Nhà văn S.L.Sontag (1933-2004) được đánh giá là cây bút hàng đầu không chỉ văn đàn Mỹ mà còn trên phạm vi toàn cầu. Bà đã tham gia tích cực vào phong trào phản chiến ở Mỹ trong thập niên 1960. Tháng 1-1968, cùng với hơn 500 nhà văn và nhà báo, Sontag ký vào bản cam kết “Không đóng thuế phục vụ chiến tranh Việt Nam”. Tháng 5-1968, Susan Sontag tới thăm miền Bắc Việt Nam và sau khi trở về, bà viết thiên phóng sự “Trip to Hanoi” (Chuyến thăm Hà Nội), xuất bản lần đầu trên Tạp chí Esquire, tháng 12-1968.

leftcenterrightdel
 Trang bìa cuốn sách.

Tác giả không chỉ miêu tả từng sự kiện, từng cảnh vật mà bà quan sát thấy ở miền Bắc Việt Nam để kiểm chứng với nhiều năm đọc sách báo và xem phim thời sự về những hình ảnh thường thấy về Việt Nam: Những người dân đạp xe, những thôn xóm lều tranh mái lá, những thành phố bị san phẳng, những hầm tăng-xê hình ống, những chiếc mũ rơm dày... Nhưng khi được đến thăm và trực tiếp chứng kiến, trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam, Sontag nhận thấy Việt Nam không nên chỉ được nhìn nhận là một đất nước đang có chiến tranh; mà là một cộng đồng, một thế giới quá khác biệt với nước Mỹ về văn hóa, ngôn ngữ, tâm lý, tính cách, tư tưởng.

Một mặt, qua lăng kính của Sontag, miền Bắc Việt Nam có những điểm khiến tác giả cảm thấy khó hiểu như ít khi nói về cái tôi, rất dè dặt... Mặt khác, Việt Nam lại có những nét đẹp khiến tác giả “chết lặng”, “thẫn thờ” và “kinh ngạc”. Khi đến thăm ngôi mộ của một viên phi công Mỹ bị bắn rơi, “một ngôi mộ đắp cao được trang trí bằng những mảnh vụn động cơ máy bay và một phần cánh máy bay bẹp rúm, trông như một bức điêu khắc”. Sontag đã phải thốt lên: “Làm sao những con người này, có vợ chồng, cha mẹ, con cái bị viên phi công ấy và các đồng đội của anh ta giết hại, lại âm thầm cầm cuốc xẻng mà vun đắp một nấm mồ trang nhã cho viên phi công kia?”.

“Chuyến thăm Hà Nội” là một hành trình tư tưởng của Susan Sontag. Nó khiến bà “không bao giờ có thể trở lại như trước được nữa”. Điều bà bị ám ảnh không phải là Việt Nam mà chính kẻ mạnh Hoa Kỳ mới là thứ ám ảnh bà-những đường nét của sức mạnh Mỹ, sự tàn bạo kiểu Mỹ...

Bên cạnh phóng sự “Chuyến thăm Hà Nội”, các đơn vị tổ chức xuất bản cuốn sách còn in kèm một tiểu luận khác của Sontag mang tựa đề “Chuyện gì đang diễn ra ở Mỹ” xuất bản lần đầu trên Tạp chí Partisan Review năm 1967. Qua đó, giúp độc giả hiểu thêm về bối cảnh nước Mỹ vào thời điểm cuốn sách ra đời và quan điểm của tác giả về những vấn đề nóng bỏng ở Mỹ thập niên 1960 như chính sách ngoại giao, thái độ phân biệt chủng tộc, các phong trào của thanh niên và trí thức Như vậy, độc giả sẽ có một hành trình thú vị trở lại miền Bắc Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời ghé thăm nước Mỹ và thế giới phương Tây trong những năm tháng đầy biến động.

NGUYỄN CHẮT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.