Cảm nhận về thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, PGS, TS, nhà văn Ngô Văn Giá chia sẻ, con đường thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ có hai giai đoạn, đó là giai đoạn của những năm chống Mỹ, chị viết những vần thơ về chiến tranh, tình yêu… vô cùng trong trẻo, thanh khiết. Nhưng điều thú vị nhất ở nữ thi sĩ này là chị đã tìm được những khoảnh khắc bình yên của chiến tranh để sáng tác chứ không miêu tả sự khốc liệt của chiến tranh.

Nhà thơ đã miêu tả những phút giây thanh bình, rất nữ tính và đặc biệt nhìn hố bom và tội ác chiến tranh cũng như vết thương chiến tranh bằng cái nhìn rất phụ nữ, theo hướng để hàn gắn, xoa dịu nỗi đau chiến tranh chứ không phải nhìn chiến tranh theo kiểu tuyệt vọng, căm thù.

Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” là một cách viết về chiến tranh không theo hướng đau thương, căm thù mà theo hướng rất nữ tính, qua góc nhìn của người phụ nữ trẻ, giàu lòng yêu thương.

leftcenterrightdel

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Ảnh: Facebook nhân vật

Giai đoạn thơ thứ hai của Lâm Thị Mỹ Dạ là sau chiến tranh, chị hay viết về phận người, nỗi đời và những số phận, những điều vô thường của đời sống. Tác giả đã bộc lộ niềm khao khát một tình yêu tuyệt đích, viên mãn nhưng chị cũng biết là không bao giờ có được. Trong thơ, chị thể hiện khao khát tình yêu vô cùng đẹp đẽ nhưng bằng giọng thơ rất buồn, có điều mỗi vần thơ của chị gửi gắm những triết lý rất sâu sắc về đời sống, giúp cho người đọc thấy những điều bất toàn để mọi người được sống chủ động hơn, sâu sắc hơn.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn khi nghe tin nữ thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ rời bỏ thế gian về cõi vĩnh hằng.

Từ nhiều năm trước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã gọi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là một “thiên thần” bay xuống trần gian bởi gương mặt chị đẹp và thánh thiện, tâm hồn chị trong sáng vô ngần và bởi những câu thơ của chị luôn vang lên như những khúc ca của yêu thương, dịu dàng và mang một vẻ đẹp mong manh nhưng đầy lan tỏa.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: Hình như chị xuống thế gian này chỉ để hiển hiện một gương mặt đẹp, một tâm hồn trong sáng và để vang lên những câu thơ của yêu thương và che chở. Ngay cả những câu thơ chị viết về những mất mát trong chiến tranh cũng vang lên vẻ đẹp ấy. Trong bài thơ nổi tiếng “Khoảng trời, hố bom”, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ viết:

"Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em

Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ

Đất nước mình nhân hậu

Có nước trời xoa dịu vết thương đau"

“Lúc này, tôi mang cảm giác mọi bông hoa đang nở trong mùa hạ đều mang vẻ đẹp của gương mặt chị, của tâm hồn chị và của thơ ca chị”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình, sống cùng chồng - nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường tại Huế. Bà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978, từng học Trường viết văn Nguyễn Du; tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ), Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và IV.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là tác giả của nhiều tác phẩm thơ, truyện thiếu nhi được độc giả nhiều thế hệ yêu thích. Các tác phẩm chính của nhà thơ đã xuất bản gồm: “Khoảng trời, hố bom” (thơ, 1972), "Trái tim sinh nở" (thơ, 1974), “Chuyện cổ nước mình” (thơ, 1978), "Bài thơ không năm tháng" (thơ, 1983), "Danh ca của đất" (truyện thiếu nhi, 1984), "Nai con và dòng suối" (truyện thiếu nhi, 1987), "Phần thưởng muôn đời" (truyện thiếu nhi, 1987)…

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng giành giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971-1973; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Bài thơ không năm tháng”; Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999; Giải A thể loại thơ Giải thưởng văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật với 3 tập thơ: “Trái tim sinh nở” (1974), “Bài thơ không năm tháng” (1983), “Đề tặng một giấc mơ” (1988). Năm 2005, tập thơ “Cốm non” (Green rice) của bà được dịch ra tiếng Anh, in và phát hành tại Mỹ.


GIA KHÁNH