Người dân phố núi nói riêng, Gia Lai nói chung, mỗi khi đi đâu trở về trên những con đường quanh co, uốn dốc đặc trưng nơi này, nghe mênh mang trong hơi gió tiếng thông reo, một cảm giác thật quen thuộc trào dâng. Những hàng thông vươn thẳng, vững chãi, trầm mặc và đầy chất trữ tình cùng đồi hoa vàng, những đồi cỏ đuôi chồn, đồi cỏ hồng lung linh trong gió se lạnh và nắng vàng tươi trải nhẹ nơi đây là hình ảnh mà các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ thường lấy cảm hứng để sáng tác.
Ở phố núi nhiều hàng thông già trên trăm tuổi, gốc cây xù xì, cành lá to khỏe vươn xa, đem lại một cảm giác yên bình, từng là nơi nam thanh, nữ tú từ mọi miền tìm đến vui chơi, khám phá. Dưới bóng mát của thông, nhiều đứa trẻ được ba mẹ bày những trò chơi truyền thống, đám học sinh thì đàn hát, nhảy múa… Những người thích yên tĩnh, đôi trai gái yêu nhau có thể đi xa hơn một chút ngồi trên thảm lá thông dày, ngắm những tàng lá kim xanh mướt mà nghe thông hát khúc tự tình êm ái.
 |
Thông rủ bóng trên đường phố núi. |
Gia Lai những năm sau chiến tranh còn hoang sơ với nhiều đồi núi trơ trọi. Cùng với phong trào phủ xanh đất trống đồi trọc, với bàn tay của những người lao động, của học sinh, sinh viên, những đồi thông đã dần mang lại một vẻ đẹp mới. Đi qua đồi thông bạt ngàn ở Diên Phú hay đoạn Châu Khê, tôi như thấy lại ngày cùng bạn bè lao động trồng thông trên những ngọn đồi cháy nắng. Nắng làm đen da mặt, đồi dốc làm đôi chân mệt mỏi mà tuổi mười tám, đôi mươi chỉ thấy niềm vui được cười đùa với bạn bè giữa bao la đồi núi. Một chút bâng khuâng khi nhớ về kỷ niệm và cũng thật vui khi thông non được trồng ngày nào giờ đã là cánh rừng thông xinh đẹp.
Phố núi những năm 80 của thế kỷ trước nhỏ bé lắm. Giữa những con đường dốc nhấp nhô bụi đỏ là một con đường bằng phẳng với hai hàng thông rợp bóng mát đẹp đến nao lòng. Ai từng trải qua năm tháng nơi đây hẳn còn nhớ con đường Trần Hưng Đạo xưa, qua một chút là góc đường Hai Bà Trưng-Nguyễn Du với hàng thông cao vút, thẳng tắp, đem đến cho phố núi một cái đẹp riêng, khó tìm thấy ở nơi khác. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, của mạng xã hội, đồi thông Gia Lai ngày một được biết đến nhiều hơn, đặc biệt với giới trẻ và khách du lịch từ mọi miền đất nước. Đồi thông yên ả thường là nơi khách tham quan có thể ghi lại nhiều tấm hình đẹp và khoảnh khắc bình yên nhất. Xa xa về phía Bắc của thành phố Pleiku, hàng thông trăm tuổi đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn với du khách khắp nơi. Hình ảnh chụp ở đây đẹp đến ngỡ ngàng và vì vậy người ta còn gọi nơi đây là "con đường Hàn Quốc" như là cách để nhấn mạnh sức lôi cuốn của nó.
Một địa điểm nữa của phố núi Pleiku, nơi ta có thể ngắm thông nằm giữa một vùng dân cư đông đúc ngay trong lòng thành phố đó là hồ Diên Hồng. Đây là điểm đến hấp dẫn với hồ nước, hoa và thông hòa quyện tạo nên tuyệt tác. Lối đi bộ với hàng thông rũ bóng che mát, tiếng thông reo như điệu nhạc đồng hành làm người ta như quên đi bao mệt nhọc đời thường để thấy lòng nhẹ nhàng hơn.
Biển Hồ-đôi mắt Pleiku hẳn sẽ mất đi vẻ hấp dẫn nếu không có những đồi thông như viền mi rợp quanh đôi mắt ấy. Trên bờ Biển Hồ mỗi buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống, hay những khi vầng trăng tròn vừa ló dạng, ta sẽ cảm nhận được hết vẻ đẹp hoang sơ của đồi núi, của hồ nước và say mình trong cảnh trầm buồn đầy lãng mạn của thông.
Có lẽ ít loài cây nào mang được một dáng vẻ rất lạ như thông. Thông cao to, vươn thẳng như người quân tử kiên cường trước bão giông, nhưng những chùm lá kim xanh mướt lại làm cho thông trở nên mềm mại, dễ khiến người ta xao lòng khi nhìn ngắm. Cùng với sự phong phú của thiên nhiên, thông như một nét vẽ không thể thiếu để tạo cho phố núi thành bức tranh hoàn hảo.
Thông ở phố núi dẫu không nhiều và nổi tiếng như thông Đà Lạt, nhưng với những ai từng lớn lên ở vùng đất Gia Lai, đã có một tình yêu đủ lớn với nơi này, thông luôn là một hình ảnh đẹp, gợi bao kỷ niệm. Có ai từng trải qua tuổi học trò ở phố núi thơ mộng này mà không một lần có chuyến dã ngoại giữa rừng thông, dưới bóng mát của thông. Có ai lớn lên ở nơi này mà chưa từng xao động trước vẻ u buồn, tĩnh mịch của những hàng thông. Và có ai ở phố núi lại không thấy mình thư thái hơn khi nghe tiếng thông reo vi vu như tiếng hát giữa đại ngàn, để thương, để nhớ?
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI