Toàn thắng về ta

Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng

Trào vui nước mắt cứ rưng rưng

Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy

Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng.

Không, không phải thiên thần

Bước chân hài bảy dặm.

Vẫn là Anh, anh Giải phóng quân

Vẫn đôi dép cao su, đánh giặc suốt ba mươi năm, lội khắp sông sâu rừng thẳm,

Thuở Anh đi, sắc nhọn ngọn tầm vông

Giản dị như chàng trai làng Gióng

Vũ khí, chính là Anh, lòng yêu thương mênh mông

Vũ khí, chính là Anh, lửa căm hờn nóng bỏng.

Tổ quốc cho Anh dòng sữa tự hào

Thời đại cho Anh ánh sao trí tuệ

Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do.

Khí phách Anh là Trường Sơn thanh cao.

Rất mãnh liệt và cũng rất dịu dàng,

Tâm hồn Anh là muôn trùng sóng bể.

Giặc Mỹ kiêu căng, tưởng có thể ngủ yên trên giường vàng, đầu gối lên bom.

Nghe chúng ngáy đủ run-đã có dã man làm luật

Bỗng choàng dậy, bàng hoàng... Sắp tắt hoàng hôn

Người chôn chúng là Anh, anh Giải phóng quân Việt Nam, mũ tai bèo, chân đất.

Xử phạt chúng là anh, nhân danh tình thương và lẽ phải.

Có lẽ nào cuộc sống hết tươi xanh?

Hãy cứu những em thơ đang quằn quại ngày đêm trong sợ hãi

Hãy cứu tiếng chim ca và trái chín trên cành.

Lịch sử sang xuân. Anh vào trận cuối cùng

Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo, quân đi cuồn cuộn.

Anh đánh như sét nổ, trời rung

Anh chuyển như lũ dồn, bão cuốn.

Chặt Buôn Mê Thuột, rụng cả Tây Nguyên

Quét Huế-Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng.

Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên

Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang lũ ngụy cuống cuồng,

                     rũ rượi một màu tang cờ trắng.

Đường tiến quân ào ào chiến thắng

Phía trước chờ Anh, người mẹ mong con.

Pháo hãy gầm lên, đỏ nòng bắn thẳng

Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn!

Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp

Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta.

Chúng con đến, xanh ngời ánh thép

Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa.

Cho chúng con giữa vui này được khóc

Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già

Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc

Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhòa.

Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh

Đứng gác biển trời tươi mát màu lam

Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm Đường kách mệnh.

Cho chúng con nay được trở về, vĩnh viễn Việt Nam!

                                                              1-5-1975

                                                              TỐ HỮU

 

Căn cứ vào mốc thời gian đặt cuối bài, có thể nhận định "Toàn thắng về ta" là một trong những thi phẩm được nhà thơ Tố Hữu sáng tác rất nhanh, ngay sau ngày miền Nam giải phóng. Việc ứng tác kịp thời, bám sát các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và thế giới vốn là sở trường, biệt tài (không phải nhà thơ nào cũng làm được) của Tố Hữu, mà “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Bác ơi”... là những minh chứng tiêu biểu.

Các buổi tổng hợp luyện và sơ duyệt cấp Nhà nước được tổ chức tại đường Lê Duẩn, quận 1, TP Hồ Chí Minh, nơi sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Bài thơ được viết theo thể tự do, phù hợp với việc bộc lộ cảm xúc trào dâng mãnh liệt của tác giả trước niềm vui lớn của dân tộc. Với Tố Hữu và mọi người dân Việt Nam ở thời khắc lịch sử ấy, niềm vui ngày giải phóng là niềm vui lớn nhất, hơn tất cả mọi niềm vui từ trước đến giờ, niềm vui khiến nụ cười, nước mắt hòa làm một: “Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng/ Trào vui nước mắt cứ rưng rưng”.

Và trong giây phút hạnh phúc nhất đời, nhà thơ đã ngợi ca những con người làm nên chiến công vĩ đại: Anh Giải phóng quân: “Không, không phải thiên thần/ Bước chân hài bảy dặm/ Vẫn là Anh, anh Giải phóng quân/ Vẫn đôi dép cao su, đánh giặc suốt ba mươi năm, lội khắp sông sâu rừng thẳm”. Ở đây, người chiến sĩ giải phóng là biểu trưng cho tâm hồn, khí phách của người Việt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là sự kết tinh của dân tộc và thời đại, của tình yêu nước, thương dân và lòng căm thù giặc sâu sắc, của sức mạnh quân sự và lý tưởng người cộng sản: “Thuở Anh đi, sắc nhọn ngọn tầm vông/ Giản dị như chàng trai làng Gióng/ Vũ khí, chính là Anh, lòng yêu thương mênh mông/ Vũ khí, chính là Anh, lửa căm hờn nóng bỏng/ Tổ quốc cho Anh dòng sữa tự hào/ Thời đại cho Anh ánh sao trí tuệ”.

Chính sự kết tinh ấy đã tạo nên sức mạnh vô địch của người chiến sĩ giải phóng, tạo nên một cuộc tiến quân dài nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “Chặt Buôn Mê Thuột, rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế-Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng/ Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên/  Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang, lũ ngụy cuống cuồng, rũ rượi một màu tang cờ trắng”. Nội trong một đoạn thơ ngắn, thủ pháp liệt kê được sử dụng tối đa kết hợp với hàng loạt động từ mạnh như “chặt”, “rụng”, “quét”, “đổ nhào” đã phản ánh thế tiến công thần tốc, sức mạnh không gì cản nổi của đoàn Quân giải phóng. Với sức mạnh ấy, ngày cả nước mong chờ hơn 20 năm cuối cùng cũng đã đến. Đoàn Quân giải phóng đã tiến vào Thành phố mang tên Bác: “Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”.

Trong niềm vui chiến thắng, trong nỗi nhớ và niềm hân hoan báo công với Bác về chiến thắng của chiến dịch mang tên Người, nhà thơ Tố Hữu đã có những phát hiện ý nghĩa. Hành trình người lính Cụ Hồ tiến vào Sài Gòn không đơn thuần chỉ là giải phóng thành phố khỏi quân xâm lược mà đó còn là hành trình “trở về nhà”, đoàn tụ cùng gia đình của họ sau mấy thập kỷ vắng xa đằng đẵng. Quang cảnh Sài Gòn ngày 30-4-1975 không phải là quang cảnh đối lập giữa người chiến thắng và kẻ bại trận, hay sự đổ nát, hoang tàn của một thành phố vừa trải qua chiến tranh ác liệt như thường thấy ở bất cứ cuộc chiến nào mà đó là thành phố “tuyệt trần nắng đẹp”, rộn bóng cờ hoa, là quang cảnh của ruột thịt đón ruột thịt, máu mủ đón máu mủ: “Cho chúng con giữa vui này được khóc/ Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già/ Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc/ Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhòa”.

Như vậy, chính ngay tại thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh, người Việt ở hai miền Nam-Bắc đã hòa hợp “như chưa hề có cuộc chia ly” bởi họ đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Tố Hữu có lẽ là người phát hiện và khẳng định điều này sớm nhất. Và nhà thơ cũng nhận ra rằng, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước cũng là nơi hoàn thành ước nguyện của Người: Độc lập, thống nhất cho dân tộc. Đó là sự lựa chọn ngẫu nhiên nhưng rất ý nghĩa của lịch sử. Con đường dân tộc Việt Nam đi dưới sự lãnh đạo của Bác dẫu có những lúc khó khăn, phải trải qua nhiều khúc quanh co, gập ghềnh nhưng sau cùng sẽ đi đến “độc lập, tự do, hạnh phúc”, khẳng định một chân lý thiêng liêng, bất tử: Nước Việt Nam vĩnh viễn là của người Việt Nam: “Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh/ Đứng gác biển trời tươi mát màu lam/ Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm Đường kách mệnh/ Cho chúng con nay được trở về, vĩnh viễn Việt Nam!”.

Nhìn ở khía cạnh đề tài, “Toàn thắng về ta” nằm trong dòng thơ chào mừng ngày độc lập, thống nhất đất nước. Thi phẩm của Tố Hữu đã hòa cùng với những “Trên đường phố” của Xuân Sách, “Trên đường phố Sài Gòn” của Vương Trọng, “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập” của Hữu Thỉnh... tạo nên một “bản giao hưởng thi ca” tuyệt vời về trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành hòa bình, thống nhất cho dân tộc. Với ý nghĩa ấy, “Toàn thắng về ta” nói riêng và các bài thơ cùng đề tài nói chung xứng đáng có một vị trí trang trọng trong nền thi ca Việt Nam hiện đại.

Lời bình của Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.