Một bất cập dễ nhận thấy, trong khi nhiều nhà đầu tư phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng các điểm trông, giữ xe hợp pháp thì ở các điểm không phép, họ chỉ cần căng dây, kẻ vạch, tận dụng các khu đất dự án chưa triển khai để trông, giữ xe, thu hàng chục triệu đồng mỗi ngày và gây ra nhiều hệ lụy...
Tràn lan điểm trông, giữ xe "lậu"
Tại tòa nhà chung cư 361 ở ngõ 60 đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), mặc dù chủ đầu tư đã bố trí ba tầng để xe máy và một tầng hầm để ô tô nhưng dưới chân tòa nhà vẫn tồn tại một điểm trông, giữ xe không phép. Sự xuất hiện của điểm trông, giữ xe trong con ngõ rộng khoảng 4m này ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của cư dân tại tòa nhà 361, gây tình trạng ùn tắc tại ngã tư đường Nguyễn Văn Huyên-Hoàng Quốc Việt. Cách đó không xa, tại khu vực dốc Bưởi (hướng từ đường Hoàng Hoa Thám ra đường Hoàng Quốc Việt) thuộc phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) cũng có một điểm trông, giữ xe nằm trên đất dự án đã được quây tôn khiến giao thông ở khu vực này càng thêm đông đúc, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
 |
Khu đất tại chân cầu vượt ngã tư đường Đàm Quang Trung-Cổ Linh được người dân tận dụng làm điểm trông, giữ xe. |
Trên đường Cổ Linh, đoạn qua phường Long Biên (Long Biên, Hà Nội), chỉ một đoạn ngắn từ ngã tư phố Tư Đình đến Trung tâm Thương mại Aeon Mall cũng có nhiều điểm trông, giữ xe không phép. Lộn xộn nhất là đoạn gần ngã tư phố Tư Đình (hướng từ Trung tâm Thương mại Aeon Mall lên cầu Chương Dương) thuộc tổ 6, phường Long Biên. Các xe gửi ở đây thường từ 16 chỗ trở lên, đỗ thành hàng dài mỗi buổi sáng. Khoảng vài tháng nay, trên khu đất dự án do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tân Nhật Linh thi công tại chân cầu vượt ngã tư đường Đàm Quang Trung-Cổ Linh (đối điện Trung tâm Thương mại Aeon Mall) xuất hiện điểm trông, giữ xe và thường xuyên có nhiều xe khách, xe tải, xe container ra, vào, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn cho các phương tiện từ cầu Vĩnh Tuy đi xuống.
Khu vực ngã ba phố Thanh Lâm với đường Cầu Diễn thuộc phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vốn thường xảy ra ùn tắc giao thông, lại càng trầm trọng hơn kể từ khi điểm trông, giữ xe ngay cạnh đó đi vào hoạt động. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay cạnh ngã ba này là bãi đất rộng hàng nghìn mét vuông được quy hoạch thành cụm công nghiệp nhưng hiện nay đã thành điểm trông, giữ xe ô tô. Người dân ở đây cho biết, bãi trông, giữ xe này nhận trông, giữ xe ô tô từ 4 đến 45 chỗ ngồi và cả xe tải, xe container. Ở điểm trông giữ này, tùy từng loại xe sẽ có mức phí trông, giữ riêng, nhưng thường từ 1 đến 1,5 triệu đồng/ô tô/tháng.
Đặc biệt, qua khảo sát tại khu vực bán đảo Linh Đàm thuộc phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), chúng tôi thấy có rất nhiều điểm trông, giữ xe không phép đang tồn tại trên các khu đất dự án chưa triển khai; cạnh Trung tâm Văn hóa-Thông tin và thể thao quận Hoàng Mai; thậm chí là khu vui chơi giải trí, công viên Bắc Linh Đàm cũng trở thành điểm trông, giữ xe ô tô… Ngoài phường Hoàng Liệt thì phường Định Công (Hoàng Mai) cũng tồn tại nhiều điểm trông, giữ xe không phép. Trước phản ánh của phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này, ông Nguyễn Cường Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Định Công cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn phường chỉ có từ 5 đến 6 điểm trông, giữ xe trái phép. Vấn đề này đã và đang gây bức xúc cho người dân trên địa bàn. Chúng tôi đã có báo cáo gửi UBND quận Hoàng Mai để xin ý kiến. UBND quận đang tổng hợp toàn bộ để tìm phương hướng xử lý”.
Nhà nước thất thu và nhiều hệ lụy khác
TP Hà Nội hiện có hơn 600.000 xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chưa kể một lượng lớn phương tiện từ các tỉnh/thành phố khác đến. Thế nhưng, theo ông Phạm Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội: Các điểm đỗ xe hợp pháp mới đáp ứng được 10% nhu cầu của người dân. Một lượng nhỏ đỗ tại nhà riêng. Điều đó đặt ra câu hỏi, gần 90% số xe còn lại đỗ ở đâu, số tiền thu được rơi vào tay ai? Tính trung bình, mỗi xe chi phí khoảng một triệu đồng/tháng tiền gửi, nếu nhân với khoảng 500.000 xe thì mỗi tháng ngân sách TP Hà Nội thất thu hàng chục tỷ đồng. Đáng chú ý, kể từ khi UBND TP Hà Nội tăng giá trông, giữ ô tô, xe máy thì lượng xe gửi tại các điểm trông giữ xe hợp pháp giảm đáng kể.
Các điểm trông, giữ xe không phép không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào với Nhà nước, thậm chí trách nhiệm với xã hội, như bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống cháy, nổ cũng không. Vì vậy, khi xảy ra sự cố, hầu như các bãi trông giữ xe tự phát này cũng không chịu nhiều sự ràng buộc trách nhiệm với người gửi xe. Đáng lo ngại hơn khi hiện nay, tình trạng xe giả dạng hợp đồng, xe du lịch đang hoành hành khắp thành phố thì các điểm trông, giữ xe không phép chính là nơi “nuôi dưỡng, chứa chấp” các xe này.
Trước những “nhức nhối” do các điểm trông, giữ xe không phép gây ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu UBND các quận, huyện kiểm tra, giải tỏa các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, vi phạm an toàn giao thông và vi phạm quy định thu phí, đặc biệt là các điểm trông giữ xe đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn phải giám sát chặt chẽ các điểm trông, giữ xe. Nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn, chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận, huyện. Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: “Trường hợp để các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí không đúng quy định mà không có biện pháp xử lý dứt điểm thì chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ tịch UBND thành phố”.
Mặc dù lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quyết liệt nhưng do công tác quản lý còn nhiều bất cập, nhu cầu gửi xe của người dân cao, mang lại lợi ích lớn nên TP Hà Nội vẫn còn nhiều điểm trông, giữ xe ô tô không phép tồn tại.
Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - VĂN THI
(còn nữa)