Tham gia hoạt động showbiz, bất cứ cá nhân nào cũng mong muốn có nhiều fan, bằng mọi cách phát triển lượng fan để tạo chỗ đứng. Lượng fan là một trong những căn cứ khẳng định đẳng cấp của các “sao” trong giới giải trí. Ngược lại, khi một ai đó được anti-fan “quan tâm”, “chăm sóc”, đồng nghĩa với việc hình ảnh và vị trí của họ bị ảnh hưởng nặng nề.
Vụ việc của hoa hậu chuyển giới Hương Giang đang bị “hội chứng” anti-fan đẩy đi quá xa và chưa có dấu hiệu dừng lại, dù khổ chủ đã lên tiếng công khai xin lỗi. Mọi chuyện bắt đầu từ những phát ngôn thiếu cẩn trọng của cô và hành động phản ứng của những người tẩy chay cô. Từ hoạt động của một nhóm anti-fan, làn sóng kêu gọi tẩy chay Hương Giang bùng lên, vượt khỏi tầm kiểm soát của những người trong cuộc.
Đây không phải lần đầu tiên Hương Giang vướng vào chuyện lùm xùm này. Hương Giang cũng không phải cá nhân duy nhất vướng những sự cố tương tự. Hàng loạt các tên tuổi đình đám trong showbiz như: Trấn Thành, Thủy Tiên, Hương Tràm, Trường Giang, Nhật Kim Anh... cũng từng bị “hội chứng” anti-fan tấn công. Ở góc độ tích cực, sự xuất hiện của anti-fan là một hình thức phê bình, giúp nghệ sĩ và các nhân tố trong giới giải trí tiếp thu, sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết để hoàn thiện bản thân, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khi anti-fan bị biến thành thế lực tấn công, triệt hạ lẫn nhau giữa một bộ phận trong showbiz. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu người ta thể hiện quan điểm bằng thái độ văn hóa, phê phán một cách có căn cứ, mang tinh thần xây dựng. Đằng này, sự phản ứng thái quá của một bộ phận công chúng đã vượt khỏi ranh giới văn hóa ứng xử, chuyển sang chửi bới kiểu hàng tôm hàng cá, lăng mạ, moi móc đời tư, bêu riếu, sỉ nhục nhau với những ngôn từ rất... mất vệ sinh.
Công nghệ lăng xê đã và đang tạo nên sự cạnh tranh và đào thải hết sức khốc liệt trong showbiz Việt. Quy luật của cuộc sống, những ai nổi tiếng càng nhanh thì hành trình “chết yểu” càng gần. Khổ nỗi, nhanh nổi tiếng thì ai cũng muốn, nhưng không ai dễ dàng chấp nhận mình bị mau chóng lãng quên. Thế nên, để duy trì chỗ đứng, một số người phải sử dụng đến các chiêu trò, thủ đoạn cạnh tranh. Một trong những cách đó là vận động fan của mình làm anti-fan của đối thủ. Chính vì thế, những hình thức công kích, hạ bệ “thần tượng” lẫn nhau thường xuyên diễn ra, làm môi trường showbiz thêm rối ren, phức tạp. Không ít trường hợp rơi vào khủng hoảng truyền thông, xử lý rất khó khăn.
Phương pháp ứng xử trước những sự cố từ anti-fan chẳng ai giống ai. Người chọn cách im lặng. Người tìm cách thương lượng với anti-fan để thuyết phục gỡ bài, thay đổi thái độ. Người thì vận động fan chống lại anti-fan. Có người phải nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp... Và tất nhiên, cũng như sự nổi tiếng bằng công nghệ lăng xê, sự sôi sục đến mức gây “bão” của anti-fan cũng mau chóng “chìm xuồng” sau đó.
Cái gốc của vấn đề vẫn là hoạt động phê bình trong đời sống nghệ thuật đang rất thiếu và yếu. Những năm qua, đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm... bàn về vấn đề này. Thực trạng được giới chuyên môn chỉ ra là, đội ngũ viết phê bình văn học nghệ thuật (đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí) đang bị khủng hoảng trầm trọng. Trên truyền thông, hoạt động này gần như là “sân chơi” của các phóng viên viết mảng giải trí. Ngay cả lực lượng này cũng rất ít người được đào tạo chuyên môn về lý luận phê bình. Để đáp ứng yêu cầu thị hiếu, không ít phóng viên và ấn phẩm truyền thông cũng trở thành fan hay anti-fan của một ai đó.
Phê bình thiếu và yếu nên hoạt động phê bình không phát huy được vai trò giáo dục, định hướng thị hiếu thẩm mỹ. Khi nhiều người trở thành “sao” trong chốc lát bằng chiêu trò, vô hình trung tước đi cơ hội làm nghề đích thực của những nghệ sĩ tài năng chân chính mà lẽ ra, chính họ mới xứng đáng để trở thành ngôi sao. Để lành mạnh hóa môi trường giải trí, để có một “hệ sinh thái” văn hóa văn nghệ tiến bộ, bên cạnh việc chấn chỉnh tiêu cực bằng dư luận công chúng tích cực, cần phải từng bước khôi phục, chăm lo phát triển công tác lý luận phê bình. Có môi trường phê bình chuyên nghiệp, có sự định hướng thị hiếu thẩm mỹ thuyết phục, tình trạng bùng phát “sao ba lăng nhăng” và những biểu hiện phi thẩm mỹ, phản văn hóa trong showbiz Việt mới được khắc phục, giải quyết căn cơ.
THANH KIM TÙNG