khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 gần đạt mức miễn dịch cộng đồng, cả nước đã thực hiện chủ trương chủ động thích ứng linh hoạt, an toàn, trở lại trạng thái bình thường mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, hoạt động vận tải nói chung và vận tải hành khách nói riêng đang được khôi phục, dần trở lại trạng thái bình thường. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, mặc dù dịch Covid-19 vẫn phức tạp ở nhiều địa phương, song dự báo nhu cầu đi lại của nhân dân sẽ tăng cao. Vì vậy, tần suất vận chuyển, mật độ phương tiện tham gia giao thông trong thời gian đầu và cuối đợt nghỉ Tết dự kiến tăng nhiều so với ngày thường, đặc biệt là giao thông đường bộ.

PV: Đặc điểm trên ảnh hưởng ra sao tới công tác bảo đảm TTATGT, thưa ông?

Ông Lâm Văn Hoàng: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo về bảo đảm TTATGT dịp cao điểm Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2022 trong điều kiện dịch Covid-19, Bộ GTVT đã ban hành và triển khai Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm TTATGT gắn với phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời gửi công điện chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT trong dịp Tết tới tất cả các địa phương và cơ quan, đơn vị trong ngành.

Chúng tôi xác định dịp Tết năm nay, ngoài công tác bảo đảm TTATGT phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, còn phải tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải, nhất là vận tải hành khách. Như vậy, nhiệm vụ của lực lượng thanh tra GTVT và các lực lượng phối hợp sẽ đòi hỏi cao hơn.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội kiểm tra việc thực hiện các quy định trong vận tải hành khách tại bến xe Giáp Bát. Ảnh: TÙNG HÂN 

PV: Đề nghị ông cho biết những việc chủ yếu ngành thanh tra GTVT sẽ triển khai trong đợt cao điểm này?

 Ông Lâm Văn Hoàng: Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ đạo lực lượng thanh tra toàn ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm TTATGT gắn với phòng, chống dịch. Trong đợt cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết Nhâm Dần, thanh tra ngành GTVT tập trung triển khai các công việc chủ yếu: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT trong các lĩnh vực GTVT, tập trung vào hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải; bảo đảm an toàn khi thi công công trình giao thông; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, hàng không.

Cùng với đó, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không, khu vực bến tàu, bến xe, cảng hàng không... để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về TTATGT trong hoạt động vận chuyển hành khách; trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả liên quan đến hoạt động vận tải; trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Chúng tôi còn thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời những thông tin phản ánh về các vi phạm trong hoạt động vận tải.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về đường dây nóng này?

Ông Lâm Văn Hoàng: Bộ GTVT đã chỉ đạo các đầu mối trực thuộc thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hoạt động vận tải và bảo đảm TTATGT. Thanh tra Bộ GTVT duy trì trực 24/24 giờ, xử lý thông tin phản ánh qua số điện thoại 0962.665.953 và các đơn vị trong lực lượng thanh tra ngành GTVT đều lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời những thông tin phản ánh về hoạt động GTVT trong dịp Tết.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Năm 2021, Thanh tra Bộ GTVT đã triển khai 13 đoàn thanh tra, kiểm tra liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên ngành và thanh tra các sở GTVT đã thực hiện 56.871 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính 45.833 vụ vi phạm với tổng số tiền hơn 215 tỷ đồng... Khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, thanh tra ngành GTVT là một trong những lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ kiểm soát dịch Covid-19 đối với hoạt động vận tải, bảo đảm hoạt động vận tải an toàn, thông suốt.

LÂM SƠN (thực hiện)