Cậu con trai học lớp 6 ngây ngô thì thầm vào tai tôi hỏi:
- Món gì mà trông lạ thế bố?
- Để lát chú Hòa giới thiệu con sẽ biết!
Con trai của tôi rụt rè chọn miếng dưa hấu bắt mắt đã được làm lạnh theo những người khác. Chỉ có đĩa khoai giun là nằm im. Lát sau, khi những miếng dưa đã vãn, Hòa mới cầm đĩa khoai giun hướng về phía tôi và lên tiếng:
- Cái này xấu mã thì phần tôi với ông, để ta nhớ thời trẻ trâu cơ hàn.
Hướng mặt về phía những đứa trẻ của hai nhà, Hòa nói:
- Giới thiệu với các con, đây là món khoai lang giun, rất phổ biến ở miền Bắc vào thập niên 1980 đấy.
Tôi cầm một củ khoai giun từ tay Hòa và bóc vỏ cho lên miệng. Vị ngọt sắc của khoai để lâu cùng với những sợi sơ dọc trong thân của nó đưa tôi về với quá khứ cách đây gần 40 năm.
Thời ấy, sau mỗi buổi học ở trường, đám con công nhân lau nhau chúng tôi ở khu tập thể của nhà máy lại tổ chức đi mót sản phẩm nông nghiệp của người dân địa phương. Mùa lạc mót lạc, mùa khoai mót khoai, mùa đỗ thì mót đỗ. Mót đã thành một "công việc" trong cuộc sống của chúng tôi thời ấy. Nếu mót lạc thì chỉ cần một chiếc túi bằng vải và chọn khi trời mưa, đất bị rã rồi tinh mắt phát hiện là được. Còn mót khoai thì cần thêm chiếc cuốc mà lưỡi chỉ to hơn bàn tay. Thấy chỗ nào nghi nghi thì bập cuốc xuống. Mười nhát cuốc thì may được hai hoặc ba nhát có sản phẩm. Lúc ấy, mắt chúng tôi sáng lên, trong người lâng lâng như tìm được vật quý giá, cho dù đó chỉ là củ khoai giun như ngón chân cái rễ dài bằng chiếc đũa. Khoai giun mót về sẽ được lọc. Loại nhỏ thì cho vào nấu cám lợn cùng với cây rền gai, loại to hơn thì được xếp vào một góc. Hôm nào nắng to thì đem ra phơi để không bị mọc mầm và cho khoai quắt lại. Những hôm đi học về bụng sôi ùng ục, lấy một vài củ khoai giun đã phơi quắt rồi gọt vỏ bằng chiếc nạo tự chế. Miếng khoai trắng ngà, giòn sần sật và ngọt mát khiến dạ dày bớt “nhăn nhó”. Hết củ khoai thì làm một bụng nước giếng khơi tráng miệng rồi lại chạy nhảy, rủ nhau chơi trò trốn tìm.
Sau câu chuyện, cậu con trai lớn với một củ khoai giun và bóc vỏ ăn. Hòa lên tiếng:
- Đất nước mình có lúc cơ hàn, có lúc khó khăn nhưng khó mấy cũng vượt qua. Ngày xưa, thời ăn gạo sổ với tem phiếu, cái đói bủa vây khiến con công nhân rất vất vả. Chính khoai giun đã giúp cho cái đói bị đẩy lùi và học thành người như hôm nay.
Tôi tiếp lời Hòa:
- Nó cũng là “sợi dây” tình cảm vô hình kết nối bền chặt giữa tôi với ông, những người đã lấy binh làm nghiệp cho đến ngày hôm nay phải không?
Ngân nói:
- Hay quá! Đây là bài học rất bổ ích. Vậy mà đã mấy lần em định bỏ cái món khoai giun của ông Hòa lấy từ đơn vị về. Kiểu ôn cố tri tân của hai ông này thật ý nghĩa đấy.
Hòa đế vào:
- Vậy thì từ nay đừng vứt khoai giun của tớ đi nhé!
Ngân cười tít mắt: “Vâng, em nhớ rồi ạ!”
ĐỨC TÂM