Trả công bình đẳng cho công việc có giá trị ngang nhau là nguyên tắc cơ bản không phân biệt đối xử giữa nam và nữ tại nơi làm việc. Nguyên tắc này không yêu cầu nam và nữ làm các công việc giống nhau, mà đòi hỏi việc trả công bình đẳng cho công việc có giá trị ngang nhau dựa trên các yếu tố, như: Trình độ học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn, môi trường làm việc và trách nhiệm trong công việc. 

Quan tâm đến đời sống người lao động là giải pháp giữ chân công nhân tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên.

Tại cuộc khảo sát tiền lương của công nhân ngành may do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện tại 6 doanh nghiệp may gần đây, phần lớn công nhân được khảo sát cho rằng không đủ tiền trang trải nhu cầu sinh hoạt, hiếm khi có thời gian đi thăm người thân hoặc bạn bè; lo lắng về an toàn, học hành và dinh dưỡng của con cái trong thời gian họ ở nhà máy… Vì lương không đủ sống nên công nhân phải làm thêm giờ, ảnh hưởng tới sức khỏe. Báo cáo cũng chỉ ra, có tới 53% công nhân được khảo sát không đủ tiền trang trải chi phí khám, chữa bệnh và thuốc men. 

Những báo cáo gần đây của cơ quan chức năng đều chỉ ra thực tế, dù công việc cùng trình độ nhưng thu nhập trung bình của lao động nữ luôn thấp hơn nam giới 10,7%. Sự chênh lệch này càng có xu hướng nới rộng ở các nhóm lao động có trình độ cao. Nếu như thu nhập của lao động nữ chưa qua đào tạo chỉ thấp hơn nam cùng trình độ là 8,1% thì ở nhóm trình độ đại học trở lên, mức chênh lệch lên tới 19,7%. Báo cáo điều tra lao động việc làm quốc gia mới nhất cũng cho thấy, tỷ lệ nữ giới có việc làm thấp hơn 9% so với nam giới. Ở cấp quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới khá tương đồng so với nam giới, duy trì ở mức thấp 2,2% (so với tỷ lệ 2,4% của nam giới), trong đó, mức độ thất nghiệp của phụ nữ trẻ cao hơn một chút so với nam giới (lần lượt là 7,5% và 7,38%).

Theo đánh giá của các chuyên gia, bất bình đẳng trong trả công ở Việt Nam bắt nguồn một phần từ những hạn chế của khung pháp lý về lao động hiện hành, đặc biệt đối với lao động nữ. Đơn cử, mặc dù Bộ luật Lao động đưa ra được những nguyên tắc cơ bản là phải bảo đảm việc trả tiền lương cho người lao động một cách bình đẳng. Tuy nhiên, bộ luật này và các văn bản dưới luật lại không đưa ra các quy định cụ thể để triển khai nguyên tắc trên một cách hiệu quả, bao gồm cả cơ chế khiếu nại và áp dụng các chế tài nếu xảy ra vi phạm những nguyên tắc này. Cùng với đó là những quy định phụ nữ bị từ chối tiếp cận 77 nghề, trong đó 38 nghề bị cấm trên cơ sở giới tính, 39 nghề còn lại cấm đối với phụ nữ có thai và cho con bú. Sự thiếu công bằng này sẽ hạn chế các lựa chọn nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến của phụ nữ, cũng như sớm hạn chế sự phát triển nghề nghiệp và các cơ hội đào tạo của họ.

Để tiến tới thực hiện chính sách bình đẳng trong trả công, theo bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, thì việc Việt Nam sửa đổi Bộ luật Lao động là cơ hội để giải quyết các khuyến nghị của Ủy ban Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, bao gồm việc áp dụng cùng tuổi nghỉ hưu bắt buộc cho phụ nữ và nam giới, xem xét và giảm danh sách các nghề cấm phụ nữ tham gia. Bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm không chỉ là vấn đề về quyền, bởi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bình đẳng giới góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy nền kinh tế và phát triển bền vững.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, tiền lương phải làm sao là thu nhập chính, bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ. Trong đó, người lao động đều có quyền bình đẳng về trả công, không vì phân biệt giới mà có sự chênh lệch về trả công. Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển. Do vậy, việc sửa đổi khung pháp lý hiện hành là một bước cần thiết để tiến tới bình đẳng trong trả công tại Việt Nam.

Bài và ảnh: LAN HƯƠNG - ĐỨC THỊNH