“Vơ bèo vạt tép” là một thành ngữ để nói về những trường hợp không lựa chọn kỹ càng, hoặc quá vội vàng mà nhặt nhạnh, vơ vét cả những thứ nhỏ mọn, rất ít/thậm chí không có giá trị.
Một ngành bấy lâu nay vừa đảm nhiệm sứ mệnh tư tưởng-văn hóa, vừa góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế cho đất nước là ngành xuất bản. Do vậy, mỗi nhà xuất bản (NXB) được ví như một “công xưởng kép” vì cùng lúc thể hiện là cái nôi lưu trữ, cung cấp, truyền bá tri thức văn hóa cho con người, đồng thời là “cỗ máy” hái ra tiền góp phần làm giàu cho xã hội. Chỉ tính 3 năm (2018-2020), mặc dù chịu sức ép từ các phương tiện nghe nhìn hiện đại “thống soái” đời sống tinh thần xã hội và những khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng ngành xuất bản Việt Nam vẫn xuất bản hơn 98.000 đầu sách với khoảng 1.200 triệu bản, doanh thu đạt 7.800 tỷ đồng.
 |
Ngày hội sách thu hút nhiều độc giả. Ảnh: Báo Hà Nội mới |
Đúng là phần nổi của bức tranh xuất bản Việt phần nào làm người ta bớt đi nỗi lo canh cánh ngành công nghiệp xuất bản đang có nguy cơ xuống dốc không phanh bởi thời đại 4.0 và “thế giới phẳng” khiến con người không còn mặn mà với sách; nhưng không phải vì thế mà sách không còn chỗ đứng trong xã hội.
Tuy nhiên, số lượng đầu sách, bản sách xuất bản chưa nói lên tất cả. Trên thực tế, do chạy theo số lượng đơn thuần, không ít NXB những năm gần đây có biểu hiện “vơ bèo vạt tép”. Trong khi có NXB chấp nhận những bản thảo có nội dung tầm phào để cho “ra lò” những cuốn sách tầm thường, thì có NXB đã liên kết với các đối tác (nhất là tư nhân) để cho ra đời những “đứa con tinh thần” nếu không khiếm khuyết về mặt tư tưởng thì có biểu hiện dị dạng về mặt nội dung. Hệ quả là công chúng được phen chao đảo vì bị tiêm nhiễm những cuốn sách có thể làm méo mó, vẩn đục tâm hồn họ.
Rồi trào lưu ai cũng có thể xuất bản sách của không ít người trong xã hội. Mấy chục bài thơ câu lạc bộ cấp phường xã, ngành nghề; vài ba chục bài báo sưu tầm, lượm lặt đó đây; những dòng ký ức miên man chắp nhặt trong đôi ba chuyến du hý; dăm bảy công trình đội mũ “nghiên cứu” mà thực chất là chép lại cổ kim Đông Tây một chút, làm mới câu chữ một chút theo kiểu "bình mới rượu cũ"... Tất cả đều có thể tập hợp, xuất bản thành sách rồi phát hành đến khắp các thư viện. Thậm chí có những bản thảo ngay từ đầu phát hiện “có vấn đề” từng bị từ chối ở NXB này nhưng vẫn được in ấn ở NXB khác. Có NXB đáng ra chỉ được xuất bản một số loại sách nhất định, nhưng lại lấn sân xuất bản các cuốn sách có nội dung chưa phù hợp với giấy phép hoạt động không còn là chuyện lạ trong lĩnh vực xuất bản.
3 năm qua, trung bình mỗi năm cả nước cho ra đời khoảng 33.000 đầu sách các loại, nhưng chính lãnh đạo ngành xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cũng thừa nhận, mảng sách văn hóa, xã hội, văn học, nghệ thuật còn thiếu các công trình nghiên cứu chiều sâu, thiếu các tác phẩm có giá trị; mảng sách khoa học kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp tri thức mới, tiên tiến cho công chúng.
Trước nay có người rất ưa chuộng cách tính bình quân đầu sách và số người đọc sách trên tỷ lệ số dân để nhận định về nền văn hóa đọc của một quốc gia. Cách tính này có thể khuyến khích gia tăng số lượng sách xuất bản, nhưng lại không nghĩ rằng số lượng sách nhiều mà chất lượng sách hạn chế, thì lợi bất cập hại. Bởi vì, khi nào chức năng tư tưởng-văn hóa của ngành xuất bản luôn được đề cao, coi trọng hơn chức năng kinh tế, thì hoạt động xuất bản mới tránh tình trạng chạy theo lợi nhuận thuần túy, từ đó mới có thể phòng ngừa nguy cơ chệch hướng trong hoạt động xuất bản. Nói đơn giản hơn, khi không còn tư duy, cách làm “vơ bèo vạt tép” thì các NXB mới giữ được vị thế, sứ mệnh cao cả của mình.
CHÍNH NGÔN