Vậy nên những khi đứng trước một con mương dài rộng nào đó đang mùa nước đổ, tôi hay nhớ tới mương Trâu và tự hỏi, mương Trâu trong ký ức tôi đã có từ bao giờ?

Chuyện xưa tích cũ kể rằng, khi nơi đây còn là rừng rậm hoang vu, trùng trùng lau sậy, có đàn trâu rừng hơn trăm con cứ mỗi sáng lại lần lượt kéo nhau ra sông kiếm thức ăn và nằm nước, đến chiều lại kéo nhau về. Hàng trăm năm đi theo một lối, đàn trâu đã để lại dấu tích là một con mương nối liền ra đến cửa sông, mang nước đổ vào rừng tạo thành một láng (*) mênh mông nước. Môi trường sinh thái cũng từ đó có sự đổi thay, đất đai bắt đầu được phù sa bồi lắng, sinh sôi tươi tốt.

Những lưu dân ngày đầu đi mở cõi đã men theo sông, rồi lần theo con mương mà vào rừng khai hoang, mở mang tạo nên một vùng đồng đất bao la và trù phú. Cũng từ dạo ấy, đàn trâu ít khi về, chỉ có một số con dạn dĩ hay ra tìm cỏ và thân thiện với người nên được lưu dân thuần hóa thành trâu nhà. Chúng hiền từ, gắn bó với lưu dân như người bạn thân thiện, mến khách. Chúng trở thành vật nuôi gắn liền với công cuộc khẩn hoang, mở mang ruộng đồng phía Nam bờ cõi.

Minh họa: Mai Minh.

Không biết từ dạo ấy đến nay là bao lâu, nhưng tôi tin con mương này được đặt là mương Trâu ắt là từ rất lâu rồi, từ khi ông cha mới đến đây lập nghiệp. Cánh đồng này cũng có tên là cánh đồng Trâu, chắc cũng xuất phát từ khi những con trâu thuần dưỡng giúp người nông dân kéo những lưỡi cày đầu tiên trên đồng rộng, vạch ra sự màu mỡ cho cây lúa nước nghìn đời lên xanh.

Cuộc mưu sinh kéo dài hàng trăm năm, qua biết bao biến cố thăng trầm. Hàng trăm kiếp trâu ra đời bên con mương do chính những con trâu xa xưa khai mở. Những lớp người mới lại sinh ra, nghề nông và hình bóng con trâu gắn bó mật thiết với nhau tạo nên một nền văn minh rực rỡ và hào sảng nơi miền cuối trời Tổ quốc. Những điều giản dị, mộc mạc, chân phương như tiếng trâu cọ sừng giữa đêm khuya, mùi khói um trâu hay tiếng nghé ọ gọi bầy cũng trở thành ký ức truyền đời, trở thành tiếng gọi thiết tha của quê hương đồng nước.

Với ông bà tôi thì con trâu là hiện thân của sự biết ơn, sự sung túc và gắn bó keo sơn như mối thâm tình ruột thịt.

Đến đời thứ mười chín-tức đời ông nội tôi thì con trâu cũng đã qua rất nhiều kiếp trâu nhà nối nhau gắn bó với người. Ông nội được người trước để lại cho một cặp trâu làm vốn liếng sinh nhai. Thuở ấy có một cặp trâu là một gia sản quý báu, một gia thế cao ráo trong xã hội lấy nền nông nghiệp lúa nước làm trung tâm. Bởi thế, người ta thương quý con trâu như thương đứa con ruột của mình. Sự thương đó cũng có lý do, bởi từ miếng cơm manh áo đến niềm vui nỗi buồn của cả gia đình đều gắn liền với trâu. Cưới vợ gả chồng cũng trông vào mùa trâu cày xong để thảnh thơi và có tiền làm đám. Con trâu được tắm táp sạch sẽ, đeo nơ, áo đỏ đủng đỉnh rước dâu. Chiếc cộ trâu rước dâu đơn sơ giản dị mà lại quý phái đến lạ kỳ.

Con trâu gắn bó từ ngay ngày đầu tiên về với nhau của đôi vợ chồng trẻ. Không có lúc nào ngơi nghỉ ăn chơi, đôi trâu gánh chiếc ách trên vai, kéo cày, cộ lúa trên cánh đồng Trâu trăm năm thăng trầm biến đổi. Ngày ngày làm lụng vất vả, đêm về nằm nhai rơm, đôi mắt trâu như ngẫm nghĩ sự đời mà không chút buồn phiền cũng không chút tính toan. Đời người gắn bó với đời trâu sao mà đẹp một cách bình yên, giản dị và thân thương đến vậy!

Nhưng rồi mùa chinh chiến đổ lửa đồng Trâu, người ta bỏ ruộng vườn tứ tán khắp nơi để tản cư. Những con trâu dẫu là gia sản quý báu nhưng trong thời buổi bom đạn vô tình, khó mà đem chúng đi theo trong cuộc chạy loạn. Vậy nên cả làng gom trâu lại gửi hết cho ông nội tôi, để ông làm người len trâu, dắt chúng về vùng đất cao ráo núi đồi ven biên giới tránh nước lũ tràn về, kiếm nơi gò cao còn cỏ để trâu ăn, lại vừa là nơi núi đồi tránh đi bom đạn.

Ông nội kể rằng, cuộc len ấy kéo dài hàng mấy tháng trời mới xong, ông lại đưa trâu về đồng. Hễ yên bình thì dân trở về cày cấy, cùng những con trâu ra ruộng. Nhưng nếu nước nổi về hoặc bom cày dữ quá thì ông lại tiếp tục len trâu đi. Những mùa đi không nói trước được bao giờ, cứ liên tiếp gối lên nhau như cuộc tha phương cầu thực của những con trâu đồng đất.

Những mùa len đã đưa ông nội qua nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều người và cũng chính trong hoàn cảnh đó, ông đã đánh không biết bao nhiêu chuyến xe trâu trong đêm để tải thương, tải đạn. Ông nội không nhớ hết, ông cũng không lý giải nhiều, chỉ biết rằng những tháng năm ấy, lòng mình dậy lên một nỗi niềm yêu quê hương da diết, nỗi niềm ấy dậy lên mãnh liệt hơn từ khi con trâu trong đàn bị pháo giặc rơi trúng.

Những con trâu chạy tán loạn, số trở về với bầy sau đợt pháo, số chết, số mất tích không biết nơi đâu. Lòng căm giận và nỗi đau quê hương tràn bóng giặc đã thôi thúc ông tôi chiến đấu. Người nông dân quanh năm theo nghiệp len trâu, tay trắng, không có súng đạn để đánh giặc nhưng ông có bầy trâu. Trâu đi tải thương, trâu đi tải đạn... Trâu thành dũng sĩ, trâu thành “chiến xa”… Và không ít con trâu đã hy sinh cho đồng Trâu không còn tiếng súng. Chúng ở lại đâu đó trên chuyến đi len, ông nội chôn chúng dọc theo những con đường từ đồng Trâu về miền đất cao phía tây biên giới. Những ngôi mộ được đắp hằng năm sau mỗi lần ông len trâu đến. Có mộ lâu ngày mất dấu phẳng lì, nhưng cứ đi ngang nơi chôn con một, con hai... ông lại nghe như trong thanh âm đất trời có tiếng chúng nghé ọ gọi nhau, gọi ông, gọi vọng về miền quê đồng bằng phù sa xanh thẫm, nơi có cánh đồng Trâu, con mương Trâu và những người thân yêu. Ông nội hay nói rằng, tụi trâu ắt cũng đau xót ly hương!

Cha tôi không có nhiều ký ức về mùa len trâu như ông nội nhưng cha vẫn không sao quên được những ngày xưa cũ, đi học đường làng quá giang xe trâu đủng đỉnh đi về trong ánh nắng chiều nhập nhoạng. Cha vẫn không sao quên con trâu đực-người bạn lớn lên cùng cha từ thuở bé. Đực già quá nên đuối sức trên đồng. Nó không thể về nhà được nữa nhưng nó vẫn mừng rơn khi ông nội dắt cha vào thăm, đôi mắt chớp mi, nó rơi xuống hai giọt nước mắt rồi mới qua đời. Cha vẫn không thôi nhớ, nhiều lúc nửa đêm giật mình ngồi dậy, chạy ra chuồng xem mẻ un trâu có còn khói hay không. Và bây giờ, mỗi lần đi ngang qua cái gò đất cao giữa đồng, nơi ông nội bốc cốt mấy đôi trâu len đem về chôn, cha vẫn không sao giấu được nỗi xúc động trong lòng.

Tôi không có nhiều ký ức với trâu như ông nội và cha, nhưng tôi không thể nào quên những bài đồng dao ông nội dạy: “Con trâu có một hàm răng. Ăn cỏ đồng bằng, uống nước bờ ao...”. Những câu chuyện kể của ông nội làm tôi-một đứa không có nhiều cơ hội gắn bó với trâu-cảm thấy yêu mến trâu, yêu mến động vật và thiên nhiên một cách đầy ắp nghĩa tình. Và ký ức của tôi cũng có một vùng đất phù sa xanh tốt dành cho mương Trâu, đó là câu chuyện của ông nội, ký ức của cha và những khung trời của trí tưởng tượng tuổi thơ tôi, về một đàn trâu rừng năm xưa từng ra đây uống nước.

Trong ký ức của mỗi người sẽ có một khoảng dành cho những cái tên. Và ông bà xưa, ông bà nội, cha tôi và tôi, ai ai cũng có một ký ức nào đó gắn liền với mương Trâu. Để khi nhắc đến, sẽ thấy mở ra một khoảng lòng, mênh mông và lay động! Mương Trâu bắt đầu từ dạo đó!

Tùy bút của LINH AN

(*) láng: một vùng đất thấp khá rộng, chứa nước do tự nhiên mà thành, thường có nhiều tôm, cá.