Chuông điện thoại reo, tiếng cậu bạn đầu dây bên kia thông báo vừa về quê, có mẻ rươi đúng vụ mang lên và mời cả nhà đến dùng cơm tối với gia đình. Nhắc đến sản vật quê hương, chao ôi, ký ức tuổi thơ ùa về! Đi trên phố quen mà niềm vui lâng lâng, dù trời đã sang đông nhưng trong lòng cảm giác ấm áp đến lạ.

Quê tôi nằm ở cuối dòng chảy, nơi giao thoa giữa sông Luộc và sông Thái Bình. Ngoài những sản vật thiên nhiên như tôm, cua, cá... thì có những sản vật đặc biệt như rươi (một loại nhuyễn thể), cà ra (còn gọi là cua lông), cáy... theo từng mùa vụ. Hồi nhỏ, lũ trẻ con chúng tôi tới trường buổi sáng, chiều phải ra đồng phụ giúp gia đình. Con trai không chỉ giỏi chăn trâu mà còn thạo việc thả lưới bắt cá, đánh giậm, mò cua, đơm đó bắt tôm, tép cải thiện bữa cơm gia đình. Sinh ra ở làng, từ bé, những đôi chân trần đã chạy khắp cánh đồng quê, quen với mùi ngai ngái của bùn đất, mùi của rơm rạ lẫn trong mùi mồ hôi trên vai áo nâu bạc màu của mẹ.

Nắng đông tràn xuống phố Hà Nội. Ảnh minh họa:TTXVN. 

Ngồi bậu cửa đón nắng, nội tôi bỏm bẻm nhai trầu, xòe bàn tay nhăn nheo bấm con nước. Theo kinh nghiệm dân gian thì “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” âm lịch là nước rươi. Nội bảo, do dòng nước từ thượng nguồn đổ về, thấy nước lạ, con rươi từ trong lòng đất chui lên. Vào những ngày đó, dân làng chuẩn bị đồ nghề, tụ tập ngoài bãi sông từ sớm, người lớn thoăn thoắt đôi tay để vớt nhiều nhất những con rươi đang bơi trên nước, trẻ con đứng trên bờ làm chân sai vặt và quan sát, thỉnh thoảng chúng lại réo thật to “chỉ điểm” chỗ có nhiều rươi. Vui nhất là lúc mang thành quả về, những con rươi vàng ươm, mầm mẫm hứa hẹn bữa tối tươm tất. Sơ chế qua, mẹ chạy ù ra vườn cắt vài tàu lá chuối đùm rươi thành từng gói nhỏ, bảo đem biếu họ hàng bên nội, bên ngoại mỗi người một ít “lộc trời” này.

Heo may về mang theo cái hanh khô nhảy nhót trên những luống cày ải đất bạc trắng, thi thoảng gặp đám cỏ mới mọc xanh mướt mát. Lùa đàn trâu ra giữa cánh đồng để chúng tự gặm cỏ, bọn trẻ chúng tôi, đứa mang diều đi thả, vài đứa lội xuống con mương cạn bắt cà ra chui vào hang tránh rét. Những đứa còn lại ra nhấc chiếc đó đơm tôm được đặt từ chiều hôm trước. Mùa đông ken, gió bấc hun hút, lựa nơi có mô đất cao chắn gió, bọn trẻ co cụm nhóm lửa sưởi ấm. Vừa hơ bàn tay lạnh cóng, vừa cời than nướng khoai. Những con tôm, con cua kẹp vào que tre khi hơ trên lửa thì chuyển từ màu xám xanh sang màu đỏ rất bắt mắt. Tiếng nổ tí tách, nước trong vỏ tôm rớt xuống lửa xèo xèo, loáng cái, những món nướng đã thơm ngào ngạt. Mặc cho khói cay xè mắt, bụi than lấm lem, củ khoai cời ra nóng thì lấy vạt áo hứng, những mái đầu chụm lại vừa chu cái miệng thổi nóng, vừa tấm tắc khen ngon.

Khói lam chiều bảng lảng vờn quanh lũy tre. Thu dây con diều sáo mà mắt vẫn luyến tiếc cuộc vui. Đàn trâu ăn no tìm nước uống ừng ực, cái đầu nghênh lên dỏng tai hóng chủ đưa về. Đám con gái mới lớn biết cầm liềm ra đồng cắt cỏ, không hiểu do xấu hổ hay tại thời tiết hanh khô mà cứ ửng hồng đôi má, chiếc nón trắng đội đầu, quẩy thêm đôi quang gánh nhỏ xinh càng đỏm dáng thiếu nữ. Nắng chiều đổ bóng, tạc vào không gian hình ảnh con trai, con gái cùng rảo bước bên nhau, đàn trâu chầm chậm gõ nhịp bước chân xuống nền đất, con nghé mải bám chân mẹ, thi thoảng cong mình rướn lên phía trước như khám phá điều gì mới lạ.

Chủ nhà hiếu khách đon đả nụ cười. Trên bàn ăn cũng vừa bê ra nào chả rươi, tôm nướng, cà ra hấp sả, cơm gạo mới đậm dẻo chín tới, bát canh cá rô đồng nấu rau cải béo ngậy, bát mắm cáy vắt chanh có vài lát ớt, đĩa khoai bỏ lò, vài ba bắp ngô nếp nghi ngút khói. Tất cả đều là món dân dã của làng mình đấy!-bạn vỗ nhẹ vai tôi như lời giải thích. Trên bếp ấm vẫn vang tiếng xèo xèo của hành mỡ, tiếng liu diu của món kho đủ vị như mẹ nấu ngày xưa. Phố đã sáng đèn, mọi người quây quần bên mâm cơm tối. Trong không gian đầm ấm, hương vị quê nhà lan tỏa quyện mùi cốm thơm, như món quà của người mẹ tảo tần dành tặng những đứa con xa thương nhớ.

PHÙNG MINH