leftcenterrightdel
  Ông Trần Ngọc Khởi.

Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết, mô hình trại sáng tác hỗ trợ thế nào trong quá trình sáng tạo của nhà văn?

 Ông Trần Ngọc Khởi: Việc duy trì, phát triển hệ thống nhà sáng tác gắn với trại sáng tác thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho văn nghệ sĩ. Đối với các nhà văn, tham dự trại sáng tác là cơ hội để hoàn thiện tác phẩm, giao lưu trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp, tham quan thực tế, tiếp thu tri thức...

Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT có 7 tổ chức nhà sáng tác trực thuộc, trải khắp 3 miền. Tính từ năm 2015 đến 2021, Trung tâm tổ chức cho hơn 2.000 nhà văn tham dự các trại sáng tác, kết quả là có hơn 10.000 tác phẩm đã ra đời. Về cơ bản, những tác phẩm văn học ra đời tại các nhà sáng tác chứa đựng giá trị tinh thần yêu nước, nhân văn và tinh thần dân tộc. Nhiều tác phẩm xuất sắc đã được trao các giải thưởng của Trung ương và địa phương như: Tiểu thuyết “Mưa đỏ” (Chu Lai), tiểu thuyết “Xóm Chợ” (Nguyễn Hiền Lương), tiểu thuyết “Chuyện tình Phia Bjooc” (Bùi Thị Như Lan)...

PV: Bên cạnh tác động tích cực, có ý kiến nhận định một số trại sáng tác chất lượng chưa cao, việc lựa chọn trại viên chưa thực sự công bằng. Quan điểm của ông về những vấn đề này?

 Ông Trần Ngọc Khởi: Trách nhiệm của Trung tâm là nỗ lực sử dụng hiệu quả nguồn tài lực của Nhà nước để hỗ trợ nhà văn sáng tác. Việc lựa chọn trại viên thông qua tác phẩm đầu vào, thẩm định tác phẩm viết ở trại sáng tác thuộc thẩm quyền của các hội VHNT và các cơ quan, đơn vị khác.

Thực tế có lúc việc lựa chọn trại viên chưa công bằng, năng lực sáng tác trại viên hạn chế dẫn đến chất lượng tác phẩm không cao. Tuy nhiên, những trường hợp kể trên là rất ít; có thể khẳng định chất lượng các trại sáng tác do Trung tâm tổ chức là tốt, đại đa số nhà văn sau khi dự trại sáng tác đều để lại những tác phẩm tích cực.

Bên cạnh các trại viết do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác tổ chức, hiện nay nhiều hội VHNT địa phương đã tự mở trại viết nhờ sự quan tâm của địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa.

leftcenterrightdel

Các nhà văn và đại biểu trò chuyện tại lễ khai mạc trại sáng tác văn học do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức, tháng 8-2024. Ảnh: MỘC LAN

PV: Trong dự thảo nghị định về hoạt động văn học có đề cập đến hoạt động trại sáng tác. Ông có góp ý gì để luật hóa giúp hoạt động trại sáng tác văn học ngày một tốt hơn?

 Ông Trần Ngọc Khởi: Mỗi năm, Trung tâm tổ chức khoảng 60-70 trại sáng tác, trong đó trại sáng tác văn học chiếm số lượng áp đảo. Song nhu cầu của người viết muốn tham dự trại sáng tác vẫn rất lớn. Theo cách làm lâu nay, ấn định Hội VHNT Trung ương được tổ chức 2 trại/năm, các hội VHNT địa phương (tùy vào thực tế của từng năm và nhu cầu từng địa phương) tổ chức một trại trong hai năm. Theo tính toán, 7 nhà sáng tác vẫn có thể đáp ứng nhu cầu lên tới 100 trại/năm (tùy vào ngân sách cấp). Đó là chưa kể trại sáng tác mở ở địa phương. Do vậy, chúng tôi cho rằng nên luật hóa quy định là các hội VHNT địa phương được tổ chức 1 trại/năm.

Trong tuyển chọn trại viên nên quy định kỹ về quy trình, cách thức tuyển chọn trại viên để tạo ra sự công tâm, khách quan, trong đó đặt năng lực, trình độ trại viên lên hàng đầu. Thêm vào đó, cũng nên phân loại mục đích tổ chức trại sáng tác. Đa số sẽ là để hoàn thiện tác phẩm nhưng có trại cũng nên tổ chức hội nghị tập huấn để nhà văn cập nhật kiến thức, trao đổi “bếp núc” nghề nghiệp. 

Ngoài ra, cần sớm ban hành thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế kỹ thuật, mức hỗ trợ hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ nhằm khuyến khích các tài năng sáng tạo. Khi có thông tư quy định, việc tổ chức nhiều trại hơn, nhất là các hội VHNT địa phương có cơ sở để trình các cơ quan chức năng. Tránh tình trạng cấp không đủ, thậm chí là không cấp kinh phí khiến hội VHNT địa phương không thể tổ chức trại sáng tác.

Cùng với đó là vấn đề quảng bá tác phẩm. Theo quy định, định kỳ hai năm/lần, Trung tâm tổ chức phổ biến những tác phẩm, công trình VHNT có giá trị đã sáng tác tại nhà sáng tác. Nên chăng có thể giao Trung tâm chủ động thường xuyên quảng bá tác phẩm? Khi đã có cơ sở pháp lý này, Trung tâm sẽ đẩy mạnh quảng bá bài bản, thường xuyên, hiệu quả các tác phẩm VHNT đến với công chúng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!      

HÀM ĐAN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.