Dường như những cái gì càng lạ, càng hiếm, càng dễ kiếm tiền. “Cà phê đường tàu” được một số người ở trong nước và ngoài nước cho là một trong những địa chỉ hấp dẫn của Hà Nội. Thậm chí, có người bảo đến Hà Nội mà chưa đi uống “cà phê đường tàu” coi như chưa đến Hà Nội (!). Những quán cà phê mọc lên san sát ở các phố đường tàu chạy dọc theo các đường: Lê Duẩn, Phùng Hưng, Điện Biên Phủ bỗng nhiên trở thành điểm du lịch tự phát ở Thủ đô nghìn năm văn hiến. Nhâm nhi ly cà phê thơm phức trong chuyển động rầm rầm của những chuyến tàu đi qua sát ngay cạnh mình là điều khá thú vị của nhiều du khách gần xa. Người ta tìm được cái gì đó như là cảm giác mạnh trong những quán “cà phê đường tàu”. Có lẽ, đó là lý do của những người nhiệt tâm ủng hộ các quán “cà phê đường tàu” đang trở nên quen thuộc ở một góc Hà Nội. Lạ thế đấy, có những du khách ngoại quốc bày tỏ cảm giác háo hức của mình khi vừa uống cà phê, uống bia, vừa chờ đợi những đoàn tàu đi qua ngay trước mặt. Họ bộc bạch rằng ở nước mình không hề có kiểu quán cà phê, giải khát lạ như thế. Chưa hết, nhiều quán “cà phê đường tàu” trở thành nơi hẹn hò, gặp gỡ của một số thanh niên; họ tìm đến để hòa vào sở thích của không ít người và cũng để chụp ảnh đưa lên khoe trên mạng xã hội.

Tuy vậy, đến nay thì ý kiến ngược lại đã dậy sóng. Bởi, du lịch hay bất cứ ngành kinh tế nào cũng phải tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật, các quy định của Nhà nước, cũng phải bảo đảm an toàn, tính mạng con người. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta lập ra hành lang an toàn cho các tuyến giao thông. Hành lang an toàn của đường sắt là 3 mét, trong khi nhiều quán “cà phê đường tàu” ở Hà Nội đã nằm trong khu vực này. Nhiều quán nằm sát đường sắt tưởng như không thể sát hơn được nữa. Tai nạn thảm khốc luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không biết độ sung sướng, thú vị của người uống “cà phê đường tàu” đạt đến mức nào, nhưng các lái tàu thì luôn có cảm giác lo lắng, bất an, căng thẳng khi tàu đi vào những đoạn đường ấy. Nói vui theo kiểu dân dã thì đúng là “sướng mày, khổ tao”. Gần đây, một đoàn tàu đã phải phanh khẩn cấp và dừng hẳn lại khi đi qua đoạn đường có quán cà phê để cho khách tản đi. Thật bất an.

Những chuyến tàu sẽ có nguy cơ gặp nạn khi đi qua những đoạn đường đang có nhiều quán cà phê nằm bên. Ai dám cam đoan rằng, tai họa sẽ không xảy ra với những người đến thưởng thức cà phê trong những quán như vậy. Và theo tôi, nói gì thì nói, nhiều quán “cà phê đường tàu” đang vi phạm quy định của Nhà nước về an toàn giao thông. Có những vấn đề do lịch sử để lại, ví như khoảng cách nhà dân ở quá gần đường sắt nhưng không phải vì thế mà lợi dụng đặc điểm này để kinh doanh dẫn tới coi thường tính mạng con người. Không thể "tham bát bỏ mâm", thượng tôn pháp luật là điều công dân nào cũng phải ghi nhớ và thực hiện nghiêm túc. Không thể vin vào lý do phát triển du lịch mà xem thường pháp luật; hãy trả lại hành lang an toàn cho các tuyến đường sắt, để mỗi chuyến tàu đi về bình yên. Không được lấy mạng sống của con người đánh đổi doanh thu, lợi nhuận. Một Thủ đô vừa truyền thống, vừa hiện đại, thoáng đãng, ngăn nắp, sạch sẽ luôn là điều chúng ta hướng tới.

Vì thế, theo tôi, nên dẹp bỏ càng sớm càng tốt nếu như không muốn nói là dẹp bỏ ngay các quán “cà phê đường tàu” .

NGUYỄN HỮU QUÝ