Coi trọng công tác dự báo, điều hành
Với địa hình đa dạng, phức tạp, những năm gần đây tỉnh Thanh Hóa phải hứng chịu nhiều hậu quả bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhất là sau bão. Ở nhiều địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, bà con các dân tộc thường sinh sống gần các sông, suối và trên lưng chừng đồi, núi, nên khi có mưa lũ, sạt lở rất dễ hứng chịu nhiều rủi ro, thiệt hại. Thêm nữa, hạ tầng giao thông, đặc biệt là cầu, đường tại những khu vực này còn nhiều khó khăn nên khi có bão lũ rất dễ bị chia cắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác cứu hộ, cứu nạn (CHCN) và khắc phục hậu quả.
Để giảm nguy cơ thiệt hại do thiên tai nói chung, mưa lũ nói riêng, một trong những biện pháp quan trọng cần được thực hiện chính xác, nghiêm túc, thường xuyên là công tác dự báo. Nếu dự báo đúng, kịp thời và địa phương điều hành chủ động, kiên quyết sẽ có thể hạn chế đáng kể thiệt hại.
Làm việc với đoàn công tác của Cục CHCN (Bộ Tổng Tham mưu), lãnh đạo UBND huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Ngày 3-8, sau khi có thông tin một ngôi nhà bị sập tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, UBND huyện đã chỉ đạo sơ tán khẩn cấp người đến vị trí an toàn. Tuy nhiên, thấy nước không dâng cao thêm, một số người dân bất chấp nguy hiểm quay lại nhà để lấy đồ đạc, nên khi lũ ập về đã bị cuốn trôi. Hậu quả là hàng chục người chết và mất tích. Như vậy, có thể thấy, dù đã dự báo trước được xu hướng của thiên tai, thời tiết, song nếu người dân chủ quan, lơ là và chính quyền địa phương thiếu kiên trì, kiên quyết trong duy trì, điều hành thì rủi ro vẫn có thể xảy ra.
 |
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tham gia di dời khung nhà của các hộ dân ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), sẵn sàng dựng lại tại khu tái định cư. |
Đề cập đến vai trò của công tác cảnh báo mưa, lũ, Đại tá Lê Văn Diện, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để giảm thiệt hại, các địa phương cần tổ chức cắm biển báo nguy hiểm ở khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất giúp nhân dân biết và chủ động phòng, tránh; khi có mưa lớn, dài ngày trên địa bàn hoặc có dự báo lũ phía thượng nguồn các sông, suối, các địa phương phải cắt cử lực lượng cảnh báo-tương tự như việc tổ chức lực lượng canh đê trong phòng, chống vỡ đê, để cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và hướng dẫn người, phương tiện đi qua các ngầm, tràn trên sông, suối bảo đảm an toàn...".
Phát huy hiệu quả “4 tại chỗ”
Vừa qua, ngay sau khi lũ dữ tràn về, huyện Quan Sơn đã nhanh chóng cử lãnh đạo về xã Na Mèo và xã Sơn Thủy để chỉ đạo công tác CHCN. Tuy nhiên, lực lượng tập trung tại bản Bo Hiềng không thể vượt sông Luồng để vào bản Sa Ná vì nước sông lên cao, chảy xiết. Anh Hà Anh Thắng, 30 tuổi, người dân tộc Thái, trú tại bản Bo Hiềng, tham gia đội thanh niên xung kích của địa phương trong đợt lũ này, nhớ lại: "Vì là người địa phương, thuộc đường đi lối lại nên ngay sau khi lũ về, tôi được giao nhiệm vụ dẫn đoàn công tác của huyện vượt sông Luồng ở đoạn dưới, gần xóm Bo, rồi tiếp tục vượt núi Pha Long Chùng xuống Sa Ná". Chiến sĩ dân quân của xã Na Mèo Phạm Bá Thân cũng cùng đồng đội cắt rừng từ cửa khẩu quốc tế Na Mèo, vượt núi xuống bản Sa Ná ngay chiều 3-8. Đến 21 giờ cùng ngày, anh cùng đồng đội thì có mặt tại bản, giúp dân di dời đồ đạc ở những ngôi nhà chưa bị lũ cuốn trôi lên vị trí an toàn, đồng thời tham gia đưa người bị thương đi cấp cứu".
Trong đợt lũ này, lãnh đạo huyện Quan Sơn cũng huy động các lực lượng của Ban CHQS huyện, Công an huyện, Đồn biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu quốc tế Na Mèo tích cực tham gia CHCN. Đại úy Nguyễn Quốc Huy, Đội trưởng vũ trang, ĐBP Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, cho biết: "Ngay sau khi lũ đến, chúng tôi nhận nhiệm vụ tiếp cận hiện trường, phối hợp với các lực lượng tìm kiến cứu nạn (TKCN) dọc sông Luồng và đã cứu được 4 người bị lũ cuốn trôi".
Có thể thấy, trong đợt mưa lũ vừa qua, các đơn vị quân đội, công an, dân quân trên địa bàn huyện Quan Sơn đã phát huy tốt trách nhiệm, đồng cam cộng khổ với cấp ủy, chính quyền và nhân nhân địa phương, triển khai tích cực công tác cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích, tháo dỡ và di dời nhà dân đến vị trí an toàn, vệ sinh phòng dịch, hỗ trợ các đoàn cứu trợ đến tặng quà bà con nhân dân...
Thực tế mưa lũ tại huyện Quan Sơn trong những ngày qua cũng cho thấy, tham gia thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường có nhiều lực lượng. Để tiến hành hiệu quả công tác TKCN và khắc phục hậu quả thiên tai, đòi hỏi việc “chỉ huy tại chỗ” phải thống nhất; phải giao ban, rút kinh nghiệm hằng ngày, vừa để đánh giá đúng tiến độ, kết quả đã đạt được, vừa đề ra kế hoạch và cách thức tổ chức thực hiện trong ngày tiếp theo. Chỉ huy thống nhất còn để tránh chồng chéo, lúng túng, kém hiệu quả trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.
Cần đầu tư trang thiết bị phù hợp
Ngay sau khi lũ đổ về xã Na Mèo, đoàn công tác của Cục CHCN đã cơ động lên huyện Quan Sơn, triển khai các biện pháp cần thiết để hỗ trợ địa phương. Tại buổi làm việc với Cục CHCN, đồng chí Lương Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: "Việc TKCN trong mưa lũ vừa qua của địa phương còn gặp những hạn chế nhất định, bởi trang bị, phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, như: Địa phương chưa có phương tiện chuyên dụng để vượt sông". Nêu trường hợp ông Lương Văn Chon ở bản Sa Ná bị lũ cuốn mắc lên cây, phải mất nhiều giờ đồng hồ mới có thể cứu nạn thành công, lãnh đạo UBND huyện Quan Sơn mong muốn địa phương được cấp súng bắn dây để phục vụ CHCN trong những tình huống tương tự...
Để có thể vào bản Sa Ná, lâu nay người dân vẫn phải đi bè mảng. Do đó, khi có lũ lớn, bản sẽ bị chia cắt, khó tiếp cận để CHCN. Theo đồng chí Vi Hồng Xiêng, Chủ tịch HĐND xã Na Mèo, để giảm bớt khó khăn cho bà con, đặc biệt là trong mùa mưa lũ, đề nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống giao thông, nhất là cầu, đường cho địa phương. Một số loại vật tư, trang bị cũng cần được nghiên cứu bổ sung cho lực lượng CHCN ở các địa phương như dụng cụ cảnh báo, cưa máy, xuồng có tải trọng và công suất lớn để phù hợp với địa hình sông suối ở vùng núi ... Cùng với đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng tránh lũ quét, sạt lở đất cụ thể, tỉ mỉ, sát với thực tiễn từng địa bàn và tổ chức luyện tập, diễn tập nghiêm túc nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và TKCN.
Bài và ảnh: ĐÌNH XUÂN-HOÀNG HÀ - KHÁNH TRÌNH