Bìa cuốn sách.

Tái hiện Hà Nội những ngày chống lại cuộc đánh phá của các loại pháo đài bay Mỹ với những “Thần sấm”, “Con ma”, B-52... Cả không gian bị xáo trộn bởi âm thanh của bom giặc rơi xuống; đạn pháo, tên lửa quân ta bắn lên; máy bay giặc cháy... Trời đất như trộn lẫn vào nhau. Không gian ấy phù hợp với bút pháp kỳ ảo, chiến tranh được nhìn qua góc độ tâm linh. Bắt đầu từ câu chuyện của Phan-một anh lính trẻ, như bao người lính khác, khao khát được vào chiến đấu tại chiến trường B. Nhưng Phan lại được phân công nhiệm vụ ở Hà Nội, làm công việc lập hồ sơ tử sĩ dưới một căn hầm. Bằng khả năng kỳ lạ, từ những tờ giấy báo tử, Phan nghe được tiếng nói của những số phận, từ đó mở ra cả một câu chuyện dài với bao éo le chỉ có trong chiến tranh. Phan “gặp” các chiến sĩ xếp hàng “chờ đến lượt trình diện” để được “viết giấy báo tử”. Ai cũng muốn “vào sổ” sớm để gia đình và dư luận biết mình đã hy sinh, tránh bị hiểu nhầm là “đào ngũ”, “chiêu hồi”, “phản động”... Mà hồi đó, nếu bị khoác áo “phản động” thì nhục nhã vô cùng, “sống không bằng chết”. Chi tiết này gián tiếp tái hiện một không khí sử thi cả nước hừng hực khí thế lên đường đánh giặc, quên mình vì nhiệm vụ cứu nước.

Không gian tâm linh chỉ là cái nguyên cớ ban đầu để mở ra những không gian hiện thực đặc trưng thời chiến. Biết được thông tin về một liệt sĩ, Phan tìm gặp vợ anh-một nữ nghệ sĩ xiếc thú, nuôi dạy và biểu diễn cùng 4 con hổ. Theo chân nhân vật, hiện thực thời chiến được mở ra với tất cả những gì khẩn trương, phức tạp, ngổn ngang, căng thẳng trong bối cảnh cả Hà Nội hiên ngang đánh lại tên không tặc Mỹ hung bạo. Bên cạnh những con người anh hùng sẵn sàng xả thân mình vì Tổ quốc, vẫn có những anh “bê quay”, vì quá khiếp sợ cảnh đạn bom, chết chóc trên chiến trường mà đào ngũ về hậu phương. Thẳm sâu trong họ là sự khát sống đầy tính người và lòng tự trọng nên khi được “thu dung” làm công việc mới, họ cố gắng hoàn thành thật tốt để “gột rửa” quá khứ chẳng mấy vẻ vang. Qua những hình ảnh ấy lại cho người đọc hình dung thật rõ về sự khủng khiếp của chiến tranh, cũng là dịp để khám phá tầng nhân văn sâu thẳm của con người.

Theo cái nhìn của nhân vật Kỷ, một chiến sĩ phi công đánh giặc trên bầu trời, nhìn xuống Hà Nội, một không gian tan hoang bởi bom Mỹ hiện ra: Cảnh đoàn người sơ tán, cảnh Bệnh viện Bạch Mai thành đống gạch vụn... Sử dụng điểm nhìn trần thuật rất linh hoạt, từ cái nhìn trên cao, toàn cảnh, chuyển về cái nhìn cận cảnh với những công việc đau xót lật từng viên gạch tìm người chết, cứu người sống. Là cảnh nữ nghệ sĩ xiếc thú đưa 4 con hổ sơ tán khỏi thành phố tránh bom, thì lại gây ra sự hoảng loạn cho những chú bò nhà quê hiền lành quá sợ hãi mùi hôi của hổ... Thì ra chiến tranh đã tác động tiêu cực theo kiểu hiệu ứng domino đến tất cả nhằm hủy diệt sự sống. Cuốn sách đã bật toát lên một lời kết án: Kẻ gây ra chiến tranh là đế quốc Mỹ phải chịu trách nhiệm lớn nhất trước tòa án công lý và đạo lý.

Đã có nhiều tác phẩm văn chương viết trực tiếp về chiến tranh, với tiểu thuyết này, Hồ Anh Thái có một sự đổi mới thành công khi miêu tả chiến tranh một cách gián tiếp nhưng vẫn làm nổi rõ những gì phi nhân tính nhất mà nó gây ra. Ngoài sự ca ngợi, khẳng định tinh thần yêu nước vô cùng lớn lao của quân và dân Hà Nội, tiểu thuyết tố cáo sâu sắc giặc Mỹ tàn bạo đã gieo rắc đau thương xuống mảnh đất văn hiến hiền hòa, yêu thương. Qua đó càng thấy thêm yêu lịch sử anh hùng, yêu hòa bình và quyết tâm giữ vững hòa bình mà cha anh đã giành được!

THANH TÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.