Trước hết, Lưu Quang Vũ là một nhà thơ, lúc còn trẻ đã được “tiên chỉ” phê bình văn học Hoài Thanh viết bài giới thiệu là điều hiếm có. Thơ Lưu Quang Vũ có vị trí riêng nhưng không hợp thời đại lúc ông còn sống. Thơ của ông là tiếng nói cá nhân, lãng mạn, không hợp với yêu cầu xã hội thời chiến là thơ ca phải có tính sử thi, hùng tráng. Đó là lý do vì sao thơ Vũ thời bình được đọc nhiều hơn thời chiến.

leftcenterrightdel
Cảnh trong vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”. Ảnh: HỒNG HÀ 

Lưu Quang Vũ về công tác tại Tạp chí Sân khấu năm 1979, ít lâu sau viết vở kịch đầu tiên “Sống mãi tuổi 17” (dựa trên kịch bản cũ của Đào Duy Kỳ). Dạo đó có một giai thoại, nhà văn Đỗ Chu thân tình nói với người bạn Lưu Quang Vũ, trước sự chứng kiến của nhà thơ Phạm Tiến Duật, rằng: “Văn cậu viết được nhưng cả đời cũng chẳng bằng tớ. Thơ thì cậu chả bao giờ có cái sĩ khí, vinh quang của cậu Duật. Giờ chỉ còn mảng kịch là chưa có ai. Cậu phải chọn viết kịch mới mong lập thân được” (dẫn theo sách “Thao thức với phần đời chiến trận” của Ngô Thảo, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2009).

Không rõ giai thoại này có thật hay không nên khó dựa vào đó để cắt nghĩa động lực của Lưu Quang Vũ bước vào viết kịch. Chỉ biết chắc chắn, Lưu Quang Vũ là một người tài hoa, nhanh chóng đạt đến thành công với thể loại mới là điều dễ hiểu. Dù ai cũng biết thơ và kịch là hai loại hình nghệ thuật có phương pháp sáng tác, cách thức biểu đạt rất khác nhau. Điều quan trọng là tố chất nghệ sĩ trong con người ông vô cùng nhạy cảm với hiện thực đời sống. Không chỉ phát hiện những mâu thuẫn trong hiện thực mà ông còn có khả năng khái quát, đi tìm ý nghĩa nhân sinh ngầm ẩn đằng sau và truyền đi thông điệp nhân văn tới công chúng. Đọc thơ ông lúc còn rất trẻ đã xuất hiện những dấu ấn của một nghệ sĩ lớn, đau đáu với số phận con người: “Bác thợ mộc nói sai rồi/ Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế?” (bài thơ “Phố ta”).

Tài năng của Lưu Quang Vũ gặp “thiên thời” thập niên 1980. Đó là giai đoạn đất nước hòa bình sau hàng chục năm chiến tranh, cơ chế kinh tế kế hoạch hóa bộc lộ những hạn chế cần phải được thay đổi, những xung đột mới-cũ đan xen, tạo nên sự kịch tính cao độ. Điều này phù hợp với bản chất của tác phẩm kịch được viết bằng phương thức đối thoại, nhằm thể hiện xung đột từ đời sống, được dàn dựng, biểu diễn, nhằm mục đích cao nhất là đối thoại với người xem.

Ý thức được những ưu thế này, Lưu Quang Vũ khi viết kịch bản luôn chú ý đến những xung đột giữa cái mới và cái cũ, cái bảo thủ trì trệ và cái tích cực tiến bộ, như: “Lời thề thứ 9”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Tôi và chúng ta”, “Mùa hạ cuối cùng”... Ông cũng làm rõ xung đột giữa cái ác, cái thiện, cái đẹp, cái xấu, cái nhân tính và phi nhân tính trong các kịch bản: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Tin ở hoa hồng”, “Bông cúc xanh trên đầm lầy”, “Người trong cõi nhớ”, “Nguồn sáng trong đời”... Điều đáng trân trọng hơn, khi giải quyết xung đột, ông luôn đặt niềm tin vào cái thiện, cái tốt đẹp, tin tưởng tương lai tươi sáng của xã hội. Chính vì vậy, kịch Lưu Quang Vũ ngự trị khắp nơi trên sân khấu cả nước. Trước cửa rạp hát luôn có tên ông trên các tấm biển, băng rôn quảng cáo. Các trưởng đoàn kịch săn đón chờ gặp ông để xin kịch bản mới. Có thể nói, thập niên 1980 là thời kỳ hoàng kim của sân khấu kịch Việt Nam.

Những năm qua, vào dịp kỷ niệm ngày sinh hay tưởng niệm ngày mất Lưu Quang Vũ, các vở kịch của ông được trình diễn lại, vẫn “cháy vé” như trước đây. Nhiều nhà phê bình nghệ thuật nhận xét đại ý rằng: Mặc dù bối cảnh trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ với hiện thực đời sống hôm nay rất khác nhau; tuy nhiên những xung đột chưa mất hẳn và hơn thế người ta đi xem kịch Lưu Quang Vũ là để yêu thương con người và cuộc đời hơn. Người xem đương đại được soi mình, được đối thoại, được gợi mở cách giải quyết, đánh thức bao nghĩ suy.

Ông đã là “người trong cõi nhớ” gần 40 năm nhưng khoảng trống “ngôi sao” Lưu Quang Vũ để lại cho sân khấu kịch chưa thể khỏa lấp. Tôn vinh Lưu Quang Vũ và tác phẩm kịch của ông là để những nghệ sĩ hôm nay chiêm nghiệm thêm nhiều câu chuyện về lao động sáng tạo luôn hướng đến mục tiêu vị nhân sinh.

HOÀNG LIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.