Vì sao ngư dân bỏ nghề?

Ngư dân, thực lòng họ muốn gắn bó với biển, có một nghề ở quê nhà, sum vầy với gia đình. Nhưng những năm gần đây, thu nhập từ nghề đi biển ngày càng bấp bênh, không đáp ứng được cuộc sống, vất vả, hiểm nguy, cường độ lao động nặng nhọc. Vì thế, bắt buộc họ phải chuyển nghề, ly hương, tìm kế mưu sinh.

Tại Cảng cá Lạch Bạng (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa), hàng trăm tàu cá loại trên 15m, mặc dù đang là mùa “trời êm, bể lặng” nhưng vẫn phải nằm bờ phơi nắng. Những năm gần đây, khi tỉnh Thanh Hóa phát triển khu kinh tế Nghi Sơn, thì Cảng cá Lạch Bạng cũng dần thưa vắng những chuyến tàu cá nặng đầy khoang ra khơi vào lộng. Lao động nghề cá chuyển sang làm công nhân các nhà máy, khu công nghiệp, cùng với các quy định mới trong đánh bắt xa bờ khi nền kinh tế hòa nhập chung với thế giới và khu vực, khiến những ngư dân đánh bắt xa bờ ngày càng thêm khốn khó...

Đang là mùa đánh bắt hải sản nhưng rất nhiều tàu cá của ngư dân nằm bờ tại Cảng cá Cảng Gianh, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. 

Ông Cao Văn Quyết, một lao động thuộc Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn tâm sự: “Tôi năm nay đã hơn 60 tuổi, tuổi này không ai cho ra biển nữa. Thời trai trẻ, tôi dành hơn 30 năm bám biển, trải dài từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Người dân quê tôi bao đời nay gắn bó với biển cả, cha truyền con nối... Thế nhưng hiện nay, ngay như gia đình tôi có mấy đứa con trai đều không theo nghề biển nữa, đứa thì vào Nam lập nghiệp, đứa thì vào công ty giày da tại địa phương, ở đó thu nhập ổn định hơn, lao động đỡ vất vả, đỡ nguy hiểm hơn... Thời thế nay khác trước rồi...”.

Là một cảng cá được đánh giá là nhộn nhịp, sầm uất bậc nhất xứ Thanh, nhưng Cảng cá Lạch Hới, khi chúng tôi đến chỉ thấy có hai tàu đang xuất hàng. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Cảng cá Lạch Hới cho biết: “Hai năm trở lại đây, cảng Lạch Hới có lượng tàu ra vào giảm hẳn, so với trước đây thì cảng chúng tôi chỉ hoạt động bằng khoảng 35% công suất. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng theo tôi, nguyên nhân hàng đầu là do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động truyền thống nghề biển đã chuyển nghề”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa thừa nhận: “Thiếu lao động tham gia các tàu đánh bắt xa bờ là tình trạng chung đang diễn ra ở khắp các địa phương ven biển tỉnh Thanh Hóa. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trên, mà trực tiếp tác động là thu nhập không ổn định và lao động nghề cá là lao động nguy hiểm, rất vất vả so với các ngành nghề khác”.

Bên cạnh đó, những năm gần đây nguồn lợi thủy sản suy giảm, ngư trường khai thác truyền thống bị thu hẹp; hiệu quả đánh bắt thấp, dẫn đến thu nhập không ổn định. Nhất là hai năm trở lại đây, tình hình khai thác gặp nhiều khó khăn: Ảnh hưởng của dịch Covid-19; thiên tai bão lũ, áp thấp, thời tiết cực đoan; chi phí sản xuất trên biển tăng cao do giá xăng dầu, nhân công tăng... dẫn đến hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ không thể hoạt động.

Lưới vây là một trong những nghề khai thác mũi nhọn của ngư dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, với sản lượng khai thác hằng năm chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng khai thác của huyện. Tuy nhiên, nghề này đang lâm vào khó khăn, có nguy cơ mai một bởi thiếu lao động trầm trọng. Nguyên nhân là do nghề lưới vây sử dụng kỹ thuật vây mạn, ít có khả năng cơ giới hóa trong sản xuất nên phải sử dụng nhiều lao động, thời gian đánh bắt lâu, việc bảo đảm an toàn trong sản xuất không cao... Hiện nay, trung bình mỗi tàu đi nghề lưới vây phải cần 15-19 lao động. Thời gian gần đây, do hiệu quả đánh bắt thấp nên nhiều lao động đã chuyển sang nghề khác. Ở xã Quỳnh Long, hầu hết các chủ tàu xa bờ thiếu lao động.

Theo khảo sát của chúng tôi tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, một nguyên nhân khiến lao động biển không còn mặn mà với biển là hiện nay quá nhiều tàu cá, với phương tiện hiện đại và khai thác quá mức khiến nguồn hải sản bị suy giảm. Trước đây, nghề đi biển theo hình thức “bạ đâu đánh đó”, theo kinh nghiệm dân gian để biết được nơi nào hải sản nhiều. Nhưng hiện nay, bằng các thiết bị điện tử hiện đại như máy dò cá, máy tầm soát, ngư dân có thể biết được nơi nào nhiều hải sản và khai thác một cách triệt để. Nguồn lợi thủy sản giảm dẫn đến việc khai thác kém hiệu quả, thu nhập thấp và tất yếu dẫn đến ngư dân bỏ biển và chuyển đổi nghề.

 Tàu của gia đình anh Lê Văn Kỷ, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đang phải nằm bờ vì chưa tìm đủ bạn đi biển.


Chật vật ra khơi

Phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An từng là một địa phương phát triển nghề khai thác hải sản nhưng nay toàn phường chỉ còn vài chục hộ dân duy trì nghề đánh bắt hải sản. Thay vì giong thuyền ra khơi, người dân Nghi Hải đã chuyển đổi nghề cá sang làm du lịch, dịch vụ, xuất khẩu lao động. Chúng tôi gặp anh Lê Văn Kỷ (khối Hải Giang 1, phường Nghi Hải) đang tu sửa lại chiếc tàu của mình. Mấy hôm nay trời nắng đẹp, biển lặng, dự báo là nhiều tôm cá nhưng anh vẫn chưa tìm đủ bạn đi biển để ra khơi. Mấy năm trước đây, hai con tàu của anh mỗi lần ra khơi cần có khoảng 10-12 lao động. Nhưng gần đây, để tìm được đủ người quả thật rất khó. Có khi tìm được 6-8 người là nhiều, dù không đủ nhân lực nhưng anh cũng đành phải ra khơi “ép”. Anh Kỷ chia sẻ: “Tàu không đủ nhân lực nên một người làm việc của hai, ba người. Rất vất vả. Giờ lớp trẻ không ai đi biển nữa. Bí quá nên tôi phải tuyển những người trung niên, người không có kinh nghiệm đi biển. Có khi, biết biển nhiều cá, nhưng chịu, không tìm được đủ bạn đi cùng nên đành phải nằm bờ”.

“Khát” lao động, các chủ tàu phải tìm nhiều cách khác nhau để kêu gọi, mời chào bạn đi biển. Anh Lê Văn Kỷ, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò thiếu lái tàu nên đã đầu tư chi phí cho một ngư dân đi học chứng chỉ nghề để “giữ” lao động. Đầu tư cho ngư dân đi học xong, anh Kỷ phải giữ bằng lại để tránh trường hợp người lao động chuyển đi làm việc cho các tàu khác. Việc tìm lao động phổ thông đã khó, việc tìm được “bạn” đi biển có bằng cấp, có trình độ lại khó khăn gấp bội. Trước mỗi chuyến đi biển, anh Kỷ và vợ phải chạy đôn, chạy đáo để tìm bạn thuyền. Bằng các mối quan hệ, gọi điện cho người này, người kia dặn trước để tìm bạn đi cùng. 

Để giải quyết khó khăn về việc thiếu lao động, các ngư dân đã tập trung cơ giới hóa sản xuất, lắp thêm một số thiết bị như hệ thống tời dây bo rút vào khoang, lắp thêm tời lườn để tời phao, chuyển lưới tùng về que cuối để giảm sức lao động. “Với việc lắp thêm những thiết bị và chuyển lưới tùng về que cuối giúp chúng tôi giảm được 3 lao động. Ví như trước đây phải 14-15 lao động mới đủ người đi nhưng giờ cơ cấu lại và lắp thêm thiết bị thì chỉ 11-12 người là có thể đi sản xuất được”, ngư dân Nguyễn Văn Minh, xã Quỳnh Long cho biết.

Tỉnh Quảng Bình có 5.792 tàu, thuyền với số lượng khoảng 24.000 lao động biển. Trong số lực lượng này, tập trung vào các tàu từ 15m trở lên để đi khai thác vùng biển xa có 1.207 tàu. Số lượng bà con ngư dân có chứng chỉ chuyên môn chủ yếu từ các tàu 15m trở lên, còn lại chủ yếu lao động phổ thông. Nghề đi biển từ trước đến nay vẫn hoạt động theo hình thức tự nhiên là chính, hợp đồng lao động giữa chủ tàu và bạn đi biển là “hợp đồng miệng” nên thường bị phá vỡ. Nhiều chủ tàu phải dùng nhiều cách như ứng tiền trước để giữ bạn, gây ức chế lao động trên biển, ảnh hưởng kinh tế chung và quản lý nhà nước.

 Huyện Bố Trạch có 6 xã biển, trong đó tại 4 xã Đức Trạch, Nhân Trạch, Thanh Trạch và Hải Trạch, người dân chủ yếu sống phụ thuộc vào biển. 4 xã này hiện có 320 tàu, thuyền công suất lớn, bảo đảm việc đánh bắt hải sản xa bờ. Trước việc thiếu hụt lao động, nhiều chủ tàu ở huyện Bố Trạch phải giữ chân lao động bằng cách ứng trước lương cho họ. Việc này đã khiến nhiều chủ tàu “lao đao” vì có trường hợp người lao động ôm tiền lương rồi bỏ trốn. Chủ tàu Nguyễn Ngọc Hải, thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trước mỗi chuyến biển chưa biết lời lỗ ra sao nhưng phải cho lao động ứng tiền trước. Ông Hải tâm sự: "Tìm bạn đi biển khó nên đưa tiền công để họ đưa cho vợ con trước, rồi họ mới đi làm. Cũng không ít lần, lao động ứng tiền xong rồi không quay lại làm việc nữa". 

(Còn nữa)

Bài và ảnh: HỒ BẤT KHUẤT – HOA LÊ – KHÁNH TRÌNH