Sau khi dạo một vòng, bao giờ cũng vậy, tôi dừng lại ở gốc mít nằm góc vườn. Hít căng vào lồng ngực không khí trong lành, thơm dịu.
Khi tôi lớn lên, cây mít đã có rồi. Trong khu vườn, cây mít lầm lũi đứng tách biệt với những loại cây khác. Tán cây không rộng như nhãn, xoài mà mọc khum lên với những chùm lá dày như ngọn lửa xanh cuộn cháy trên nền trời. Năm ấy, mít không đậu nhiều. Cả cây chỉ có đôi ba quả mà lại còi cọc, gặp trận mưa rụng hết xuống gốc. Nhặt từng quả mít nhỏ, bà tôi xót xa, tiếc rẻ. Bà kéo tôi ra hiên nhà, dạy tôi bài “khảo mít”. Rồi lựa đúng ngày Tết Đoan Ngọ, bà cháu tôi cùng nhau ra vườn. Tôi trèo lên cây mít, chọn thân lớn, chắc chắn, có nhiều lá che phủ để ngồi. Phía dưới gốc, bà cầm thanh tre lớn ngước lên gọi:
- Mít kia?
Tôi vắt vẻo trên cây, giả giọng mít thưa:
- Dạ!
- Năm sau mày có ra quả không?
- Không ạ!
- Không ra thì bà đánh cho mày chừa! Nói rồi bà cầm gậy đập liên tục vào thân cây mít.
Tôi kêu lên:
- Đau quá! Đau quá! Con ra nhiều quả ạ!
- Quả có to không?
- Dạ, to bằng cái thúng ạ!
- Nhớ đấy, năm sau mà không ra quả là bà đánh nghe chưa?
- Con nhớ rồi ạ!
 |
Ảnh minh họa/baokhanhhoa.vn. |
Cuộc “khảo mít” kết thúc, bà đón tôi đang lò dò tụt xuống từ thân cây. Hai bà cháu tiếp tục phát quang, dọn cỏ quanh gốc mít. Từng đám cỏ trong tay tôi rễ bật khỏi đất, tung lên lớp bụi mờ. Gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên má, tôi ngước lên nhìn bà, ngây thơ hỏi: “Vậy là năm sau cả nhà có mít ăn rồi bà nhỉ?”... Bà cười, chỉ tay lên cành nói: “Có chứ, mít hứa với bà rồi mà”. Trong ánh nắng vàng rộm, những chiếc lá non trên cây khẽ rung rinh trước gió.
Vậy mà năm sau, mít ra nhiều quả thật. Hơn hai chục quả lúc lỉu trên thân cây. Những quả mít to dần trong mắt trẻ thơ, thấp thoáng ken dày dưới chiếc lá mít xanh thẫm. Chiều hè, tôi cùng đám bạn rủ nhau chơi đùa trong vườn. Hết chơi trận giả lại hò nhau làm trâu lá mít để chọi. Các anh lớn dạy bọn nhỏ chọn lá mít vừa tầm, không quá già sẽ làm nứt, rách trâu, cũng không quá non để đến nỗi chưa lâm trận đã mềm oặt. Bàn tay nhỏ cẩn thận tách hai phía lá gần cuống theo đường gân để tạo hình cho sừng trâu. Đoạn lá mít còn lại được cuộn tròn, buộc giữa thành hình trụ làm bụng trâu. Chúng tôi lấy lõi rơm đã tuốt buộc vào đầu cuống lá rồi luồn qua bụng trâu như chiếc dây thừng thuần hóa chú trâu nhỏ. Vậy là, chỉ ít phút thôi, hàng chục chú trâu đủ hình dáng ra đời. Đứa khéo tay thì sừng đều, vút nhọn, bụng thuôn dài về đuôi, đứa vụng thì sừng to, nham nhở, bụng bè bè như trâu chửa.
Trâu lá mít hoàn thành xong, cả nhóm chia cặp thách đấu. “Chủ trâu” điều khiển trâu lá mít lao vào chiếm thế chủ động rồi giật mạnh dây rơm làm cuống lá mít theo đà gập xuống. Hai chiếc sừng trâu lập tức giương lên ghì chặt đối thủ. Trâu lá mít dưới đôi bàn tay nhỏ cứ thế trổ hết các ngón đòn móc, ghì, đập hướng về đối thủ. Trâu nào sứt mẻ, tuột dây chấp nhận thua. Có “chủ trâu” ham quá, chưa vào chiến đấu đã giật mạnh dây rơm, gập cuống lá mít làm trâu rách tan.
Đang mải chơi, chúng tôi giật mình vì tiếng gọi của bà. Đám trẻ nhỏ tưởng bị mắng vì nghịch lá mít, vừa định ù té chạy thì bà vội gọi lại: “Mấy đứa vào nhà, bà bổ mít sẵn rồi đấy!”. Biết mình nhầm, cả lũ gãi đầu gãi tai, đùn đẩy nhau bước thấp bước cao theo bà. Vừa bước vào sân, mùi mít chín đã tỏa hương ngào ngạt. Bên hiên nhà, bà bày sẵn những múi mít vàng ươm đã được lót lá mướp đặt cẩn thận trên chiếc giần nhỏ. Sắp nhỏ quây lại, tranh nhau những múi mít thơm ngọt. Chốc chốc lại có tiếng cười rộn làm náo động hiên nhà. Ngoài sân, nắng chiều nhạt dần, gió từ ngoài ao cuộn vào mát lành.
PHƯƠNG NGUYÊN