Phóng viên (PV): Buổi diễn chính thức “Ông không phải là bố tôi” đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho khán giả yêu sân khấu kịch. Điều này đã tạo ra sự khích lệ như thế nào đối với ê kíp Nhà hát Tuổi trẻ?
Nghệ sĩ Đào Duy Anh: Nhà hát Tuổi trẻ chúng tôi vừa phục dựng lại vở kịch “xuyên thế kỷ” - “Ông không phải là bố tôi” của tác giả: Lưu Quang Vũ. Vở kịch đã có nhiều đơn vị nghệ thuật từng dàn dựng thành công nhưng chúng tôi muốn khán giả xem để thấy được một “chất” riêng - mang thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ, đó là tiếng nói của người trẻ, cách nghĩ của lớp trẻ hiện đại.
Chúng tôi với cách tiếp cận vở diễn mới làm cho nó có một hơi thở mới, khán giả trẻ khá thích và hiểu nội dung câu chuyện tuy rằng đã cũ nhưng mang đầy tính nhân văn trong đó. Bất cứ nghệ sĩ, diễn viên nào khi nhắc đến kịch Lưu Quang Vũ ai cũng mong muốn có một lần đảm nhiệm vai diễn trong vở kịch của ông. Vở kịch “Ông không phải là bố tôi” nói về vấn đề con người với con người mối quan hệ cha - con, ông - cháu, sự quả báo cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị với những bài học cho thế hệ hôm nay. Vì vậy đó chính là động lực thôi thúc chúng tôi dàn dựng vở diễn này.
 |
Đạo diễn, diễn viên Đào Duy Anh |
PV: Dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, phức tạp, mà đặc điểm của sân khấu là không gian nhà hát khép kín, sân khấu là loại hình nghệ thuật cần có sự tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ, Nhà hát Tuổi trẻ đã có những hướng đi như thế nào để khắc phục những khó khăn, để “kéo” khán giả tới rạp trong mùa dịch?
Nghệ sĩ Đào Duy Anh: Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khá phức tạp trong nhiều tỉnh thành, đặc biệt các thành phố lớn như Hà Nội, việc kiểm soát dịch bệnh quả là khó khăn. Sân khấu là loại hình nghệ thuật với không gian khép kín, luôn tiềm tàng nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Là một diễn viên và đạo diễn, lại là Phó trưởng đoàn kịch Nhà hát Tuổi trẻ, tôi cũng luôn tự hỏi bản thân mình phải làm gì cho Đoàn kịch, cho Nhà hát, trong thời điểm dịch Covid vẫn hoành hành như vậy. Và dường như chúng tôi đang dần quen, đành phải sống chung và vẫn phải tiếp tục lao động nghệ thuật, cho ra đời những vở diễn mới.
Một vở diễn thành công phải đảm bảo hai yếu tố: Vừa có một vở diễn xuất sắc: diễn xuất, kịch bản, ánh sáng, âm nhạc, mỹ thuật sân khấu… để chạm tới trái tim khán giả vừa đảm bảo an toàn cho khán giả tới rạp. Với dịch bệnh tại Hà Nội thế này chúng tôi vẫn luôn cố gắng mang các tác phẩm sân khấu tiếp cận tới khán giả bằng cách bán vé với số lượng chỉ 30% số ghế trong rạp, phải tiêm đủ hai mũi, ngồi giãn cách khi xem… Dù không thể nhìn thấy nụ cười của khán giả vì lớp khẩu trang, nhưng qua ánh mắt, qua tiếng vỗ tay và những lời khích lệ vẫn là nguồn động lực cho chúng tôi và là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với những người làm sân khấu.
PV: Dịch bệnh đã tạo ra những cách thức thưởng thức nghệ thuật mới, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu kịch nói. Nhiều vở kịch được trình diễn trên sân khấu online, Liên hoan sân khấu Toàn quốc năm 2021 được công chiếu toàn bộ và đăng tải trên nền tảng số. Trình diễn sân khấu online có là xu thế tất yếu trong thời gian tới?
Nghệ sĩ Đào Duy Anh: Đặc thù của sân khấu kịch nói là cảm xúc thực, cảm xúc trực tiếp từ diễn viên tới khán giả và ngược lại, đó là yếu tố tương tác hai chiều, thiếu yếu tố đó vở diễn sẽ giảm đi chất lượng rất nhiều đó là tiếng vỗ tay, nụ cười, ánh mắt của khán giả tới diễn viên. Do đó chúng tôi vẫn mong muốn được diễn trực tiếp với số lượng ít, đủ đảm bảo an toàn cho khán giả và nghệ sĩ. Với hình thức Sân khấu Online tôi thấy có rất nhiều nước thực hiện theo mô hình đó, nhưng tôi nghĩ nó sẽ không hiệu quả vì chương trình phim truyền hình, gameshow ở Việt Nam có quá nhiều để khán giả lựa chọn, khán giả thích đi xem kịch vì được đến sân khấu trực tiếp được hòa mình vào đó, khán giả cũng là “đồng tác giả” với những người làm sân khấu.
PV: Dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động biểu diễn bị đình trệ. Vậy những người hoạt động kịch nói như anh đã làm gì để có thể vừa có thu nhập nuôi sống gia đình, vừa có thể lao động “tận hiến” với sân khấu?
Nghệ sĩ Đào Duy Anh: Để trang trải cuộc sống nhiều nghệ sĩ phải đi đóng phim truyền hình, làm MC, quay sitcom, quay quảng cáo, làm người mẫu… vì thu nhập của người diễn viên sân khấu là tương đối thấp, chúng tôi cũng cần khán giả tới rạp, nhưng trong thời buổi dịch bệnh này điều đó là không thể. Các nghệ sĩ, diễn viên vẫn phải làm thêm bên ngoài những công việc phụ khác để đảm bảo kinh tế gia đình. Nhà hát Tuổi trẻ cũng tạo điều kiện cho những diễn viên đang được khán giả yêu mến và quen thuộc như: Thanh Sơn, Lương Thu Trang, Thu Quỳnh, Đỗ Duy Nam… Nhưng trước khi ra các nghệ sĩ được mời đi đóng phim ở bên ngoài thì cần phải khẳng định được bản thân trong Nhà hát với những vai diễn hay, phải làm diễn viên sân khấu hay thì mới có thể làm diễn viên điện ảnh hay được…
Còn đối với tôi, tôi muốn “nghề sân khấu” của mình dài hơn, khán giả không chỉ biết tới tôi là người diễn viên mà có biết tới tôi qua vai trò của một người đạo diễn. Tôi có nhiều thời gian hơn để thẩm định kịch bản, cách dàn dựng vở mới sao cho phù hợp với Nhà hát Tuổi trẻ, tôi cũng đi làm như công việc bên ngoài như đọc truyện trên đài phát thanh, quảng cáo…
 |
Một phân đoạn trong vở kịch "Ông không phải là bố tôi" do ê kíp Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. |
PV: Cứ đến dịp gần Tết như những năm trước, ê kíp Nhà hát Tuổi trẻ thường có rất nhiều chương trình phục vụ khán giả: tiểu phẩm hài, chương trình ca nhạc chào xuân… nhưng dịch bệnh đã làm thay đổi hoạt động trước mắt của Nhà hát như thế nào?
Nghệ sĩ Đào Duy Anh: Tôi còn nhớ những dịp gần Tết những năm trước, Nhà hát Tuổi trẻ chúng có nhiều vở mới ra mắt vé bán gần như kín rạp, thậm chí, chúng tôi không còn chỗ ngồi để mời bạn bè, người thân tới xem. Hạnh phúc đối với người làm sân khấu là thấy nụ cười và nước mắt của khán giả, điều đó làm cho chúng tôi như hết mình “sống chết” trong từng vai diễn.
Nhà hát Tuổi trẻ mùa nào thì thưởng thức thứ ấy, có những tác phẩm từ những Chương trình Ca nhạc, kịch tâm lý, hài kịch, thiếu nhi…v.v có đủ cả. Những ngày lễ chúng tôi có hôm diễn đến buổi diễn trong một ngày. Dịp Tết năm nay, chúng tôi vẫn đang tập luyện say sưa cho những chương trình đón xuân Nhâm Dần, nhưng khó tránh khỏi những ảnh hưởng dịch bệnh Covid đến các chương trình biểu diễn, ảnh hưởng cả đến kinh tế và tâm lý các nghệ sĩ… Chúng tôi phải có những phương thức, ứng biến linh hoạt với tình hình dịch bệnh trong thành phố để khán giả đến rạp trong trạng thái an toàn nhất.
PV: Xin cảm ơn nghệ sĩ Đào Duy Anh!
NGUYỄN CÔNG ĐỨC (thực hiện)