Hoài niệm di sản trong ký ức
Chùa Đậu (thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) gắn liền với quá trình du nhập Phật giáo vào khu vực Đồng bằng Bắc bộ và hòa trộn với văn hóa dân gian bản địa. Chùa Đậu thờ “bà Đậu” (bà Pháp Vũ-Bà mưa), nên ngoài tên chữ là Thành Đạo tự hoặc Pháp Vũ tự, dân gian thường gọi là chùa Vua, chùa Bà. Đây là một trong 4 ngôi chùa thờ tứ pháp (mây, mưa, sấm, chớp) lớn nhất miền Bắc (3 chùa còn lại là chùa Dâu, chùa Nành và chùa Keo). Bên cạnh hai pho tượng toàn thân hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (thế kỷ 17) đã nổi danh trong và ngoài nước, chùa Đậu còn lưu giữ hệ thống di vật và các cấu kiện kiến trúc quý là hệ thống bia cổ và hệ thống các mảng chạm gỗ tinh xảo mang đậm phong cách mỹ thuật thời Lê Trung hưng. Gạch ở đây cũng được trang trí hình rồng, thú, hình cá hóa long, hình nhiều loại hoa lá… Hiện vật quý tiêu biểu là đôi rồng đá thời Trần ở bậc thềm nhà tiền đường. Đôi rồng này được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia “sao” một bản để trưng bày trong sân vườn của bảo tàng ở Hà Nội. Với bề dày lịch sử và còn bảo tồn, lưu giữ được nhiều lớp văn hóa, kiến trúc nghệ thuật nên chùa Đậu đã được xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật loại A từ năm 1964.
 |
Tam quan chùa Đậu đã bị “thanh xuân hóa” khiến người dân không nhận ra sau khi được tu bổ. Ảnh: Vương Anh. |
Tam quan-gác chuông là hình ảnh quen thuộc gợi nhớ đến di tích, là điểm nhấn độc đáo của chùa Đậu. Tam quan chùa Đậu là một gác chuông cổ kính hai tầng tám mái, lợp ngói vảy cá. Các góc mái được những người “thợ ngõa” tài hoa đắp đầu đao cong vút. Vào bên trong có thể ngắm nhìn những mảng chạm rồng, nghê phượng, hoa lá tinh xảo trên các đầu dư, vì kèo, có thể chạm tay vào thân cột gỗ mát rượi. Việc lần tìm, bóc tách những mảng chạm khắc mang đậm phong cách nghệ thuật của từng thời kỳ lịch sử, sản phẩm của những lần tu bổ trên cùng một cấu kiện kiến trúc còn là niềm thích thú đam mê của những nhà bảo tồn và của tất cả những người yêu mỹ thuật truyền thống của cha ông. Nhưng sau khi được tu bổ, tam quan chùa Đậu đã không còn gợi được vẻ cổ kính, trầm mặc của một công trình có tuổi đời hàng trăm năm. Tu bổ đã “thổi bay” bao lớp rêu phong lịch sử-văn hóa và thay vào đó một lớp áo mới với những mảng vá víu trở nên "nổi bật” trên nền “cổ kính” đã được làm cho “sáng choang”.
Cần chung trách nhiệm
Trùng tu theo đúng nghĩa là phải làm đúng như kiến trúc nghệ thuật cũ, có thể là bất khả thi đối với phần lớn di tích gỗ truyền thống ở Việt Nam. Các di tích thường chỉ được tu bổ-tức là tôn tạo trên nền tảng di tích cũ và những cấu kiện bị hư hỏng được thay bằng những cấu kiện mới. Đối với các di tích đã xuống cấp, hư hại, vấn đề cải tạo, thay thế những cấu kiện, thành phần hư hỏng hay việc xây bổ sung hạng mục phụ trợ là cần thiết, nhưng phải được tiến hành theo nguyên tắc cố gắng để giữ được càng nhiều càng tốt dấu tích cũ, giữ “hồn cốt” là những yếu tố lịch sử, văn hóa, nghệ thuật còn lại trong di tích và chỉ cần “giữ cũ” được quá nửa đã được coi là đạt yêu cầu về bảo tồn. Nguyên tắc bảo tồn là phải bảo đảm tính nguyên gốc, hạn chế tối đa sự can thiệp vào di tích; các thành phần thay thế phải (được) phân biệt với phần nguyên gốc để tránh nhầm lẫn; ưu tiên bảo quản, gia cường sau đó mới đến tu bổ phục hồi và tôn tạo.
Trong thực tế hiện nay, phần lớn di tích vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ bảo tồn không nguyên gốc mà tam quan chùa Đậu chỉ là một ví dụ. Còn có thể kể thêm những vụ tu bổ sai trầm trọng hơn, như: Đình Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), chùa Thiên Phúc (Cửa Nam, Hà Nội), chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội)… gần đây là cầu Ngói chợ Thượng (Nam Trực, Nam Định), đình Trùng Hạ (Gia Viễn, Ninh Bình), chùa Bổ Đà (Bắc Giang)… Nhiều di tích bị làm mới sau quá trình tu bổ đặt ra vấn đề phải nâng cao nhận thức và chấn chỉnh cách làm của các bên liên quan.
Việc bảo tồn, tu bổ các di tích đang là cơ sở thờ tự (thờ Phật, thờ thành hoàng…) có vai trò quan trọng của nhà sư trụ trì (chùa) và cộng đồng quản lý (đình, đền…). Việc thực hiện xã hội hóa hoạt động tu bổ, tôn tạo tại các địa phương thực chất do các nhà sư trụ trì hoặc ban quản lý di tích sở tại chủ động tiến hành, thu hút nhiều phật tử, nhà tài trợ tham gia ủng hộ. Xảy ra một số vụ việc đáng tiếc trong quá trình tu bổ ở nhiều di tích có nguyên nhân do người quản lý có xu hướng “thỏa hiệp” với các đề xuất, kiến nghị của các nhà tài trợ, như: Xây thêm công trình, tu bổ không đúng thiết kế đã được phê duyệt, tùy tiện xóa bỏ các dấu tích cũ... Việc nâng cao nhận thức của những người trực tiếp quản lý di tích cần được đặt ra một cách nghiêm túc.
Nhìn từ phía cán bộ quản lý di tích, họ cần được đào tạo chuyên môn về bảo tồn, tu bổ một cách bài bản và thường xuyên tích lũy, trau dồi kiến thức chuyên môn cùng với kinh nghiệm thực tế để làm tốt công việc của mình. Bên cạnh đó, vai trò của các nhà khoa học rất quan trọng khi đánh giá các giá trị và xác định những yếu tố gốc cần được bảo tồn của di tích, tư vấn và giám sát trong nhiều công đoạn thực hiện trùng tu. Đối với cộng đồng sở hữu di tích, cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu những giá trị lịch sử, văn hóa cốt lõi bên trong mỗi di sản mới là cái cần bảo tồn, gìn giữ, chứ không phải cứ làm cho to lớn, hoành tráng mới là tôn vinh di sản.
Việc bảo tồn, tu bổ di tích cũng nhằm mục đích cuối cùng là để giữ cho di tích “sống” trong lòng xã hội đương đại, để bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa cổ truyền cho các thế hệ mai sau, để con cháu chúng ta sau này còn có thể biết đã có những di tích của tổ tiên, ông cha tạo dựng trên quê hương mình.
Tiến sĩ NGUYỄN ANH THƯ