Việc liên tục phát hiện những ca mắc Covid-19 tại các chợ truyền thống và tại doanh nghiệp cung ứng cho siêu thị ở Hà Nội khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng hàng hóa sẽ khan hiếm. Trước tình hình này, ngành công thương Hà Nội khẳng định việc bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân Thủ đô. Hiện các siêu thị đã chủ động tìm các nhà cung ứng thay thế.
Những ngày gần đây, Hà Nội phải tạm ngừng hoạt động một số chợ như: Chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm); chợ Long Biên (quận Ba Đình)... sau khi xuất hiện các ca mắc Covid-19. Gần đây nhất là việc Công ty TNHH Cung ứng thực phẩm Thanh Nga, đơn vị cung cấp nguồn hàng cho hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+ và một số chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn Thủ đô có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng đến việc cung ứng, kinh doanh tại một số cơ sở kinh doanh hàng hóa thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội.
 |
Người dân mua hàng tại siêu thị Go!Market. |
Trước tình hình trên, ngay trong ngày 2-8, Bộ Công Thương có công văn yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, duy trì nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thành phố. Trong đó yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở có ca lây nhiễm Covid-19 để xử lý ngay các biện pháp phòng, chống lây lan dịch bệnh; yêu cầu các doanh nghiệp phân phối (như: BRG, Aeon, MM Mega Market...), các chợ cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, Bộ Công Thương yêu cầu ngành công thương Hà Nội có phương án bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng bổ sung, lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch Covid-19. Rà soát kế hoạch, bổ sung phương án nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.
Để hỗ trợ các hệ thống bán lẻ duy trì hoạt động cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã có báo cáo đề xuất với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc đưa người lao động tại hệ thống bán lẻ hàng hóa vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine. Bộ cũng đã có Công văn số 4212/BCT-TTTN ngày 16-7-2021 gửi UBND các tỉnh, trong đó có TP Hà Nội, đề nghị chỉ đạo ngành y tế của địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu theo danh sách cụ thể Bộ Công Thương cung cấp.
Hiện các nhà phân phối tại Hà Nội đã chủ động tìm nguồn hàng, nhà cung ứng thực phẩm thay thế, do đó, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn vẫn được bảo đảm. Thực tế cho thấy, trước diễn biến ngày càng phức tạp, hầu hết các chợ đã tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại các chợ truyền thống, nguồn cung hàng hóa thực phẩm vẫn ổn định, giá hàng hóa không có biến động bất thường. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, các siêu thị cũng đẩy mạnh bán hàng online. Trong hơn một tuần Hà Nội thực hiện cách ly xã hội, các siêu thị đã cung ứng cho các đơn mua hàng online của người dân tăng gấp từ 2 đến 5 lần so với những ngày trước đó. Do vậy, người dân có thể yên tâm hàng hóa tại Hà Nội luôn được đáp ứng đầy đủ.
Bài và ảnh: KHÁNH AN