Mùa nước sông lên cũng là lúc rắn rết, ếch nhái, giun dế phải nhảy hết lên bờ tìm chỗ trú ngụ. Thế nên những tay thích săn các loại này lại tha hồ bận rộn cả ngày lẫn đêm, từ lúc đi săn đến khi mang về nhà tận hưởng thành quả thu được. Tôi chỉ thích bắt giun về cho ngan ăn, vì đàn ngan trâu chả mấy khi được ăn no nê món giun ưa thích. Mùa nước sông lên, giun bò lổm ngổm khắp các mặt đường bãi. Giun nhiều đến nỗi nếu ai sợ loài này chắc sẽ không dám bén mảng lên đê, xuống bãi chứ đừng nói động đến chúng.
Mùa nước sông lên năm nào cũng có, nhưng gần như chẳng bao giờ hẹn trước. Tôi nhớ có lần đi học về, chưa kịp cơm trưa thì lại phải chạy ngay xuống bãi Hàn Cầu giúp mẹ nhổ gấp ruộng lạc chưa kịp già. Dù lạc vẫn còn non cũng đành phải thu hoạch, không thì mất trắng giữa lúc nước sông dâng lên từng giờ. Những ngày như thế, không khí trên bãi chẳng khác gì ngày hội, vì nhà nhà, người người đều phải tranh thủ thu hoạch chống lụt.
 |
Minh họa: LÊ HẢI. |
Mùa nước sông lên, thương con đò oằn mình chở khách qua sông. Nếu nước sông lên đến lưng đê, bề rộng của sông phải gấp ba, bốn lần ngày thường. Bờ đê lúc ấy trở thành bến đò tạm nên mỗi lượt qua sông rất mất thời gian. Dòng chảy xiết khiến cho con đò phải theo một hành trình chéo qua sông, đến sát bờ bên kia thì rẽ trái, rồi ngược dòng men theo bờ mới về được đích đến. Mất thời gian hơn, nhiên liệu, sức người cũng vậy, kèm theo đó là mức độ nguy hiểm đối với người trên đò. Nhưng biết làm sao được khi đò là phương tiện vận chuyển duy nhất lúc bấy giờ, khi mà chưa có cây cầu nào bắc qua sông. Thuyền chạy máy đã vậy, nên tôi chưa thể tưởng tượng ngày trước nữa, những chuyến đò chèo bằng tay không để qua sông mùa lụt sẽ vất vả đến nhường nào.
Mùa nước sông lên cũng có nhiều cái hay. Chiều về, người người đổ lên đê xem nước lên, hoặc ngó xem rút được ngần nào. Hoặc đơn giản chỉ là để trò chuyện, hóng mát. Đặc biệt, có người ngồi được hàng giờ chỉ để xem những chuyến đò chở khách qua sông như một thú vui hiếm có khó tìm. Mùa nước sông lên, sông được thay một đợt nước mới cho cánh trẻ con cùng trâu bò được tắm thỏa thích. Nước mưa từ thượng nguồn đổ về mang theo một thứ hương vị mới, vừa ngai ngái, vừa man mát. Thích nhất có lẽ vẫn là những cú nhảy bổ từ lan can bể xả hoặc từ cống lớn xuống mặt nước dâng cao, một thú vui lâu rồi tôi cũng chưa có dịp trải nghiệm lại.
Mùa nước sông lên, khi nước rút, dù để lại lớp phù sa trên những sân bóng rìa sông khiến chúng tôi khá khó chịu vì lại phải chờ đợi một thời gian để nó khô thì mới tiếp tục đá bóng được, nhưng chính lớp phù sa ấy đã mang lại màu mỡ cho bà con dân làng. Trên hết là sự màu mỡ cho cây cối ngoài bãi tốt tươi, sinh trưởng. Sau đó, chính lớp phù sa ấy đã được bà con thuê chở về để tân ao, tân vườn nhà mình. Tôi còn nhớ thời điểm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, những chuyến xe ngựa cứ rồng rắn nối đuôi nhau chở đất phù sa từ bãi sông về làng mà có cảm tưởng mãi không vơi.
Mùa nước sông lên, nay con đê làng đã kiên cố gấp nhiều lần, rộng hơn, cao hơn, nói chung chắc chắn hơn rất nhiều so với thời trước, mặt đê đổ bê tông dày từ gần chục năm nay nên nếu nước sông có lên to cũng không đáng sợ. Tốc độ xây dựng chóng mặt kéo theo tình trạng khai thác cát triệt để cũng khiến cho lòng sông sâu hơn, nên giờ nước sông lên to như trước là chuyện hiếm, may ra nước chỉ lên đến sát chân đê là cùng.
Không ai muốn chạy trời thu hoạch cây trồng sớm, không ai muốn dầm mình dưới nước lụt hái dâu, cũng chẳng ai muốn sang sông trên những con đò oằn mình dưới dòng nước dữ... Nhưng đôi khi tôi vẫn mong được một lần chứng kiến lại cảnh nước sông lên to như trước, để cho những kỷ niệm tuổi thơ thế hệ chúng tôi ùa về...
Tản văn của NGÔ QUÝ CHUNG