Bài toán bảo đảm an toàn công trình thủy lợi đang thực sự nan giải cho cả đơn vị quản lý và chính quyền địa phương.
Tỉnh Đắc Lắc có tổng diện tích tự nhiên hơn 1,3 triệu héc-ta, trong đó đất sản xuất nông nghiệp khoảng 627.000ha, gồm đất trồng cây hằng năm 239.500ha, đất trồng cây lâu năm 387.500ha. Đắc Lắc cũng là địa phương đang dẫn đầu cả nước về sản xuất cà phê với diện tích 208.000ha, đồng thời có diện tích lúa nước 69.400ha. Nhằm bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với diện tích lúa nước và cà phê, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng công trình thủy lợi. Đồng chí Mai Trọng Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc cho biết: "Đến nay, toàn tỉnh có 785 công trình thủy lợi và 1 hệ thống đê bao, với 2.427km kênh mương thủy lợi, bảo đảm nước tưới cho 262.339ha, đạt 82% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới".
 |
Tràn xả lũ Hồ chứa nước Ea Tul 1, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana xuống cấp |
Tuy nhiên, do phần lớn công trình thủy lợi tại Đắc Lắc được đầu tư chủ yếu trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước nên hiện nay, hàng trăm công trình đã xuống cấp. Qua rà soát đầu năm 2021, các cơ quan chức năng xác định 43 đập thủy lợi bị thấm nước; 125 đập bị sạt lở; 248 tràn xả lũ chưa được gia cố bằng bê tông hoặc đá xây; 26 cống lấy nước bị hư hỏng. Theo tính toán, để sửa chữa các công trình đang xuống cấp, hư hỏng, tỉnh Đắc Lắc cần khoảng 2.736 tỷ đồng. Được biết, giai đoạn 2019-2021, Đắc Lắc lập dự án sửa chữa 72 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí hơn 648 tỷ đồng, trong đó vốn Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) gần 422 tỷ đồng, ngân sách Trung ương và tỉnh 105,5 tỷ đồng, vốn vay ADB 33,4 tỷ đồng, các nguồn vốn khác khoảng 87 tỷ đồng. Do nguồn kinh phí không bảo đảm nên Đắc Lắc mới sửa chữa, nâng cấp xong 12 công trình, 42 công trình đang triển khai và 18 công trình đang chờ vốn.
Đồng chí Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắc Lắc phản ánh tình trạng thiếu kinh phí ở đơn vị: “Trong tổng số 339 công trình thủy lợi công ty được UBND tỉnh giao quản lý, vận hành, hiện có 28 công trình bị hư hỏng cần tổng kinh phí sửa chữa là 30,13 tỷ đồng. Tuy nhiên mới có 8 công trình được bố trí kinh phí sửa chữa tạm thời với số tiền 0,63 tỷ đồng, còn 20 công trình chưa được sửa chữa, cần kinh phí 29,5 tỷ đồng ”. Trong số các công trình do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắc Lắc quản lý, hiện nay có 6 công trình hư hỏng nặng thuộc diện mất an toàn cao, cần đầu tư sửa chữa trước mùa mưa lũ năm 2021, nhưng chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí. Các công trình này gồm: Hồ chứa nước Dang Kang thượng (xã Dang Kang, huyện Krông Bông); hồ chứa nước Phù Mỹ (xã Cư Mốt, huyện Ea H'leo); hồ chứa nước Đội 4 (xã Ia Rvê, huyện Ea Súp); hồ chứa nước Đắc Diêng Krai (xã Krông Nô, huyện Lắk); hồ chứa nước Ea Tul 1 (xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana) và hồ chứa nước buôn Pu Huê (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin).
 |
Tràn xả lũ Hồ chứa nước Đắc Diêng Krai, xã Krông Nô, huyện Lắc hư hỏng nặng |
Không chỉ "đau đầu" về vấn đề thiếu kinh phí sửa chữa, một số địa phương ở Đắc Lắc còn để xảy ra tình trạng vi phạm trong bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó vi phạm phổ biến nhất là lấn chiếm lòng hồ, lấn chiếm hành lang công trình, xây dựng công trình dân sinh lấn chiếm kênh mương. Chỉ tính trong năm 2020, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắc Lắc đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 227 vụ vi phạm về bảo vệ công trình thủy lợi. Điển hình như trường hợp hộ Trương Thị Điền (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) xây dựng nhà ở lấn chiếm đất kênh thủy lợi hồ chứa Krông Búk hạ, thời điểm vi phạm vào tháng 8-2020; hộ Lương Hoàng Châu (thôn Phước Lộc 3, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) xây tường bao chiếm hơn 32m2 đất kênh thủy lợi hồ chứa Krông Búk hạ vào tháng 9-2020; hộ Vũ Văn Huân (thôn 1A, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) xây tường bao chiếm 129m2 đất thuộc lòng hồ thủy lợi Sình Tre, thời điểm vi phạm vào tháng 6-2021... Mới đây, chúng tôi cùng cán bộ Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắc Lắc đã "mục sở thị" tình trạng một số hộ dân ngang nhiên đưa máy vào múc đất tại hai địa điểm, lấn chiếm hàng nghìn mét vuông đất lòng hồ chứa nước Ea Bông 1, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp... Các trường hợp trên ngoài việc phải tháo dỡ công trình, hoàn trả phần lấn chiếm, còn bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14-9-2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.
Mùa mưa lũ năm 2021 dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Để khắc phục những tồn tại nêu trên, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, theo đồng chí Mai Trọng Dũng, tỉnh Đắc Lắc đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đầu tư kinh phí cho địa phương để sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trong năm 2021 và những năm tới. Đồng thời, tỉnh sẽ huy động nguồn lực, tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, sửa chữa các công trình hư hỏng có nguy cơ mất an toàn theo danh mục đã được thông qua tại Nghị quyết số 141/2014/NQ-HĐND ngày 13-12-2014 của HĐND tỉnh Đắc Lắc về an toàn hồ chứa trên địa bàn. Trước mắt, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi cần chủ động bố trí kinh phí sửa chữa tạm thời những hạng mục hư hỏng nặng, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2021. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ công trình thủy lợi nhằm duy trì khả năng tưới tiêu và điều tiết lũ, bảo đảm sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH