Về tộc người của mình luôn là cảm hứng chủ đạo. Độc giả có thể thấy điều này khi đọc tập thơ mới nhất của anh: “Yao” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2021).
Nếu như thơ Lý Hữu Lương ở giai đoạn trước đây chú trọng tới tạo ý và xây dựng hình ảnh, thì ở "Yao", chất giọng mang đậm cá tính riêng được khẳng định. Dường như giọng điệu thơ sâu đằm hơn bởi sự từng trải. Vẫn cảm hứng về làng Dao, nhiều bài thơ như khúc ca buồn gợi một hành trình nơi người sống và cả người đã chết tìm về bằng con thuyền mỏng như mắt lá. Người đọc không thôi ám ảnh bởi những âm điệu hoài cổ: "Có tiếng cười tiếng khóc trên nôi/ Có hồn người chờ thuyền về quê cũ" (Chái bếp).
 |
Bìa tập thơ |
Văn học hiện đại Dao khi tái hiện những chuyến thiên di trong quá khứ xa xưa chính là đi tìm kiếm một cuộc sống mới no ấm. Cuộc thiên di của ký ức dân tộc trở thành sự thôi thúc cho những hành trình xa trong hiện tại. Người trẻ mang ký ức đó, lầm lũi đi, vững chãi qua những trầm luân khó nhọc. Đi để họa “khuôn mặt làng”: "Chúng tôi định nghĩa khuôn mặt làng/ Không rộng hơn tiếng cười nơi đầu nước/ Tôi xin làm con chim nhỏ làng tôi/ Cất giọng vang sâu xa rừng thẳm".
Trong "Yao", điểm nổi trội nhất là sự giản dị đến ngỡ ngàng khi vẽ khuôn mặt quê hương. Yêu quê hương, neo vào hồn cốt tộc người nên Lý Hữu Lương truyền được cái thân thương ấy đến với độc giả một cách hết sức tự nhiên: Đấy là một dân tộc nhẫn nại, đằm một vẻ đẹp của cuộc sống trầm luân nhưng ngay thẳng, nhiều yêu thương. Mạch cảm xúc về quê hương trong "Yao" không chỉ có thiên di, cấp sắc... mà còn là những mối tình, những số phận. Hệ thống nhân vật xuất hiện vẫn trong một từ trường quen thuộc của thơ Lương: Người mẹ, người chị, người em gái, người cô “gánh một đa đoan”. Những số phận ở đó đều có nỗi niềm riêng, những con người lòng tay dày như vỏ dao chặt sống trong không gian mênh mang mà đượm buồn: "Những trai gái buồn hơn đêm đen/ Sáo cũng ngủ rồi/ Páo dung ngủ rồi/ Không ai gọi ai nữa đâu"... (Lên Bàn Mai mùa này).
Ở đây, áo đỏ trở thành một “mã” quan trọng giúp nhìn ra chất của "Yao". Mô típ giản dị được biểu đạt bằng chất giọng đầy ám ảnh. Bông áo đỏ như sợi chỉ xuyên qua những nỗi buồn, gói gọn câu chuyện từ tuổi thơ giấu trong ngực núi cho đến tháng ngày đằng đẵng một sự lỡ làng: "Có người ở xa mang đôi gà đến/ Anh sang chơi uống chén rượu mừng/ Mẹ tôi thút thít bên hiên nhà/ Tôi gỡ máng nước soi nguồn khác/ Núi nhòe những bóng người mai mối/ Bông áo đỏ như pháo nổ ngày xưa..." Không chỉ bông áo đỏ, mà sắc đỏ xuất hiện dày đặc trong tập thơ. Khi thì trực diện trong trăng đỏ, lá đỏ, hoa đỏ rơi đầu núi, những căn nhà nắng đỏ...
"Yao" là tiếng lòng của những người trẻ ra đi mang theo ký ức là những chuyến thuyền vượt biển, băng rừng trong tâm thức dân tộc ngàn xưa. Độ lùi và khoảng cách xa khiến một quê nhà rõ nét hơn, nhiều góc độ hơn, nhiều thân thương hơn. Thơ của Lý Hữu Lương từ “cõng trăng” đến vẽ khuôn mặt làng Dao vẫn miệt mài một hành trình đi để về như thế.
SONG QUYÊN