Ra trường, ông về công tác tại Viện Dân tộc học. Những tưởng sẽ gắn bó với ngành sử học, nhưng ngã rẽ của số phận lại đưa ông gắn bó với văn chương khi nhập ngũ, tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 rồi về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trải qua 4 thập kỷ làm nghề, ông đã hình thành nên phong cách phê bình của riêng mình như lời tâm sự về nghề dưới đây: “Theo tôi, một nhà phê bình giỏi phải hội tụ được ba đức tính: Nhạy cảm, trung thực và nhân ái. Trên hành trình tu rèn ba đức tính ấy, bằng những bài viết của mình, tôi nghiêng về phía khích lệ, động viên các cây bút mới. Tôi cũng quan tâm tới số phận của các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn đã cống hiến máu xương của mình trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc vì độc lập tự do và thống nhất đất nước, vì một nền văn học Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc. Tôi rất thích nghe vỗ tay, nhưng tôi cũng rất sợ những tiếng vỗ tay không đúng lúc, đúng chỗ”.

 Đại tá, nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình (ngồi thứ ba, từ trái sang) và các nhà văn Quân đội thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lừa (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận).Ảnh do nhân vật cung cấp 

Đúng như lời tâm sự ấy, nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình đã dành cả cuộc đời, sự nghiệp phê bình văn học của mình để nghiên cứu về văn học cách mạng, về các nhà văn Quân đội, đặc biệt là các nhà văn mặc áo lính ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Mặc dù các nhà văn (và tác phẩm của họ) ở “Nhà số 4” (số 4 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội-trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội) từ lâu đã là những đối tượng nghiên cứu văn học của nhiều thế hệ nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhưng giữa “một rừng” bài viết, công trình nghiên cứu về Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thi, Chu Lai, Lê Lựu... những bài phê bình của ông vẫn có chất riêng, vẫn tạo nên sự thú vị, bất ngờ cho người đọc. Ông có biệt tài chộp lấy, ghi lại những khoảnh khắc vui nhộn của mỗi nhà văn. Viết về Vũ Cao, Ngô Vĩnh Bình đã dựng lên chân dung tác giả “Núi đôi” với những chi tiết đặc tả như thói quen... rung đùi, đôi giày quá khổ, nụ cười sảng khoái. Miêu tả Duy Khán, ông chớp lấy những khoảnh khắc rất đáng yêu của nhà thơ khi ôm cây khóc than rằng “Thiên nhiên ơi ta yêu người hơn máy móc”. Bằng những chi tiết như thế, hình ảnh các nhà văn, nhà thơ Quân đội vừa thông minh vừa hóm hỉnh, vừa gần gũi, ấm áp vừa xuề xòa, giản dị lần lượt đã hiện lên đầy sinh động dưới ngòi bút của ông.

Với “đặc trưng nghề nghiệp” của một người được đào tạo bài bản về sử, nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình từ lâu được coi là “vua tư liệu” của “Nhà số 4”. Ông có nhiều tư liệu gốc, quý về các nhà văn. Muốn xin một tấm ảnh chân dung, một tác phẩm, tiểu sử, hay muốn nghe một “giai thoại” về các nhà văn ở “Nhà số 4” nói riêng và các nhà văn Quân đội nói chung, nhiều người đã nghĩ ngay đến ông như một địa chỉ tin cậy đã được bảo chứng. Những tư liệu ông có đã góp phần xác tín trong việc bạch hóa những “nghi án”, những “khoảng trống” trong văn chương. Ví như ông đã bác bỏ nhận định cho rằng, Hoàng Lộc là hiện tượng “nhà thơ một bài” một cách thuyết phục bằng hàng loạt chứng cứ không thể đáng tin cậy hơn như việc dẫn ra mục cáo phó Hoàng Lộc trên tờ Báo Vệ quốc quân (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân) số 58, 59 xuất bản tháng 12-1949 có nhắc đến một tác phẩm khác của ông là tập bút ký “Chặt gọng kìm đường số 4” hay tập thơ “Lời thông điệp” được nhạc sĩ Văn Cao vẽ bìa, in năm 1946 của nhà thơ đoản mệnh này. Ông là người biên soạn hoặc tham gia biên soạn những tổng tập, tuyển tập nhà văn Quân đội dày dặn, công phu có giá trị cao về tư liệu như “Tổng tập nhà văn Quân đội” (5 tập), “Thanh Tịnh văn và đời”, “Thanh Tịnh qua giai thoại”, “Thanh Tịnh như tôi biết”, “Xuân Thiều toàn tập” (bộ 4 tập), “Duy Khán tuyển văn xuôi và thơ”, “Trần Đăng con người và tác phẩm”...

Tạo dựng tên tuổi ở lĩnh vực phê bình, nhưng vì công việc và niềm đam mê, ông đã có những lần “lấn sân” một cách “sòng phẳng” sang lĩnh vực văn xuôi. Cho đến nay, ông là tác giả của tập ký, tản văn như “Từ bến sông Yên”, “Hà Nội đến... và thấy”, “Nơi con chim bay bạc đầu chưa tới”... Bằng giọng văn trong sáng, giản dị và hóm hỉnh cùng nguồn tư liệu dồi dào, độc đáo được tích lũy từ sách vở và những chuyến đi điền dã, thực tế, các tác phẩm bút ký, tản văn của ông đã góp phần làm phong phú thêm vẻ đẹp của người lính cụ Hồ và Hà Nội-hai mảng đề tài ông yêu tha thiết.

Cả cuộc đời gắn bó với các nhà văn mặc áo lính, với Tạp chí Văn nghệ Quân đội, bằng những công trình và giải thưởng văn học uy tín của Bộ Quốc phòng, nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình có thể nói đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của người lưu giữ ký ức ở “Nhà số 4”.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM