Cùng với hoa lá chim muông, mùa trái chín đem lại cho miền cao nguyên một sức hấp dẫn khó cưỡng, tô đậm thêm tình cảm quê hương của con người nơi đây cũng như say đắm lòng những vị khách ghé thăm.
Đất đai ở vùng cao nguyên “nắng bụi mưa bùn” này thật lạ. Chỉ cần trồng cây và chăm sóc đầy đủ, cây sẽ lớn nhanh, xanh tốt và ra hoa kết trái như đền đáp lại con người. Mùa mưa, những giọt nước mưa mát lành nuôi dưỡng thân cành, tạo và nuôi lớn những quả non. Sau Tết, trong những ngày nắng nóng của mùa khô, quả bắt đầu mọng dần và căng chín. Đến Tây Nguyên những ngày này, bạn sẽ gặp những vườn xoài sai trĩu quả, vàng rực những quả xoài chín cây; những vườn bơ lúc lỉu trái hứa hẹn những quả bơ béo ngậy, ngon lành. Rồi thì mít, mận, ổi, sầu riêng, cả trái cây từ nơi khác mới được trồng ở Tây Nguyên mấy năm gần đây cũng đã sẵn sàng cho những mùa quả ngọt. Cây trái quê hương đã nuôi lớn những người con của vùng đất đỏ, làm sáng lên trong tâm hồn họ một sự gắn bó, tự hào về vùng đất thân yêu.
 |
Minh họa: LÊ HẢI |
Lũ trẻ chúng tôi đã lớn lên trong mùi hương và vị ngọt của những loài cây mộc mạc quê nhà. Những cây ổi nghiêng mình xuống bờ ao quanh những ngôi nhà trong xóm. Từ lúc chùm hoa ổi nở trắng rồi kết trái, chúng tôi luôn dõi theo “canh chừng”. Trái già xanh thẫm, nhạt màu dần khi “chua” và bóng căng, trắng màu hơn khi đã chín. Thường với trái đầu mùa, bọn trẻ không đủ kiên nhẫn chờ lâu mà hái ăn khi vừa chua. Ăn xoài chua hái trên cây với chút muối ớt thì thật tuyệt. Vườn nhà còn có mận, ổi, khế,… bao nhiêu thứ mà chỉ nghe thôi đã kích thích vị giác. Những quả xoài chín cây vàng rực nổi lên giữa màu xanh cây lá và màu vàng tươi của nắng. Những trái vú sữa xanh bóng, tím thẫm lung linh giữa những chòm lá hai màu độc đáo. Những cây mít chi chít quả từ gốc. Những quả mít đầy gai sẽ giãn dần, người ta hay gọi là “nở gai” để dần chín, tỏa ra một mùi thơm dễ chịu. Sống giữa những khu vườn đầy cây trái nên món quà vặt của tuổi học trò khi đó cũng là những túi khế chua, xoài non, ổi, mận kèm theo chút muối, đôi khi lại có cả trái mít... Sau này, khi đã học lên trung học, những khu vườn đầy trái cây nơi đây cũng luôn hấp dẫn bạn bè chốn thị thành. Những ngày cuối tuần, các bạn xuôi xe đạp xuống chơi và đem về những chùm trái cây chín mọng chất đầy giỏ xe.
Theo thời gian, những vườn cây trái nhỏ lẻ dần được phá đi để lấy ánh nắng trồng rau. Người ta bắt đầu trồng những loại cây thương vụ, đem lại giá trị kinh tế cao. Những loại cây dân dã thôn quê vẫn còn nhưng được quy hoạch lại khoa học hơn, cùng với những trang trại trồng nhiều loại cây trái mới xuất hiện. Gia Lai bây giờ bên cạnh màu xanh của cây lá, màu đỏ hoa phượng, màu tím bằng lăng, màu vàng hoa muồng, hoa hoàng yến... là bao nhiêu cây trái đem lại sự trù phú, ấm no cho địa phương. Với lợi thế về khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, có mùa hơi lạnh nên nơi đây hầu như có đủ loại trái cây của khắp các miền góp mặt. Từ sầu riêng, măng cụt của phương Nam đến vải, nhãn từ phía Bắc, thanh long, cam của miền Trung và bao nhiêu đặc sản miền cao nguyên đất đỏ. Những mùa trái chín nối tiếp nhau đã cải thiện cuộc sống người dân, đem lại một vẻ thanh bình, yên ả.
Dọc trên các con đường của vùng đất Gia Lai, những mùa trái đang chín rộ. Từ trong những lùm cây lá sum suê, từng đàn chim kéo nhau về làm tổ. Đất phì nhiêu, người dân cần cù, mong sao những yếu tố khách quan luôn thuận lợi để vùng cao nguyên này mỗi ngày thêm khởi sắc, để nụ cười luôn trên môi người nông dân khi nhìn thấy cây mình chăm trồng đang cho những mùa quả ngọt.
Tản văn của NGUYỄN THỊ THÚY ÁI