Trẻ em mất cha, hoặc mẹ, hoặc mất cả hai trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không hề ít. Rất nhiều em còn quá nhỏ để thực sự hiểu nỗi đau mất mát này…
Sẻ chia những nỗi đau
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Trợ lý Quân khí Ban CHQS TP Thủ Đức vẫn ám ảnh khi nhớ lại ngày anh đưa tro cốt chị N.T.N. Nga (44 tuổi) mắc Covid-19 về gia đình. “Địa chỉ là khu nhà trọ ở phường Tân Phú, TP Thủ Đức. Tôi bất ngờ khi người tiếp nhận tro cốt của chị Nga là một bé gái rất nhỏ. Một mình cháu chơ vơ trước căn phòng trọ, lúc đó mình trào lên sự thương cảm vô cùng”. Anh Kiên kể về trường hợp bé P.T.B. Châu, sinh năm 2017, mẹ mất vì Covid-19, lại thiếu thốn tình cảm của cha.
 |
Ban CHQS huyện Bình Chánh tặng 4 tấn gạo cho địa phương chăm lo cho trẻ em mồ côi vì Covid-19. Ảnh do Ban CHQS huyện Bình Chánh cung cấp. |
Trong căn phòng nhỏ hơn chục mét vuông trống trải, không có tài sản gì, kể từ khi mẹ nhập viện vì Covid-19, Châu được hàng xóm bao bọc. Cả dãy nhà trọ này, phòng nào cũng có người dương tính. Bé Châu thời điểm đó cũng nhiễm Covid-19. Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên liên hệ với chính quyền đưa bé Châu vào khu cách ly tập trung phường Tân Phú. Đồng thời anh báo cáo với Đảng ủy, Ban CHQS TP Thủ Đức trường hợp bé Châu, nhờ bất kỳ đầu mối nào có được để tìm người thân cho bé Châu.
Hoàn cảnh của bé Châu rất đặc biệt, thời điểm sinh bé Châu thì chị Nga một thân, một mình lại mất giấy tờ tùy thân, phải nhờ người em dâu đứng tên để làm khai sinh. Từ thông tin này anh Kiên tìm được người mợ, trên danh nghĩa cũng là mẹ của bé Châu đang ở quận 4 nhưng hoàn cảnh của chị cũng hết sức éo le. Người mợ bị dị tật sau tai nạn, chồng mất và là lao động chính trong nhà, đang phụng dưỡng mẹ chồng 87 tuổi (bà ngoại bé Châu) và 3 đứa trẻ, trong đó có anh trai của Châu mới 9 tuổi và chị gái của Châu mới 8 tuổi.
Người mợ sẵn sàng đón bé Châu về chăm sóc nhưng do bà ngoại sức khỏe yếu, có thể không chịu nổi thông tin con gái qua đời nên anh Kiên chưa thể đưa bé về với các anh, chị của mình.
Tiếp tục kết nối, sau thời gian theo dõi tại khu cách ly, anh Kiên đón bé Châu và tạm thời đưa bé về sống cùng người cô tại Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 7-9. Đồng thời anh Kiên báo cáo đơn vị về việc xin nhận bảo trợ cho bé Châu cho đến khi bé 18 tuổi. “Tạm thời trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay cháu sẽ ở cùng người cô. Sau này tôi sẽ đón bé về rồi bàn với người thân phương án chăm sóc tốt nhất cho bé”, anh Kiên cho biết.
Anh Kiên giữ liên lạc hàng ngày với bé Châu như một người cha. “Có lẽ do thiếu thốn tình cảm nên bé Châu nhanh chóng đón nhận tình cảm của tôi, nghe bé gọi mình bằng tiếng “ba” thấy thương lắm. Những ngày đầu về với cô, bé đòi về với ba Kiên, nhiều lần bé đòi về với mẹ thì chúng tôi đành nói mẹ đi làm rất xa, rồi từ từ nói cho bé hiểu”, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên chia sẻ.
Một trường hợp khác cũng rất thương tâm là bé D.N.M. Triết, con của chị D.T.Q.M, một bệnh nhân qua đời vì Covid-19. Bé Triết đang ở cùng ông bà ngoại trong một dãy trọ sâu hun hút tại địa chỉ B8/29W, ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Bé Triết bắt đầu vào lớp 1, nhưng ông bà ngoại của em thậm chí còn không gọi được tên phương thức học trực tuyến chứ nói gì đến việc hỗ trợ cho bé tiếp cận việc học quá xa lạ như vậy.
Triết mất mẹ trong khi cha làm ăn xa ngoài Móng Cái (Quảng Ninh) chưa thể về thăm con do dịch bệnh. Từ ngày mẹ mất, bé Triết xếp chăn gối nằm ngay dưới chân bàn thờ mẹ. Em còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau mất mẹ. “Có nhà hảo tâm gửi tiền cho thằng nhỏ, nó giữ chặt không đưa cho ngoại, nói giữ cho mẹ về mua sữa cho con”, bà ngoại Triết nói trong nước mắt. Từ ngày mẹ mất, ông bà ngoại muốn đưa Triết sang phòng trọ của mình để tiện chăm sóc và cũng giảm bớt tiền thuê phòng nhưng bé Triết nhất quyết không nghe. “Nó cứ ở miết trong phòng, khi thì nói con ở đây đốt nhang cho mẹ, khi lại bảo con ở đây đợi mẹ về”.
 |
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên đưa bé Châu đến khu cách ly tập trung tại phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu trước khi bé về với người cô. |
Tấm lòng những người lính
Trung tá Nguyễn Văn Tâm, Chính trị viên Ban CHQS huyện Bình Chánh cho biết tuần vừa qua có thêm gần 40 cháu mất người thân, nâng số trẻ mồ côi vì Covid-19 trên địa bàn huyện lên hơn 140 trẻ. Đa phần các cháu là người nhập cư, ở trọ nên hoàn cảnh càng khó khăn hơn.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển tro cốt của người mất vì Covid-19 về với thân nhân, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Bình Chánh rà soát, nắm hoàn cảnh từng cháu nhỏ để lên kế hoạch giúp đỡ và tìm nơi đỡ đầu. “Chúng tôi quyết định nhận đỡ đầu cho 5 cháu. Trong đó có cháu N.T.M. Khanh sinh năm 2007, mất cả cha lẫn mẹ vì Covid-19. Cháu Khanh là trẻ thiểu năng, bây giờ sống một mình, việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày trông vào gia đình người họ hàng gần nhà. Các cháu còn lại còn cha hoặc mẹ đều là lao động nghèo, bị mất việc do dịch, hoàn toàn không có thu nhập”.
Việc đỡ đầu cho các cháu được Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị thống nhất cao. Với các cháu đơn vị đã nhận đỡ đầu, Ban CHQS huyện Bình Chánh dự tính tặng mỗi cháu một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng. Nhưng việc hỗ trợ đến khi các cháu học xong lớp 12 thì cần số tiền tối thiểu lên đến 570 triệu đồng. Do vậy, đơn vị đang vận động các nhà hảo tâm đồng hành suốt quá trình bảo trợ cho các bé.
Trước mắt đơn vị đã vận động được 50 triệu đồng để chăm lo cho 5 cháu đỡ đầu. Còn với số trẻ mồ côi vì Covid-19 trên địa bàn, Ban CHQS tiếp tục vận động từ nhiều nguồn để cùng với địa phương chăm lo cho các em. Trong ngày 20-9, đơn vị đã chuyển 4 tấn gạo cho Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bình Chánh để cấp phát cho các cháu.
Địa bàn quận Bình Tân cũng có 168 cháu mất cha hoặc mẹ vì Covid-19. Ban CHQS quận cùng với địa phương đã và đang nắm bắt hoàn cảnh của từng cháu. “Trường hợp nào còn người thân bảo trợ, trường hợp nào khó khăn, chúng tôi rà soát thật kỹ để vận động chăm lo. Đơn vị cũng có chủ trương đỡ đầu cho một số cháu”, Thượng tá Nguyễn Thanh Minh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS quận Bình Tân cho biết. Ngay dịp này đơn vị cũng vận động chăm lo, tặng quà cho các cháu vào dịp Trung thu. Tuy nhiên, theo anh Minh, trẻ mồ côi vì Covid-19 trên địa bàn quận Bình Tân chủ yếu là con em lao động nghèo, nhập cư thì việc theo học trực tuyến sẽ rất khó khăn. Do vậy, Ban CHQS quận đang tích cực vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ các em thiết bị học tập.
Mồ côi cha hay mẹ thì đều rất thương cảm. Chặng đường phía trước của các cháu còn nhiều gian nan, gập ghềnh. Tuy nhiên, với truyền thống nhân ái của dân tộc và sự bao bọc của cộng đồng, bằng những việc làm thiết thực như của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhân ái, nghĩa tình, các cháu bé mồ côi sẽ phần nào được bù đắp, vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên làm chủ cuộc sống.
BĂNG TÂM