Giữa làng múa rối Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) bừng lên sức sống mới sau khi được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chúng tôi vẫn thấy nghệ nhân Nguyễn Văn Phi tỉ mỉ chế tác con rối. Gần 15 năm qua, chế tác rối không chỉ là nghề kiếm sống mà còn là một phần quan trọng làm phong phú tâm hồn ông.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống múa rối nước khi bố từng là Phó trưởng phường múa rối Đào Thục, Nguyễn Văn Phi sớm đem lòng yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Năm 2010, nhờ sự động viên của các nghệ nhân trong phường rối Đào Thục, ông Nguyễn Văn Phi mở một xưởng chế tác rối vừa để cung cấp con rối cho Đào Thục và các làng múa rối khác, vừa trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.
|
|
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi say sưa tạo hình con rối. Ảnh: ĐỨC PHẠM
|
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Phi, nghề chế tác rối nước không nặng nhọc nhưng đòi hỏi ở nghệ nhân sự kiên trì và đam mê. Khó khăn lớn nhất là làm sao truyền tải được cái hồn của nhân vật qua mỗi con rối. "Ngày mới học nghề, tôi mất nhiều thời gian tự mày mò, tìm hiểu. Có những đêm tôi không ngủ được, trăn trở làm sao để con rối mình làm ra có hồn nhất, gần gũi nhất với khán giả. Nếu 10 con rối giống nhau cả 10 thì không còn gọi là nghệ thuật múa rối nước dân gian nữa”, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi chia sẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi cho rằng, có hai yếu tố quan trọng nhất trong chế tác con rối là tạo ra cái hồn cho nhân vật và thiết kế sao cho con rối hoạt động linh hoạt. Quá trình chế tác bao gồm 3 giai đoạn chính: Chọn gỗ, tạo hình thô và sơn. Thời gian hoàn thành một con rối phụ thuộc vào độ phức tạp của nhân vật. Có nhân vật đơn giản chỉ mất vài ngày để hoàn thành, có nhân vật phức tạp phải mất hằng tuần, thậm chí cả tháng.
Mỗi bước trong quy trình chế tác đều cần sự tỉ mỉ và chăm chút, đặc biệt là cần tình yêu nghề của người nghệ nhân. “Bản thân tôi khi làm ra mỗi con rối đều đặt cả tâm huyết của mình vào, không phải để tự hào là người làm ra con rối đẹp mà vì tôi cảm thấy yêu, thấy có trách nhiệm gìn giữ nghệ thuật múa rối nước”, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi bày tỏ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Nghị, Trưởng phường múa rối Đào Thục cho rằng, những năm qua, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi cùng một số nghệ nhân khác của làng rối Đào Thục luôn tâm huyết, trăn trở giữ nghề truyền thống của cha ông và góp phần công sức giúp làng múa rối Đào Thục được ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Nguyễn Thế Nghị khẳng định: “Mấy năm trước, cả làng rối nước Đào Thục chỉ có mình anh Phi là nghệ nhân chế tác con rối. Nhờ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo, Đào Thục hiện có thêm hai nghệ nhân chế tác rối nước là Hoàng Văn Vân và Đinh Văn Chiến. Năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục mở lớp dạy múa rối nước cho con em trong làng và hy vọng sẽ tìm kiếm thêm được những tài năng tâm huyết với nghề truyền thống của cha ông”.
ĐĂNG KHÔI
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.