Tiếng gáy dõng dạc, uy nghiêm như một nghi lễ. Không biết chú gà trống nhà mình hay nhà ai mà lại có mãnh lực đến thế, bởi sau tiếng gáy của chú gà trống, tôi thấy tiếng đàn gà trong chuồng bắt đầu xôn xao. Bầy lợn ở chuồng bên cũng lục đục cất tiếng. Mẹ con nhà trâu cũng ọ ẹ trở dậy cọ sừng. Và bầu trời như rạng rỡ hẳn ra.
Từ bao giờ người dân quê đã mặc nhiên "sắc phong" cho tiếng gáy của những chú gà trống trở thành tín hiệu của buổi sáng. Tiếng gà gáy sáng đã ăn sâu vào tiềm thức của con người, của cuộc sống, của thời gian.
Minh họa: Thái Hòa
Bấy lâu xa quê, tôi đã quen với buổi bình minh bằng tiếng đồng hồ báo thức, tiếng động cơ xe cộ ồn ĩ, tiếng người lại qua ngoài phố. Cũng là bấy lâu tôi quên mất tiếng gà gáy sáng mỗi tinh sương. Đó là lúc mẹ tôi trở dậy nhóm bếp đun nồi nước chè xanh đặc sóng sánh như mọi hương vị quê nhà đều lắng vào trong ấm nước. Và hình ảnh mẹ tôi mỗi sớm mai như thế đã tạc vào ý nghĩ của tôi một bức tranh tuyệt đẹp. Bức tranh ấy, khi thì được phác họa trên vách nhà, do ánh lửa tạo ra, bóng mẹ đổ nghiêng trên liếp phên, khi thì hiện trên trang giấy học trò trong những giờ tập vẽ của tôi. Và sau này, đó là bức tranh kỳ công nhất tôi vẽ nên trong nỗi nhớ về người. Khi tiếng gà gáy sáng, đó cũng là lúc cha tôi ngồi trên chiếc phản gỗ trước hiên hút thuốc lào, tiếng điếu cày buổi sáng như thanh hơn, vọng hơn và đã ăn sâu vào trong trí nhớ tôi suốt bao năm tháng. Tiếng điếu cày buổi sáng luôn là điều đầu tiên tôi chạm đến khi nhớ về cha.
Sau nhiều xa cách, tôi trở về nhà, tạm quên đi nhiều được mất, ưu phiền hay những vinh hoa phù phiếm. Tôi nhận ra tiếng gà gáy sáng bao năm vẫn trong trẻo, nguyên sơ như thế. Như thuở tôi mới lên ba, lên năm, lên bảy, lên mười… Dù chú gà bây giờ không còn là những chú gà ngày xưa nhưng tiếng gáy thì như một hồn thiêng gửi lại của họ nhà gà. Chúng gìn giữ và truyền cho nhau bảo bối ấy một cách trang nghiêm, thuần khiết, không dị bản. Có phải vì trong bản năng giống loài chúng đã biết ý thức về sự quan trọng của tiếng gáy, về giá trị của chúng cùng với thời gian.
Tiếng gà gáy sáng nhắc tôi nghĩ nhiều về con người trong cõi đời này. Chúng ta, sau mọi thứ có giữ được bản nguyên, gốc gác của mình không? Khi mà chính con người tự tạo ra cho mình rất nhiều giá trị, mà chủ yếu là những giá trị không có thật đang lên ngôi, ngự trị trong cuộc sống này. Hãy đơn giản như một tiếng gà báo hiệu bình minh, bắt đầu một ngày mới đầy háo hức say mê sẽ đẹp biết bao, hơn những đao búa, rao giảng, rỗng rễnh trong cõi người.
Một lần nào đó bất chợt trong giấc mơ, một người chợt nghe thấy tiếng gà gáy sáng. Giật mình trở dậy ngỡ mình đang ở trong căn nhà thuở ấu thơ. Đưa tay lên chạm những sợi bạc mới nhận ra mình còn có một chốn quê nhà. Người ấy vội vã chuẩn bị cho chuyến hành hương mà quên mất nơi ấy đã không còn một bóng người thân. Tôi đã đọc ở đâu đó câu chuyện này. Thế mới biết, chỉ một tiếng gà mà lay động, chạm đến vô thức con người.
Lâu lắm rồi tôi mới có một bận thức dậy ở quê như sáng nay. Sau tiếng gà gáy sáng tôi nhìn ra hiên, dáng cha vẫn ngồi đó và tiếng điếu cày bây giờ như đã trầm hơn xưa. Mẹ tôi vẫn tất bật nơi căn bếp nhỏ, với vị trà xanh đã chan chát nơi đầu lưỡi.
Tản văn của TÙNG QUÂN