Một trong 4 thứ họa đó là “đạo”-tức là “trộm, cắp”. “Đạo” tuy mức độ tàn phá không khủng khiếp như nạn “thủy, hỏa”, nhưng nó lại dai dẳng, ngấm ngầm, len lỏi ẩn náu tinh vi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực và làm băng hoại đạo đức, mọt ruỗng văn hóa xã hội.

Nếu ai trân quý, nặng lòng với nghề văn chương, báo chí chắc hẳn sẽ không bao giờ cho phép mình suy nghĩ hời hợt, tác phong giản đơn, dễ dãi, tùy tiện trong công việc, dù chỉ một chữ, một dấu thôi cũng phải cân nhắc sử dụng sao cho đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực, đúng văn phong và đúng với ý định, thông điệp tác phẩm chuyển tải. Và cái nghề cao quý, nhọc nhằn này cũng rất dị ứng với thói “ăn xổi”, “hớt váng”-tức là làm văn, làm báo mà chỉ tính chuyện tạm bợ, xốc nổi, được chăng hay chớ, chỉ nhăm nhăm “hớt phần ngọn” của người khác, “xáo xào” bài vở, ý tưởng của đồng nghiệp để làm thành tác phẩm của mình. Nói một cách chính xác, đó là một thứ đạo văn, đạo báo không hơn không kém!

Thời đại “thế giới phẳng” đã góp phần tạo ra một kênh thông tin siêu kết nối, siêu giao tiếp cho mọi người ở khắp năm châu bốn biển. Công nghệ số cũng giúp những người làm nghề chữ nghĩa đỡ phải quanh năm cặm cụi với bút mực, đèn sách như xưa, mà chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể tra cứu, tìm kiếm nguồn thông tin, tri thức khổng lồ để bồi đắp thêm nguồn năng lực trí tuệ cho mình. Bút lực từ đó cũng thêm dồi dào, phóng khoáng và tiềm năng sáng tạo có cơ hội được thăng hoa, bứt phá, lan tỏa. Những kẻ sĩ chân chính, người làm nghề chữ nghĩa tử tế thường nghĩ, hiểu và làm như vậy để góp phần sáng tạo, cống hiến cho công chúng những tác phẩm giá trị, ý nghĩa.

Nhưng mặt trái của “thế giới phẳng” cũng là mảnh đất màu mỡ cho những loại “ký sinh trùng” không ngừng lây lan như một... đại dịch, mà nhiều người gọi đó là đại dịch “chế biến, xào nấu” ý tưởng, phong cách, chữ nghĩa của đồng nghiệp. Không hề hao tổn công sức, trí tuệ của cá nhân, những kẻ đạo văn, đạo báo chỉ tốn ít thời gian cho tí “gia vị” rồi biến tác phẩm, bài viết của người khác thành của mình để hưởng lợi.

Ngoại trừ vài ba kẻ đạo văn, đạo báo người khác vốn tài hèn sức mọn không đủ khả năng nên phải cố mượn áo chim công khoác vào thân quạ nhằm “đánh bóng” tên tuổi cá nhân, thích nổi đình nổi đám trong thiên hạ. Còn đối với những kẻ không chỉ thiếu kiến văn, “hổng” chữ nghĩa, mà lòng tự trọng cũng đã chạm đến đáy, thì hành vi đạo văn, đạo báo sẽ gây đại họa cho nền văn chương, báo chí nước nhà. Một khi mang danh nhà văn, nhà báo-những người gánh vác sứ mệnh sáng tạo ra các sản phẩm tinh thần cho xã hội, góp phần kiến tạo nền tảng văn hóa xã hội và bồi đắp, làm giàu đời sống tâm hồn con người mà thiếu lòng tự trọng, không biết xấu hổ là gì, cố tình “trộm, cắp” trí tuệ của đồng nghiệp thì đúng: “Khéo là mặt dạn mày dày/ Kiếp người đã đến thế này thì thôi!” (Nguyễn Du).    

Xưa nay người ta vẫn rỉ tai nhau rằng, những kẻ mặt chai mày đá, mặt trơ mày trẽn là những cái thứ mặt khó bảo, khó giáo dục lắm! Nhưng để đời sống văn chương, báo chí trở nên thanh sạch, lành mạnh thì công luận, pháp luật dứt khoát không thể dửng dưng, thờ ơ trước vấn nạn đạo văn, đạo báo bởi những kẻ mặt dạn mày dày!

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành vừa có hiệu lực có điều khoản xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với những trường hợp tùy tiện cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Mới có hành vi tự ý cung cấp, chia sẻ tác phẩm của người khác mà đã bị “đánh” vào “hầu bao” như thế; thì đối với những hành vi “xào nấu, chế biến” ý tưởng, phong cách, chữ nghĩa của người khác thành tác phẩm của mình rất cần phải có chế tài nghiêm khắc để góp phần ngăn chặn, xử lý tận gốc vấn nạn đạo văn, đạo báo đang diễn ra nhan nhản trên môi trường mạng.

PHÚC NỘI