Nhận được thông tin, Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng cử đoàn công tác cơ động vào ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, do đường từ thị trấn Nguyên Bình vào xóm Lũng Súng có hàng chục đoạn sạt lở, phương tiện cơ giới không thể vào được nên chỉ có cán bộ, chiến sĩ với cuốc, xẻng tiếp cận.

leftcenterrightdel

Hiện trường một góc sạt lở tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc (Nguyên Bình, Cao Bằng). 

Hơn 20km từ thị trấn Nguyên Bình vào xã Ca Thành và xã Yên Lạc có hàng chục điểm sạt lở ta-luy khiến lực lượng cơ động phải vừa đi vừa dọn đường để tiếp cận hiện trường, khẩn trương phối hợp với các lực lượng của xã Yên Lạc tổ chức tìm kiếm người mất tích và sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Việc dọn dẹp khu vực nhà của người dân bị sạt lở cũng được thực hiện đồng thời để tìm kiếm và thu hồi các đồ dùng còn có thể sử dụng được. Những khu vực bị đá lớn sạt lở được khoanh vùng để chờ phương tiện cơ giới sau khi thông đường vào san lấp, di chuyển.

Tới khi đường vào xóm Lũng Súng được thông tuyến vào trưa 11-9, đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng và phương tiện cơ giới tiếp cận, thì lực lượng tại chỗ đã tìm thấy toàn bộ nạn nhân thiệt mạng và bước đầu ổn định cuộc sống của người dân mất nhà cửa do sạt lở đất.

Chia sẻ tại hiện trường, chiến sĩ dân quân Phượng Chòi Sinh (được Ban CHQS huyện Nguyên Bình tăng cường từ xã Vũ Nông sang tìm kiếm nạn nhân thiệt mạng do sạt lở ở xóm Lũng Súng) cho biết: “Lúc đó, trời mưa to gió lớn. Chúng tôi không quản nguy hiểm lao vào tìm kiếm người mất tích và cứu tài sản giúp nhân dân. Cuối cùng cũng tìm thấy hết người mất tích và sơ tán bà con. Mong bão, lũ đừng xảy ra để người dân đỡ khổ”.

Trước hiện trường sạt lở vẫn còn ngổn ngang đất đá, Đại tá Lê Quốc Thành, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng đánh giá cao kết quả cứu hộ, cứu nạn của lực lượng tại chỗ. Cùng với đó, đoàn công tác cũng triển khai các phương án giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Trước hết, đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng trao kinh phí hỗ trợ của Bộ tư lệnh Quân khu 1 với mức 10 triệu đồng/nạn nhân thiệt mạng và 5 triệu đồng/người bị thương. Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng chủ động bảo đảm quần áo, nhu yếu phẩm để người dân không bị đói rét và bố trí chỗ ở tạm cho những gia đình bị mất nhà cửa; phối hợp cùng chính quyền địa phương sớm hỗ trợ xây lại nhà cho bà con.

Trao đổi về công tác cứu hộ, cứu nạn tại Lũng Súng, Đại tá Lê Quốc Thành đánh giá, việc áp dụng tốt “4 tại chỗ” để khắc phục hậu quả sạt lở đất ở xóm Lũng Súng là kinh nghiệm hay của huyện Nguyên Bình. Sau khi hoàn thành việc khắc phục hậu quả bão số 3 và ổn định cuộc sống người dân, tỉnh sẽ tổ chức rút kinh nghiệm để áp dụng sang các địa phương khác có điều kiện tương tự.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan