Hoa thì tuyệt! Ba cành ra đúng ba bông, trắng toát, trong suốt như pha lê. Ta có cảm giác cầm cánh hoa đưa lên mắt, có thể nhìn thấu sang người trước mặt. Mỗi bông hoa to bằng chiếc bát ăn cơm, hàng trăm cánh hoa đều đặn chụm lại, như hàm tiếu. Tháng sau hình dạng hoa vẫn như thế, không nở xòe, cũng không rụng cánh nào; còn hương thơm thì rất khó tả; nó cứ vương vấn, cứ quấn quýt quanh ta. Hương không gắt như cúc dại, càng không giống như cúc đại đóa, cúc Nhật. Các cụ già gật gù: “Loại cúc này hiếm lắm! Cứ tưởng đã tuyệt chủng từ lâu lắm rồi, ai ngờ bây giờ vẫn còn”.

Một cụ kể lại rằng, giống cúc này vốn chỉ có ở Nghi Tàm-Hà Nội. Nó chỉ sống được ở đất làng hoa. Cách đây khoảng 200 năm, khi bà Hồ Xuân Hương về làm dâu phủ Vĩnh Tường, bà có mang theo. Chậu cúc ấy đựng nguyên đất của Nghi Tàm, được chuyển bằng đường sông lên phủ Vĩnh. Hằng ngày, bà cùng ông phủ ngắm trăng, thưởng hoa, ngâm vịnh. Giống cúc này còn hiếm ở chỗ, cứ 10 năm mới mọc thêm một cây con, đúng 100 ngày mới ra một đợt hoa, hoa rực rỡ và thơm nhất là đúng Tết Trung thu. Hoa tươi đủ 100 ngày thì héo. Héo nhưng không rụng một cánh nào, màu hoa chuyển từ trắng muốt sang trắng ngà rồi vàng sẫm. Nhiều người hái cất đi làm vị thuốc. Thuốc ấy chữa được cả bệnh thần kinh. Hoa cúc này lại không có hạt nên không thể gieo trồng, nhân giống được. Ai có khóm cúc này ở trong nhà, lúc nào cũng như có hương của trăm hoa hòa quyện, thoang thoảng vị thuốc bổ; vào, ra, ngắm, hít thở - người cứ lâng lâng, khoan  khoái và cả nhà đều mạnh khỏe.

Minh họa: LÊ ANH

Chính quý hiếm và đẹp thế nên cúc có tên là cúc Tây Thi. Các cụ nhà ta không dễ gì gọi một loại hoa bằng tên của một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc!

Đến khi ông Trần Phúc Hiển là chồng của nữ sĩ họ Hồ được thăng chức Tham Hiệp Yên Quảng, phải rời phủ Vĩnh, bà Hồ Xuân Hương phải theo chồng về xuôi. Nghe đâu chậu cúc Tây Thi được bà biếu cho một bá hộ trong vùng bởi ông này có công đóng góp một số của cải giúp dân vùng lũ lụt. Mãi đến gần chục năm sau, khóm cúc mới nảy thêm một cây mới. Tính đến nay, bà Hồ Xuân Hương dời đất Vĩnh Tường đã hơn 180 năm. Nếu còn thì từ chậu cúc ấy cũng chỉ được gần 20 cây cúc như thế này là cùng.

Song giống cúc này lại rất khó tính. Hằng ngày, tối đến phải đưa ra sân ngậm sương, sáng sớm chưa có mặt trời đã phải đưa vào chỗ mát. Chăm bón thì chỉ một loại nước giếng khơi, không cần phân tro gì. Mỗi năm chỉ một lần, trộn đất bùn ao đã phơi khô với đậu tương xay nhuyễn được ngâm bảy ngày, chôn xuống đất bảy tuần. Thứ phân ấy chỉ xới xáo quanh gốc và rắc vào. Nếu có tí nước bẩn như bã chè, nước rác hoặc một vài hạt phân hóa học là cúc chết rục xuống, không thể cứu vãn.

Trải qua chiến tranh, loạn lạc rồi lũ lụt, chậu cúc với giống cúc quý hiếm ấy cũng thất tán. Mãi gần đây, cháu chắt đời thứ tám ông bá hộ đã gây một giống cúc mới, cũng to, cũng trắng nhưng vẻ cao sang và hương thơm thì không thể địch nổi cúc Tây Thi. Họ rêu rao đó chính là cúc quý Tây Thi. Họ gieo hạt, bán cây; họ bán hoa, bán cành kiếm lãi. Mà cũng lạ, cái giống cúc Tây Thi rởm ấy khi được người Nghi Tàm mua về trồng thì không sống được một cành nào. Một dạo xôn xao chuyện làng hoa Hà Nội thất bát chính là thế.

Lại nói về anh. Chậu cúc được anh chăm bẵm, đẹp lạ thường. Vào nhà anh cứ như một sức hút kỳ diệu, nó thanh thản, thơi thới trong lòng. Dưới mỗi đêm trăng, chậu cúc tỏa sáng lung linh, cánh hoa lay động như môi người mấp máy. Anh chị sống dù chẳng dư dật gì nhưng hạnh phúc. Hai người được hai cháu, một trai một gái, đứa nào cũng sáng láng. Anh làm thư ký hợp tác xã nông nghiệp và có làm thơ. Những vần thơ của anh đậm chất truyền thống, ca ngợi vẻ đẹp người nông dân nhưng cũng chứa ẩn những trăn trở của người tri túc chưa được như nguyện...

Anh đã 6 lần viết đơn xin nhập ngũ, ra chiến trường. Lúc ấy, người có học như anh ở quê cũng hiếm, nên anh cứ bị từ chối mãi.

Ngày lên đường nhập ngũ, anh dặn chị từng chi tiết nhỏ nhất, cặn kẽ nhất trong việc chăm khóm cúc. Hôm làng bị bom phá, chị chỉ kịp ôm chậu cúc chạy xuống hầm, dúi vào tay hai con, bảo chúng ngồi giữ. Nhà cháy rồi đổ sập xuống. Gia tài của cả nhà còn duy nhất chậu cúc quý. Chị ôm hai đứa con và chậu cúc của anh, như ôm ba đứa con yêu.

Anh đi chiến trường biền biệt 7 năm, 5 năm không tin tức gì. Mãi sau này làng xóm mới biết là anh bị thương nặng và bị bắt làm tù binh, bị giam ở Phú Quốc suốt 4 năm trời. Mọi tra tấn, đánh đập, dụ dỗ, áp lực tinh thần không làm anh gục ngã. Anh chỉ một mong muốn được về sống với vợ, con.

Ở nhà, chị cũng trải qua bao nhọc nhằn của thân gái vò võ nuôi con một mình trong sự hắt hủi của họ mạc, thôn xóm... khi có tin đồn anh đã đầu hàng giặc.

Ngày trở về, anh tong teo, người đầy thương tích. Xóm làng xúm vào giúp anh chị, như một cử chỉ thanh minh. Chính quyền từ xã đến huyện ra sức tạo việc làm nhẹ nhàng và trả công hậu hĩnh cho anh. Anh nhận chứng nhận là bệnh binh, chỉ xin làm chân thư ký ở ủy ban xã. Và anh tiếp tục làm thơ. Vẫn những vần thơ đau đáu về nỗi nhọc nhằn của nhà nông và những suy tư của người có nỗi niềm cùng thế sự... Thư ký ủy ban là thành viên ủy ban nhưng phải trực hàng ngày, giải quyết những công việc hành chính của cấp chính quyền thấp nhất thời bao cấp. Qua tiếp xúc thường xuyên với dân, anh nghe hoặc chứng kiến bao câu chuyện của bao nhiêu số phận người dân quê anh. Những chia sẻ ấy, ngấm dần và nảy ra trong ngòi bút của anh trên những trang thơ...

Cũng những ngày ấy, chậu cúc nở thêm một cây cúc mới. Anh nâng niu nó như một đứa con. Anh cưng nựng, anh vuốt ve, hôn lên lá của nó. Và rồi chính chậu cúc ấy đã làm anh bị thương tật suốt đời. Ấy là kẻ trộm biết anh có chậu cúc quý, chúng đột nhập vào nhà định lấy. Nghe động, anh bật dậy, lập bập rọi đèn pin. Chậu cúc không còn ở trước cửa. Anh lao ra ngõ. Mấy thằng gian chăng dây ngang đường, anh ngã chúi xuống, va đầu vào gốc cây bất tỉnh. May mà cả nhà hô hoán, kẻ gian không kịp mang chậu cúc đi. Chúng bỏ khóm cúc lại bên bờ mương đầu làng. Cây cúc quý về lại với chủ. Nhưng anh thì bị vết thương sọ não, chữa mãi không khỏi. Tuy có lúc tâm thần bất định nhưng ngày nào cũng như ngày nào, anh đều đặn chăm bẵm khóm cúc theo đúng quy trình đã thành nếp trong anh. Đó là 5 giờ sáng bê chậu cúc vào chỗ đón ánh mặt trời, bảy giờ tưới nước như mưa bay trên cánh lá, 10 giờ trưa bê chậu vào chỗ râm mát, 4 giờ chiều tưới một chén nước sạch vào thân cây, 6 giờ tối bê cây ra sân để đón sương đêm... Đều đặn như thế, anh chăm cúc như chăm con. Nhiều buổi tối, anh ngồi bên chậu cúc, mắt nhìn đau đáu vào từng gân lá, thả hồn theo những câu thơ anh đã thuộc của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Huy Cận... mà anh từng học ở trường phổ thông...

Lại 10 năm trôi qua, khóm cúc nảy thêm một cây mới. Cả chậu có năm cây. Các cụ trong làng bảo nhà anh đạt ngũ phúc. Mà phúc thật. Đứa con gái thứ hai của anh chị theo chân anh trai, vào đại học. Bệnh anh giảm đi nhiều. Anh làm việc, giao tiếp hoạt bát, nhanh nhẹn hơn. Nhất là khi cây thứ năm ra hoa, anh hít hà cái hương thơm huyền diệu ấy, mắt sáng lên. Chị sao cánh hoa cúc, pha cho anh uống như uống trà, anh dần giảm bệnh…

Ngày tôi đến thăm, anh chị rất vui. Anh nói rằng: Anh chờ thế hệ hai đứa con, chúng có học, có kiến thức, chúng nó sẽ nhân được giống cúc Tây Thi này cho mọi nhà, cho nhiều nơi, vừa làm đẹp cho đời, vừa duy trì được một dòng gien quý hiếm.

Chị thì thật thà kể lại: “Cái thằng lớn học văn khoa, chắc chẳng hy vọng gì lắm. Quá lắm được làm nhà báo hoặc dạy học, may ra viết được đôi bài thơ là cùng. Chị mong là con em nó ấy, nó học trường nông nghiệp, khoa nông học. Chắc nó sẽ làm được điều mong mỏi của bố nó.

Anh cười vang: “Cả hai đứa đều là hy vọng đấy chứ em!”. Chị cười hiền, mắt long lanh, nhìn anh trong ngấn nước!

Khóm cúc Tây Thi đứng nép bên hiên như cũng rạng rỡ, các cánh hoa trong như pha lê, rung lên, rập rờn. Hương thơm của nó quấn chặt lấy chúng tôi.                         

Truyện ngắn của ĐỖ HÀN