Không phải ngẫu nhiên mà Tô tem sói (Trần Đình Hiến dịch, NXB Công an nhân dân, 2007, tái bản 2012, 2020) đã trở thành hiện tượng xuất bản tại Trung Quốc năm 2007 với hơn một triệu lượt ấn bản. Say mê và đề cao “tính cách sói” như một đặc tính nổi trội của nền văn minh du mục trong tương quan với “tính cách cừu” của nền văn minh canh nông, cuốn sách thể hiện tham vọng của tác giả trong việc “bắt mạch” các vấn đề hiện tồn của Trung Hoa. Những kiến giải của Khương Nhung về dân tộc tính tuy nằm ở ranh giới mong manh giữa tính hư cấu văn học và thực chứng khoa học, do thế tiềm tàng khả năng gây nên những tranh luận song không thể phủ nhận sự hấp dẫn của cách kiến giải này, bởi nó được dựa trên quan sát, trải nghiệm thực tế; sự say mê cùng hiểu biết đầy tính minh triết, vừa độc đáo thú vị, vừa tinh tế sâu xa về thảo nguyên và loài sói.
2. Trần Trận-một trí thức trẻ ở Bắc Kinh có cơ may được trải nghiệm và bị thu hút trước vẻ tươi mới, sống động, phóng khoáng của cuộc sống và con người nơi thảo nguyên xa xôi, hoang dã. Những truyền thuyết nhuốm vẻ huyền bí về “tô tem sói” đã không ngừng thôi thúc người thanh niên này say mê quan sát, nghiên cứu, tìm hiểu bí ẩn của “sói tính”. Trong những thời khắc chứng kiến đàn sói phục kích, vây bắt con mồi, hay các cuộc giằng co cân sức như “một phần tất yếu” giữa sói với người trên thảo nguyên, Trần Trận dần nhận ra những ưu việt của tính cách sói khiến anh không ngừng ngạc nhiên xen lẫn thán phục: Trí thông minh tuyệt đỉnh, sự khôn ngoan đi cùng tính kiên nhẫn đến lì lợm; lòng quả cảm và tinh thần kỷ luật, ý thức đoàn kết bầy đàn cao độ. Dường như có một mối quan hệ bí ẩn giữa thảo nguyên và người thảo nguyên mà ở trung tâm của mối quan hệ này là... sói. “Ma lực của sói” nằm ở sự giao thoa giữa ranh giới của các đối cực: Khôn ngoan và gian xảo; mạnh mẽ và hung bạo; trí thông minh và sự ranh ma, mánh khóe; lòng can đảm, tinh thần quật cường và bản tính hiếu chiến, khát máu; tinh thần cao thượng, thà chịu chết không chịu nhục và sự liều lĩnh... Sói vừa là mối đe dọa, vừa là ân nhân của con người; vừa tàn sát gia súc, vừa đem đến thức ăn; vừa là kẻ thù, đồng thời là thần linh, là tô tem của dân du mục, là con tàu chở linh hồn họ lên trời. Mục dân đề phòng sói, săn bắt sói, chế ngự sói nhưng từ trong sâu xa vẫn luôn có sự kính phục, khiếp hãi, nể trọng. Sói dạy con người bài học của lòng quả cảm, yêu quý sinh mạng, sống một đời sống khỏe khoắn và tràn đầy ý nghĩa. Ở sói chứa đựng nhiều tín điều thiêng liêng về sinh tồn mà tự trọng, độc lập là căn bản nhất.
Với cảm thức “lấy sói làm trung tâm”, những đặc điểm thuộc về dân tộc tính của các cư dân thảo nguyên luôn được tác giả cắt nghĩa trong những tương quan với cội nguồn “sói tính”: Sự can trường, dũng mãnh, thiện chiến; lòng yêu tự do, tính cách hào phóng, tinh thần đoàn kết... Thậm chí những thói quen, tập quán trong lao động, sinh hoạt, đánh trận của con người nơi này đều có liên quan tới sói. Khi săn bắt thì học tính kiên nhẫn của sói. Đầu đông hàng năm, mục dân giết thịt những gia súc béo rồi đem đông lạnh để dự trữ, cách này cũng học từ sói. Ngay cả việc tuyển lựa mã quan bổ sung cho các mục trường cũng dựa trên tố chất của loài sói: Kiên trì, dũng cảm, khỏe mạnh, mưu trí, nhạy cảm, cảnh giác, chịu đói chịu khát, dãi dầu mưa nắng... Nhưng bài học từ sói đối với người thảo nguyên, ý nghĩa và vi diệu nhất là ở nghệ thuật đánh trận. Ở khía cạnh này, Tô tem sói dường như chạm tới và hé mở phần nào những tồn nghi cùng bí ẩn chất chứa trong lịch sử: “Nhà quân sự vĩ đại Thành Cát Tư Hãn một chữ bẻ làm đôi không biết và những tướng lĩnh Khuyển Nhung, Hung Nô, Khiết Đan, Đột Quyết, Mông Cổ mù chữ hoặc mù chữ một nửa, mà lại giỏi hơn cả cường quốc Hoa Hạ có trong tay “Binh pháp Tôn Tử” lừng danh thế giới, đánh cho cường quốc này điên đảo càn khôn”. Tục “thiên táng” với truyền thuyết “sói bay”, vì thế, mang ý niệm thiêng liêng thành kính của cư dân thảo nguyên về sói. “Tô tem sói” đã tác động trực tiếp tới tinh thần và tính cách của mục dân thảo nguyên, góp phần tạo nên con đường đặc biệt của nền văn minh Trung Hoa trong sự cộng sinh và tranh đấu giữa tinh thần du mục và tinh thần nông canh mà khởi phát vốn từ “văn hóa sói”.
3. Mang tình yêu lớn lao dành cho thiên nhiên và muôn loài chống lại mặt trái của văn minh máy móc, văn minh công nghiệp, Tô tem sói ngoài những diễn giải về lịch sử, văn hóa còn đặt ra vấn đề hiện thời của các dân tộc và nhân loại trên hành trình phát triển, hiện đại hóa: Bảo vệ môi trường sinh thái-"bà mẹ thiên nhiên" như bảo vệ chính mạng sống của chính mình. Trong một cảm xúc nhất thời trước sự run rẩy của chú dê vàng sau đại họa tấn công của bầy sói, trong lòng Trần Trận dâng lên niềm xót thương cố hữu với sinh vật bé nhỏ, yếu đuối cùng sự ghét bỏ, ghê sợ thú tính tàn bạo của sói. Nhưng những phân tích đầy trải nghiệm của ông già Pilich khiến anh thức nhận bài học lớn: Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, giữa sinh mạng lớn và sinh mạng nhỏ. Cỏ và thảo nguyên là sinh mạng lớn. Sói và người đều là sinh mạng nhỏ. Khi sinh mạng lớn bị giết thì các sinh mạng nhỏ cũng chết sạch. Thảo nguyên mênh mông như một người mẹ bao dung vĩ đại nuôi nấng, dung dưỡng con người và muôn loài, nhưng mạng sống của thảo nguyên còn “mỏng hơn mi mắt con người” với muôn vàn nguy cơ và nỗi sợ hãi.
Tô tem sói, do vậy, mang thông điệp về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sinh mạng lớn, cũng chính là để bảo tồn cuộc sống của con người, bảo vệ sinh mạng nhỏ. Trong tương quan giữa con người và thế giới tự nhiên, logic của thảo nguyên xem việc bảo vệ sinh mạng lớn/sinh mạng nhỏ của thảo nguyên và của thiên nhiên quý hơn sinh mạng con người, bởi lẽ: Sinh mạng lớn không còn thì các sinh mạng nhỏ cũng mất. Điệp khúc này vang lên không chỉ một lần trong suốt thiên truyện, đặc biệt ở những thời khắc thảo nguyên bị đe dọa, tàn phá: “Thiên hạ xưa nay vốn sinh mạng lớn điều hành sinh mạng nhỏ, mệnh trời quản mệnh người. Trời đất không còn sinh mệnh nữa thì cái sinh mệnh nhỏ nhoi của ta là cái gì...”, “Nếu như thực sự sùng bái Sói tổ thì phải đứng về phía sinh mệnh lớn trời đất, thiên nhiên, thảo nguyên...”. Logic giản đơn nhưng đầy tính minh triết và thực tế này bao hàm ý nghĩa sâu xa của sự sinh tồn, của mối quan hệ và ứng xử giữa con người với vạn vật trên thế gian này. Trong mối quan hệ ấy, con người một lần nữa học được bài học từ sói: biết vừa và đủ, không tham lam, không tận diệt, bảo toàn và cân bằng sự sống dựa trên mối quan hệ hài hòa với tự nhiên.
Trong một ý nghĩa như vậy, tục “thiên táng” trong tô tem của mục dân thảo nguyên vốn bị tộc nông canh xem là lạc hậu, thấp kém, dã man, kỳ thực lại hàm chứa nguyên tắc và ý niệm nhân quả về lẽ sinh tồn: “ăn thịt thì phải trả bằng thịt”. “Người thảo nguyên suốt đời ăn thịt, sát hại không biết bao nhiêu là sinh mạng, tội to đấy! Vì vậy khi chết con người trả lại thịt cho thảo nguyên mới công bằng, linh hồn không đau khổ trên thiên đường”. Và quy luật của tự nhiên hàng ngàn đời nay chính là “vật cực tất phản”-cái gì đã tới ngưỡng, tất đi ngược lại. Những dự báo và ánh mắt lo âu, sợ hãi của ông già Pilic trong trận chiến của mục trường tổng công kích sói; hình ảnh thảo nguyên bao la, tươi đẹp, tràn đầy sinh khí ngày càng trở nên xác xơ, cằn cỗi vì bị cát hóa như một kết cục nhỡn tiền cho thấy lòng tham, sự ích kỷ của con người trong ứng xử với tự nhiên.
Tô tem sói gióng lên hồi chuông khẩn thiết về tình trạng tự hủy diệt của con người bởi những ngộ nhận lầm lạc về văn minh, hiện đại. Chính bởi lẽ đó mà giờ đây, “cho dù đàn sói đã trở thành lịch sử, thảo nguyên đã trở thành kỷ niệm, văn minh du mục chấm dứt hoàn toàn, ngay cả dấu vết cỏn con của sói Mông Cổ để lại trên thảo nguyên Nội Mông-hàng trăm tuổi cũng sắp bị cát lấp vùi” nhưng “minh triết của sói” với tầng sâu của những kiến giải về văn hóa, lịch sử, môi sinh được tác giả thể hiện trong thiên tiểu thuyết này vẫn mang ý nghĩa hiện thời, khiến chúng ta không ngừng suy ngẫm và truy vấn.
Tiến sĩ ĐỖ THU THỦY