Hàng nghìn người hâm mộ Mỹ đã kéo đến Qatar, với mong muốn chứng kiến bước tiến của đội nhà tại đấu trường World Cup. Một thập niên qua, người Mỹ chăm chú dõi theo nền văn hóa bóng đá đất nước mình phát triển ra sao, họ luôn sử dụng các cường quốc châu Âu như một thước đo hữu ích.

Chính nước Anh, một quốc gia thích gọi bóng đá là football (Mỹ gọi là soccer) luôn chắc chắn niềm tin rằng mình chơi môn này giỏi hơn người Mỹ. Không vấn đề gì. Người Mỹ lấy luôn bóng đá Anh làm điểm tham chiếu quan trọng nhất. 

Các cầu thủ Anh và Mỹ trong trận đấu. Ảnh: Reuters 

Đấy là sự thật. Người hâm mộ Mỹ, cũ và mới, dành nhiều buổi cuối tuần để xem Giải ngoại hạng Anh trên truyền hình. Ở các sân vận động bóng đá của Mỹ, họ vay mượn một cách tự do văn hóa thể thao, bóng đá của Anh, biến nó thành của riêng mình, phản chiếu nó qua lăng kính văn hóa Mỹ. 

Và những cầu thủ giỏi nhất của Mỹ vẫn mơ ước một ngày nào đó được ra nước ngoài, lúc đầu là ở bất cứ đâu, nhưng cuối cùng tột đỉnh khát khao là trở thành ngôi sao ở những sân vận động nổi tiếng nhất nước Anh.

Mỹ có một cơ hội hiếm hoi để đo khoảng cách ngày càng thu hẹp giữa bóng đá xứ cờ hoa và bóng đá Anh, khi thầy trò chiến lược gia Gregg Berhalter thủ hòa quả cảm, đáng ngưỡng mộ trước "Tam sư". Từ trận hòa này, người Mỹ nắm trong tay vận mệnh World Cup của họ. 

Thậm chí, nhiều thời điểm trong trận đấu, đội tuyển Mỹ còn lần lướt đối thủ xứ sương mù. Kết quả trận đấu và những khoảnh khắc nhỏ như màn hát quốc ca đầy tinh thần Mỹ trên khán đài sân vận động Al Bayt đã gửi đi thông điệp rất rõ ràng: Bóng đá xứ cờ hoa đang phát triển mạnh mẽ và có tham vọng hơn thế nữa.

Để tiến vào vòng loại trực tiếp của World Cup 2022, đội tuyển Mỹ có “một nhiệm vụ đơn giản” (báo chí Hoa Kỳ nhận định như vậy): Đánh bại Iran trong trận đấu cuối cùng vòng bảng. Đa phần người hâm mộ Mỹ có cảm giác như vòng loại trực tiếp World Cup 2022 bắt đầu sớm, ngay sau trận hòa của đội nhà trước đội tuyển Anh.

HOÀNG HƯNG (từ Doha, Qatar)