Bất cứ thời thế nào, điều kiện sống ra sao, nếu có chí hướng phấn đấu đúng đắn hay nói hình ảnh là trái tim đỏ thì hai bàn tay trắng sẽ làm nên tất cả.
Trải muôn đời, không bao giờ tuổi trẻ Việt Nam không có những tấm gương sáng như thế. Đó là Bà Trưng với tâm nguyện “Một xin rửa sạch quốc thù/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng”. Đó là chàng trai trẻ Trần Quốc Toản nghe nhà vua và tướng lĩnh bàn về sự tàn bạo và kế sách đánh giặc dữ Nguyên-Mông mà bàn tay bóp nát quả cam lúc nào không biết... Trong hòa bình dựng nước, hàng vạn, hàng triệu đôi tay lao động của tổ tiên ta qua các đời đã chung sức khai phá các vùng núi non, đồng bằng, biển, đảo, tạo dựng nên các nền văn minh và giang sơn gấm vóc giàu đẹp.
“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi...” nói hộ tấm lòng của chúng ta. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết câu thơ chứa chan ấy để mở đầu cho bài thơ “Người đi tìm hình của nước”. Nỗi thương nước, thương nòi của Bác được nhà thơ viết nên da diết: “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”.
Đã tròn 110 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước. Tổ quốc đã vẹn toàn, phơi phới đi lên thỏa niềm mong mỏi thiết tha của Người. Một cơ đồ tươi đẹp đang mở ra cho tất cả mọi người dân, trong đó có hàng triệu bạn trẻ. Vẫn là hai bàn tay lao động do mẹ cha sinh ra nhưng thế hệ trẻ ngày nay có đủ tri thức, kỹ năng để chọn lựa con đường lập thân, lập nghiệp của chính mình và đóng góp cho quê hương, đất nước. Thật hứng thú làm sao khi những năm tháng này đây phong trào khởi nghiệp đang bừng lên sôi động trên khắp mọi miền đất nước, khi trên những mũi nhọn sáng tạo và đấu tranh vì sự phát triển, hạnh phúc, công bằng hay đương đầu với thiên tai, dịch bệnh luôn có mặt những gương mặt trẻ, đội quân trẻ. Chính họ đã làm cho quê hương, đất nước mỗi ngày mỗi thêm tươi đẹp, ấm êm. Họ là những người “vừa hồng, vừa chuyên” như Bác hằng mong và gửi gắm.
Tất nhiên cuộc sống vốn luôn mang muôn vàn sắc màu. Có những người tham lam, ngộ nhận, lầm lạc. Có những nết, tật xấu muốn "ăn trên ngồi trốc", muốn "ngồi mát ăn bát vàng". Có những người trẻ mà già cũ trong tâm hồn, trí tuệ, thiếu chí tiến thủ vươn lên. Có những người an phận thủ thường sống dựa, sống chờ thụ động... Không có trái tim nóng bỏng nhiệt huyết vươn lên và dâng hiến, thì đôi bàn tay trắng của họ thành vô dụng, nhợt nhạt, thậm chí thành những bàn tay đen ngăn trở, hãm hại xã hội. Không ngạc nhiên khi ở thời công nghệ này cứ hay có những “ngón tay bẩn” gõ trên bàn phím những dòng lạnh lùng, vô cảm hoặc dối trá, lừa đảo...
“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc con mơ con đè nát cuộc đời con/ Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”. Một thời đất nước lầm than, tăm tối, con người chỉ biết co mình, tự ru ngủ mình như tâm sự của nhà thơ Chế Lan Viên đã qua từ quá lâu rồi song di chứng vẫn còn tồn tại. Vì thế, nếu như tấm lòng và con đường của Bác đã làm thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người dân bình dị đứng lên làm chủ vận mệnh của đất nước và chính mình thì trách nhiệm của xã hội hôm nay phải tiếp tục làm cho tấm lòng và con đường của Bác cảm hóa, thay đổi những thân phận lạc lối. “Không để ai bị bỏ lại phía sau”-mục đích nhân văn cao đẹp ấy luôn là ước mơ và hành động mỗi ngày.
Tự lòng mình có ai không thấm “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn” (Tố Hữu). Học Bác, noi gương Bác, mọi cuộc đời sẽ trở nên trong lành, hạnh phúc.
SA MUỘN