Đi du lịch theo lời một bài hát, thì đúng là quá lãng mạn. Kết quả là khi tôi đến Đồng Châu, một nỗi hoang mang lớn dần theo từng nhịp thở. Không thấy bãi biển trải dài miên man sóng, không thấy hệ thống nhà hàng, nhà khách nào. Hai Nhà khách Công đoàn Đồng Châu, mà theo lời một bài báo trên mạng thì có giá 8-10USD mỗi đêm, nay cỏ mọc lút đầu, hàng chục phòng nghỉ đóng cửa im lìm. Đồng Châu đã không còn là bãi tắm du lịch từ lâu, thay vào đó là đồng… ngao. Bãi biển nuôi ngao trải dài tít tắp và những cái lều cao lêu đêu như người đi cà kheo cũng tít tắp trải dài. Nhưng công bằng mà nói, thì nó cũng có một vẻ đẹp riêng biệt. Vậy là, có lẽ bài báo kia đã cách đây cả chục năm rồi, những người chia sẻ nó đã hồn nhiên đăng trên các trang mạng du lịch mà không quan tâm nó viết ở thời điểm nào.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ 

Người ta nói nuôi ngao kinh tế hơn nhiều, dân ấm hơn, được nhờ hơn. Vậy là người đi tắm mát đã chuyển từ Đồng Châu sang Cồn Đen, hay Cồn Vành đã và đang phát triển. Cồn Vành cách Đồng Châu không xa, nhưng một số người dân Đồng Châu lại “chưa từng đến đó bao giờ”.

Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ được đến tận nơi con sông Hồng chảy về với biển, chính là cửa Ba Lạt huyền thoại, một bên là Tiền Hải-Thái Bình, còn bên kia là Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy, Nam Định).

Có quá nhiều câu chuyện xoay quanh Nguyễn Công Trứ, người được dân ba tỉnh: Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thái Bình lập đền thờ, vì ông là một vị quan vì dân, vì nước theo đúng nghĩa: Chiêu dân lấn biển khai sơn, tạo nên vùng núi vàng Kim Sơn-Ninh Bình và biển bạc Tiền Hải, nên thiết nghĩ, nếu muốn nói về ông, tôi sẽ chẳng thể nào nói hay và nhiều hơn những người khác đã từng nói. Chỉ biết rằng, khi nói đến Tiền Hải và khi chạy xe trên con đê dài ven biển, qua những trảng rừng ngập mặn, những kênh rạch chằng chịt ăm ắp nước, hệt như một góc của sông nước phương Nam và những cánh đồng nuôi ngao mênh mông của các xã Đông Minh, Nam Thịnh, tôi đã nghĩ đến ông, một Doanh điền, người có công lấn biển dựng đồng và nghe nói miền đất này đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Cồn Vành, nhiều năm trước còn hoang sơ lắm, người ta phải đi thuyền, tàu đến đó thì nay đã có cả một con đường đẹp nối thẳng đến cồn. Mỗi cuối tuần, lượng khách du lịch từ các huyện trong tỉnh, khách ngoại tỉnh kéo về rất đông. Cồn Vành không có những bãi đá, chỉ một bãi cát trải dài. Từ trung tâm cồn, đi về tay trái sẽ gặp một cánh đồng nuôi ngao. Người nuôi trồng mỗi năm phải đầu tư hút bớt cát lên cồn một lần, rồi san phẳng đồng. Đầu tư lớn, nên dù nuôi ngao không cần… thức ăn cho ngao thì vẫn chỉ có những người nhiều tiền lắm của mới có thể làm chủ đồng ngao được.

Đi về phía tay phải, chạy dọc bãi cát là một vùng nước mênh mông sóng. Biển mà, sóng và mênh mông có gì lạ đâu, nhưng nếu không để ý, không tìm hiểu, thì người ta sẽ không hình dung được mình đang may mắn thế nào đâu. Vùng mênh mang sóng ấy chính là cửa Ba Lạt, nơi dòng chính sông Hồng đổ về với biển.

Đứng trước nơi bắt đầu hoặc kết thúc của một dòng sông, chắc chắn ai cũng sẽ gặp cảm giác hồi hộp, thiêng liêng. Dòng sông Hồng đã quá nổi tiếng, khi đổ vào đất Việt ở Lào Cai, rồi vắt ngang miền Bắc đất nước ta như một lằn chỉ đỏ. 510km trong nội địa Việt Nam, sông Hồng mang phù sa đắp bồi cho đôi bờ ngô đậu xanh ngát, từ đó, phát triển một nền văn minh sông Hồng không hề kém cạnh những nền văn minh khác.

Cửa Ba Lạt không phải là cửa duy nhất sông Hồng đổ ra biển cả, nhưng là cửa dòng chính của sông Hồng. Đầu Xuân, cửa sông dịu dàng hòa nước ngọt phù sa vào lòng biển mặn. Những cụm bèo xanh ngác ngơ từ nội địa dạt trôi, những đàn chim nhỏ kiếm ăn ở nơi giao nhau đặc biệt này xòa cánh vút bay, rất nhanh lẫn vào màu sóng bạc. Có những con chim lẻ loi đứng trầm tư trước biển, không hề tỏ ra xa lạ với con người. Bên kia sông là Vườn Quốc gia Xuân Thủy nơi có hệ sinh thái, vườn chim trắng trời. Tại cửa sông buổi sáng, những ngư dân Tiền Hải hút bóng mờ xa.

Phù sa đỏ đang ào ạt đổ ra biển cả này, ngàn năm sau có thể sẽ trở thành phù sa cổ, nuôi dưỡng cây xanh và trái ngọt. Tôi nhớ đến những vùng đất nổi tiếng với những sản vật ở Đồng bằng sông Hồng. Người ta bảo những vùng đất ấy được đắp bồi bởi phù sa cổ, có những khoáng chất đặc biệt quyết định đến hương vị của trái cây và đó là lý do vì sao có sự khác biệt.

Hàng nghìn năm trước, sông Hồng đã bao phen đổi dòng, bao phen xóa sổ rồi kiến tạo những miền văn hóa ấy. Rất có thể sông Hồng đã từng cuồn cuộn chảy bên những miền đất phù sa cổ ngày nay. Phù sa ấy tinh khôi, thuần khiết, không vướng một giọt hóa chất nhân tạo nào, nhất định phải khác biệt với phù sa non bây giờ và phù sa cổ của… mai sau. Nhưng chắc chắn một điều, phù sa cổ của hôm nay, mai sau không thể nào có lại, khi con người đã, đang và sẽ tiếp tục đổ xuống các dòng sông, lòng đất hóa chất của sự hủy diệt sinh thái.

Vài trăm năm trước, sông Hồng lại một phen đổi dòng, trước khi đổ về biển cả, do bão lũ, đã chia đôi một ngôi làng tên là Dũng Nhuệ, ở Vũ Thư, Thái Bình, một nửa dạt sang tả ngạn, một nửa trôi về hữu ngạn và để ngày nay người ta còn chiêm ngưỡng một ngôi chùa nổi tiếng bên sông, kiến trúc độc đáo và rất đẹp: Chùa Keo.

Có thể, đó là lần đổi dòng dữ dội nhất từ đó cho đến nay. Hoặc cũng có thể đã từng vài phen dâu bể khác. Nhưng sông Hồng sẽ không chỉ như bây giờ. Vài trăm năm sau, cửa Ba Lạt, nơi tôi đứng hôm nay có thể đã là bãi lúa nương dâu, do phù sa sông Hồng bồi đắp, do sức người quai đê lấn biển, hoặc cũng có thể chìm lút trong mênh mông biển nước, khi biến đổi khí hậu toàn cầu khiến nước biển dâng cao, lấn sâu vào đất liền.

Tôi rưng rưng uống một ngụm nước ở nơi giao nhau giữa sông và biển này, nơi nước ngọt sông Hồng từng chảy qua những cánh rừng thẳm sâu, những bờ lúa nương dâu, những phố làng đô thị, mang theo bao hỉ nộ của con người và thiên nhiên để hòa vào biển mặn.

Ghi chép của PHẠM THANH THÚY