Là một cựu chiến binh, bộ đội Trường Sơn trong những năm chống Mỹ và cũng là nhà giáo, tôi đã say sưa, thích thú khi đọc tác phẩm này của tác giả Đặng Văn Hương.
“Tình yêu người lính” dày 364 trang, khổ sách (13x20)cm, sách do NXB Thanh Niên xuất bản quý III năm 2021. Truyện ký được bố cục thành 8 chương với 37 mục, mỗi mục đều có vài đoạn thơ làm cho nội dung mềm mại, nhẹ nhàng hơn. Nhìn chung, tập truyện ký có nội dung tư tưởng tốt, nhiều trang hay và hấp dẫn.
"Tình yêu người lính" là tình yêu Tổ quốc, tình đồng đội, tình yêu nhân dân, yêu quê hương làng xóm, yêu gia đình, bố mẹ gắn liền với tình yêu lứa đôi ở tuổi thanh niên và tình yêu chung to lớn, giàu tính nhân văn, cao thượng. Mỗi người lính chiến đấu ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, vì yêu đất nước, nhân dân mà sẵn sàng hy sinh tất cả. Sau đó là tình yêu đồng đội trong chiến đấu hy sinh, trong lao động vất vả giúp đỡ nhau tiến bộ.
Đồng đội luôn thương yêu giúp đỡ nhau trong xây dựng hầm hào và chiến đấu bảo vệ biên giới, trong làm đường, trong đời sống thường ngày... Từ người lính chống Mỹ đến người lính sau năm 1975, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong các đơn vị khác nhau luôn giúp đỡ nhau. Tuấn đã vun đắp niềm vui và hạnh phúc cho Lò A Sửu với Xuân, có cu Hợi "giọt máu cuối cùng" của Sửu. Tình đồng đội thể hiện qua tình cảm của Tuấn với Tuân, với An, với Nhinh... Tuấn đã đến thăm gia đình đồng đội Chiến, nghèo khó nhưng đã vươn lên thoát nghèo.
 |
Bìa cuốn sách. |
Nhiều đảng viên trong truyện đã thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp: Đại đội trưởng Bình, đồng chí Thắng- huyện ủy, đồng chí Thủy - văn phòng cấp ủy xã, ông Bốn- bí thư chi bộ người Thái, ông Ba - bí thư chi bộ 5, Tứ Mỹ, những cán bộ trường đại học Y ... và đảng viên trẻ Tuấn sống có lý tưởng, có tinh thần trách nhiệm cao trong chiến đấu và công tác.
Cùng với hai nhân vật chính (Tuấn, Phương) là những nhân vật khác đã để lại nhiều ấn tượng tốt đối với người đọc (chị Xuân, anh Sửu, anh Thu, ông Bốn, ông Dần, cô giáo Huyền...).
Xuyên suốt toàn bộ truyện là tình yêu của Tuấn - Phương rất giản dị, trong sáng, từ tình bạn lúc học phổ thông đến tình yêu của nữ sinh trường đại học Mỏ Địa chất với người Lính biên giới, trải qua nhiều gập ghềnh, phức tạp của tình cảm con người trong hoàn cảnh phức tạp để đi đến hạnh phúc viên mãn.
Đôi bạn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, chân thành, thẳng thắn, thủy chung, tình cảm, vượt qua mọi khó khăn, vất vả để có "tình yêu - tri kỷ". Tình yêu của đôi bạn Tuấn - Phương rất trong sáng, tế nhị, giữ gìn trọn vẹn đến giây phút hạnh phúc của đêm tân hôn.
Bên cạnh tình yêu của Tuấn - Phương là tình yêu Xuân - Sửu, sau này với Thu; tình yêu của Huyền- Tuân... và có cả những éo le của tình yêu tay ba.
Trong tác phẩm cùng với những người lính, những người yêu, người vợ của lính là tập thể quần chúng nhân dân: bà bán nước, ông Hứa lái đò, sinh viên trường Y, hành khách trên tàu, người dân quê làm ruộng, những người trong gia đình ông Dần, ông Mộc, dòng họ Đặng... đến bộ đội, công chức, bác sĩ, y sĩ, y tá đều có cách sống đẹp, giản dị, lạc quan vượt qua mọi vất vả, khó khăn, sự nghèo khổ của một thời.
Các nhân vật trong truyện đa phần là những người tốt, có phẩm chất trong sáng. Đối lập với những người tốt là số ít kẻ xấu, "những con sâu" như: Lãm Lặn, Cưỡng, Tý nhân viên văn phòng... biểu hiện kiêu căng, tham lam, vòi vĩnh quà cáp đã bị xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Nội dung những trang cuối của truyện ký tập trung rất nhiều sự kiện, sự việc trọng tâm và dồn nén các mối quan hệ giữa các thành viên, đối tượng và kết quả thật là mỹ mãn, có hậu. Trong đám cưới của Tuấn - Phương, các ông bà thông gia gặp nhau thân mật và nói những lời tốt đẹp cho con cháu. Tuấn xin làm con nuôi của ông Dần, bà Cúc, được bố Tuấn đồng ý và ông Dần, bà Cúc chấp thuận, thật là tình nghĩa, tình đồng đội của Tuấn với Sửu trọn vẹn. Cô Huyền, cô Xuân đều báo tin mừng là sắp sinh con vào năm tới và tạo nên một thế hệ mới cho tương lai đất nước. Hai người lính: Tuấn, Tuân vừa bước ra từ cuộc chiến; hai nữ sinh viên, hai giảng viên đại học: Phương- Huyền, hai gia đình nhà giáo thân thiết trong sự nghiệp "trồng người" cho Tổ quốc.
Về nghệ thuật, truyện ký "Tình yêu người lính" của tác giả Đặng Văn Hương viết chân thực theo phong cách người lính (mà lại là người lính chiến), nó là tổng thể hài hòa, kết hợp giữa hồi ký và truyện nhưng hồi ký là nòng cốt chiếm tỷ lệ lớn nội dung nên sự kiện, sự việc rõ ràng và đủ sức thuyết phục người đọc. Qua tác phẩm "Tình yêu người lính" bạn đọc hiểu được giai đoạn lịch sử của đất nước, của dân tộc, của quân đội trong những năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây Nam và những năm gian khó của Cách mạng Việt Nam.
Trong truyện ký có khá nhiều mục, tác giả đã xây dựng cùng lúc bốn không gian, bốn thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai, quá khứ của quá khứ và sự liên tưởng, kết nối lô gíc các tình tiết, các không gian sống đó.
Nghệ thuật tả cảnh, tả người, chỉ có một chút vừa phải làm nổi bật vẻ đẹp của người, của sự việc. Trong truyện ký này, tiếng chim hót, tiếng sáo diều, loa phát thanh được đưa vào hợp lý, làm tăng thêm chất lượng của nội dung.Tác giả dùng tiếng chim hót nhiều lần, rất khéo léo, rất tinh tế... trong từng lúc tâm trạng của Tuấn vui, buồn, mệt nhọc... như lời động viên, lời khen.
Truyện ký có số lượng nhân vật "chủ chốt" khiêm nhường: Tuấn, Phương, Xuân, Sửu, Huyền và Tuân, trong đó Tuấn và Phương là nhân vật chính. Nhân vật suy tư, nội tâm sâu sắc, sinh động, điển hình là Tuấn, nghĩ đến nhiều phương án, nhiều vấn đề phát sinh, kết quả của từng phương án...
Truyện ký "Tình yêu người lính" được viết cách đây 40 năm, khi tác giả là một người lính trẻ 23 tuổi đời, hơn một tuổi quân rất nhiệt huyết cách mạng, hồn nhiên, thanh niên mới có cảm xúc, tình yêu mộng mơ, lãng mạn... và hoàn cảnh cuộc sống, tình hình chiến sự biên giới thời kỳ đó làm cho truyện ký xúc động, giàu ý nghĩa. Tác phẩm cũng để lại cho người đọc hiểu nhiều hơn về cuộc sống, chân dung tác giả vì Văn tức là Người.
Tác giả đã giành nhiều thời gian đánh máy toàn bộ nội dung truyện, có sửa chữa, bổ sung thêm cho hoàn thiện, gửi Nhà xuất bản in ấn để có “đứa con tinh thần” tặng bạn bè, đồng đội và bạn đọc.
ĐOÀN HẢI HƯNG