Những câu hỏi ấy theo mình suốt những năm tháng tuổi thơ, mà khi lớn lên mình vẫn không sao lý giải được. Nhưng mình tin, đất không phải một thứ vật chất vô tri vô giác, đất cũng như người, cũng có linh hồn và tình cảm.
Lớn lên mình mới nhận ra rằng, từ thời cổ đại xa xưa, người ta đã có quan niệm tất cả vạn vật đều phát sinh và trải qua 5 trạng thái của ngũ hành (tức là 5 nguyên tố cơ bản của vũ trụ) gồm: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Trong đó, thổ (tức đất) đóng vai trò ươm trồng, nuôi dưỡng và phát triển, nơi “sinh ký tử quy” của mọi sinh vật. Thổ nuôi dưỡng, hỗ trợ và tương tác với từng hành khác tạo nên vũ trụ và sự sống... Phật giáo thì cho rằng, cơ thể và sự sống hình thành bởi "tứ đại" (4 thành tố lớn, mang ý nghĩa chính nhất) bao gồm đất, nước, gió và lửa. Điều đó cho thấy rằng, từ xa xưa, trong quan niệm dân gian hay trong quan niệm tâm linh, thì đất đóng một vai trò hết sức quan trọng và lớn lao. Nhưng sự lớn lao đó lại hết sức gần gũi với con người, bởi đất có ở đâu xa, đất được xem là người mẹ: Mẹ đất, mẹ quê hương, mẹ xứ sở...
 |
Minh họa: TÔ NGỌC |
Chính vì vậy mà khi càng lớn tuổi, người ta càng hoài niệm về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Chắc rằng từ rất xa xưa, ông bà ta đã có tục đem nhau thai và dây rốn đứa trẻ chôn trên mảnh đất nhà, hoặc chôn ở nơi đứa trẻ sinh ra để tạo nên bản quán của một con người. Sự kết nối giữa mẹ và con, sợi dây rốn dinh dưỡng và tấm lá nhau thai bao bọc đứa trẻ suốt 9 tháng ròng trong bụng mẹ được hòa vào đất. Có lẽ vậy mà người ta hay gọi là “đất mẹ”, mà mỗi khi nhắc đến, lòng chợt thấy ứa đầy nỗi nhớ, nỗi thiêng liêng như tiếng vọng sâu thẳm từ tận đáy lòng mình.
Đất là mẹ, đất nâng đỡ từng bước chân của những đứa con thơ và ươm mật phù sa cho bao mùa cây xanh trái ngọt. Phải chăng, đất mẹ thẳm sâu cũng có linh hồn và cũng bao dung với tất cả những đứa con của mình, như chính người mẹ nào cũng vậy!
Ông bà xưa dạy rằng, trẻ sơ sinh khi vừa mang về đến nhà thì đặt nó nằm xuống đất mẹ một chút, trước khi đặt lên giường. Vì làm vậy đứa trẻ sẽ hấp thụ được sinh khí của đất mà lớn lên rắn rỏi, sung túc như đất vậy. Đứa trẻ đủ một năm, người ta làm lễ mừng và bày ra một mâm đồ vật cho trẻ lựa chọn, để từ đó mà đoán nghề tương lai của trẻ. Chắc chắn rằng trong mâm bao thứ đồ đạc đại diện trăm nghề thì vẫn không thể nào thiếu viên đất. Rồi khi đứa trẻ lớn lên, người quê cũng quan niệm không nên nhốt nó mãi trong nhà mà nên cho nó ra đất, ra đồng mà chơi, lăn lộn đất vậy mà mạnh giỏi. Tuổi thơ của bao thế hệ người con đất Việt ngay từ nhỏ đã gắn bó với đất, với ruộng vườn. Nằm trên đất mà ngủ, ngồi trên đất mà ăn, lấy đất nặn thành đồ chơi và vẽ chữ trên đất để đánh vần. Lịch sử đã chứng minh, biết bao anh hùng hào kiệt của dân tộc đều có xuất thân từ những đứa trẻ gắn liền với đất đai đồng ruộng. Những đứa trẻ lớn lên trên mảnh đất quê mùa nhưng lại rất đỗi tài ba, nghĩa hiệp và hào phóng như chính mảnh đất quê hương vậy.
Nhiều vùng quê đất Việt có tục ở nhà đất. Người miền núi phía Bắc thường dùng đất trộn với rơm để làm vách nhà. Những bức vách đơn sơ vậy mà vô cùng ấm cúng, cách nhiệt tốt, tạo không khí trong nhà luôn mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Phải chăng những viên gạch đất nung sau này, cũng xuất phát từ những vách đất làm nhà, làm rào và làm chiến lũy. Với người Nam Bộ, ngoài ngôi nhà sàn đặc trưng ở các vùng ven sông nhằm để chống lũ, thì ở những nơi cao ráo, ít chịu ảnh hưởng bởi mùa lũ, người ta vẫn chuộng nhà nền đất. Nhà nào khá giả thì đắp nền cao ráo, tưới muối, nện nền trong một thời gian dài trước khi dựng nhà, nhằm để nền đất cứng cáp và vững chắc. Mưa gió và ngập lụt vẫn không bị xói mòn, trôi đất. Nhà nào không có điều kiện thì cứ xuống sông hoặc kênh rạch mà moi đất sét lên đắp, dần dà cũng thành nền. Những nền đất lâu năm, bong rộp, nổi lên từng cục tròn như một nửa quả trứng nằm úp. Nhà nào có đất nổi lên, được xem là “điềm lành” vì cất nhà ngay trên "lưng rồng". Những lớp vảy rồng nổi mang đến niềm tự hào và cũng là biết bao ký ức. Đất là vậy, ở gần mến tay mến chân, hơi bùn hơi đất hòa quện, trở thành hơi thở của hoài niệm về một thời đơn sơ mà đầy đủ.
Hành trang của những cư dân đầu tiên đi mở cõi phương Nam chỉ có chiếc xuồng con, cái cà ràng và nồi đất. Dần dà niêu, siêu, chén, dĩa... cũng từ đất mà ra đời. Có lẽ vậy mà từ thuở khai hoang cho đến thời hiện đại ngày nay, những món ăn dân dã của đồng đất phương Nam, từ nước mắm kho quẹt, cá kho cho đến bánh khọt hay thuốc thang, thì chỉ nấu bằng vật dụng làm từ đất mới giữ được đúng hồn cốt và độ chín hoàn hảo!
Đất nuôi người ta lớn lên, đất dựng nhà, trải ruộng đồng xanh tốt, đất lại trở thành bao vật dụng thân quen. Đất chưa bao giờ ngơi nghỉ, đất lại cùng với nhân dân chung tay vào những cuộc trường chinh chống giặc. Khói lửa ngập tràn, đất cháy tan hoang, rồi đất lại hồi sinh nên những bản làng, thôn xóm. Đất lại nhận về những hạt phù sa, những luống cày bật lên trái pháo, viên đạn nhưng vẫn không sao ngăn đất ươm “mật sữa” mỡ màu cho cây xanh, trái trĩu. Những vùng “đất trắng” bởi chất hóa học hủy diệt của quân thù trút xuống nhưng sự khốc liệt vẫn không cách nào ngăn được những địa đạo, những chiến hào như mạch máu âm thầm chảy trong lòng đất mẹ. Đất hứng chịu đạn bom để rồi mấy mươi năm sau chiến tranh, chỗ vết thương ấy hóa thành hồ nước, hoa sen, hoa súng mọc xanh tươi, bầy lòng ròng đỏ au tung tăng ngớp nước. Đất mẹ bình yên, và khắp nẻo chiến trường đều có những đứa con nằm lại trong lòng bao dung của đất mẹ. Để ở quê hương, đâu đâu đất cũng có linh hồn!
Người ta sống trên đất và quan niệm rằng khi ra đi cũng là trở về với đất mẹ. Quan niệm ấy nhằm để sự mất mát phần nào nhẹ đi. Trở về với đất-mẹ, là trở về với sự thân thuộc, sự chở che bao dung vô bờ bến. Có lẽ vậy mà trí tưởng tượng dân gian từ lâu đã tạo tác nên một thế giới muôn hình vạn trạng ở “dưới đất”, không thua kém gì đời thật. Phải chăng, tâm thức dân gian từ lâu đã gắn liền với đất, ngay cả cõi đến và đi của con người cũng từ đất mà ra...
Chắc vậy mà, những người con đi xa, dẫu có đến bao miền đất lạ, rồi thì cũng đau đáu một nẻo đất quay về. Bởi đất không ở đâu xa, đất ở ngay trong tiếng vọng thẳm sâu từ lòng người. Nơi lá nhau, cuống rốn đã từ lâu chôn sâu vào đất mà vẫn nối liền với ta, nuôi tâm hồn ta lớn lên như dưỡng chất mẹ nuôi con trẻ. Bởi đất cũng là một người mẹ, mẹ hồng hoang!
Tùy bút của LÊ QUANG TRẠNG