Clip nhảm nhí tràn lan trên mạng
Mới đây, nhiều phụ huynh đã không khỏi bất bình khi phát hiện con em mình mải miết xem clip "nấu cháo gà để nguyên cả lông" do Nguyễn Văn Hưng, hay còn gọi là Hưng Vlog (sống tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) thực hiện rồi đăng tải trên YouTube. Những hình ảnh mất an toàn vệ sinh thực phẩm, trái với thuần phong mỹ tục trong clip đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới người xem là các em nhỏ, bởi nó tạo ra những nhận thức lệch lạc. Chị Nguyễn Thị Linh ở Ba Đình (Hà Nội) kể lại, chị không khỏi bàng hoàng trước yêu cầu của cậu con trai 5 tuổi khi xem xong clip trên: “Mẹ nấu cho con một nồi cháo gà như trong clip đi”...
"Nấu cháo gà để nguyên cả lông" chỉ là một trong vô số clip nhảm nhí, phản cảm trên mạng xã hội, có tác động tiêu cực tới trẻ em trong thời gian vừa qua. Nghiêm trọng hơn, mạng xã hội còn xuất hiện nhiều clip có nội dung ghê rợn, bạo lực, thậm chí hướng dẫn người xem cách tự làm hại bản thân, xúi giục thử thách sinh tồn trong những tình huống nguy hiểm... Đã có không ít bạn trẻ học, làm theo những clip đó, gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm sinh lý. Theo các chuyên gia tâm lý, lứa tuổi tiểu học chưa có đủ năng lực chọn lọc thông tin và thường có tính bắt chước, học theo nhân vật mà mình xem. Do đó, trẻ sẽ không phân biệt được những thông tin trong clip là đúng hay sai, có nguy hiểm hay không? Đây là một điều hết sức nguy hiểm.
 |
Trí thức trẻ tình nguyện và thanh niên Bệnh viện Quân y 15 (Binh đoàn 15) tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ em. Đây là một trong những hình thức để trẻ em hạn chế tiếp xúc với những văn hóa độc hại. Ảnh: HỒNG THẠNH
|
Phần nhiều những người thực hiện các clip độc hại, phản cảm rồi đăng tải trên các trang mạng xã hội là để... kiếm tiền. Hiện nay, việc kiếm tiền từ YouTube đã trở nên khá phổ biến. Lợi nhuận, nguồn thu lớn đã khiến một số người làm clip bất chấp pháp luật, đạo đức, tìm mọi cách để thu hút được nhiều người xem, cho dù họ biết những clip mà họ làm ra là có hại.
Cha mẹ cần quản lý, định hướng con em mình
Nếu như trước đây chỉ có trẻ em ở thành phố mới có điều kiện để tiếp xúc với mạng xã hội thì giờ đây cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, trẻ em ở khu vực miền núi, nông thôn cũng có thể sở hữu điện thoại thông minh để truy cập vào các trang Facebook, YouTube...; trẻ em cấp tiểu học cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh để xem clip từ mạng xã hội. Cô Nguyễn Thị Phúc Hạnh, giáo viên Trường THCS Trường Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết: “Đa số các em học sinh của trường đều có điều kiện để tiếp xúc và xem các clip trên mạng xã hội. Bởi thế, chúng tôi luôn quan niệm, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức cần phải chú trọng đào tạo kỹ năng sống cho học sinh. Khi có kỹ năng sống tốt, các em sẽ phân biệt được nên xem cái gì, học cái gì, từ đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng clip độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân các em”.
Theo Tiến sĩ tâm lý học Trần Thành Nam, các bạn nhỏ chưa có năng lực hành vi nên phụ huynh phải là người định hướng. Những video clip mà con trẻ xem hằng ngày sẽ từ từ đi sâu vào tiềm thức, khi trẻ bị kích thích sẽ hành động theo tiềm thức có sẵn và dễ gây nguy hiểm cho chính bản thân cũng như những người xung quanh. Vì vậy, khi cho trẻ xem hay học trên mạng xã hội, phụ huynh phải quản lý chặt, định hướng rõ.
Từ câu chuyện về cậu con trai của mình, chị Nguyễn Thị Linh đã rút ra bài học cho chính bản thân về cách bảo vệ con trước những clip có hại: “Cách tốt nhất để bảo vệ con là bố mẹ cần đồng hành, dành nhiều thời gian hơn cho con, hướng dẫn và giúp con nhận diện được những tình huống không an toàn. Cha mẹ phải hướng dẫn rất kỹ con được xem gì; không nên xem gì; cần kiểm tra thường xuyên những nội dung mà con mình đã và đang xem...".
Sau khi clip "nấu cháo gà để nguyên cả lông" đăng tải trên mạng xã hội, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Văn Hưng 7,5 triệu đồng theo điểm b, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định về việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu Nguyễn Văn Hưng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ nội dung đăng tải đã vi phạm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: "Trẻ em như búp trên cành, là tương lai của đất nước, là đối tượng cần được bảo vệ nhất. Bởi thế, những clip xấu độc, ảnh hưởng đến trẻ em cần phải được các cơ quan chức năng phát hiện sớm và xử lý kịp thời; đồng thời, cần có những chế tài xử lý mạnh hơn nữa để có đủ sức răn đe. Chúng ta cũng cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để người lớn phải là tấm gương tốt cho con trẻ học tập; tuyên truyền để những người làm clip hiểu và có động cơ trong sáng, không vì lợi nhuận mà gây ảnh hưởng đến giới trẻ. Đặc biệt, tôi cho rằng các tổ chức đoàn thể, địa phương cần tạo nhiều sân chơi bổ ích, để các em không bị rơi vào việc xem các clip độc hại...”.
VĂN THI